24 thg 11, 2015

Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TPHCM

"Chính thức đưa vào hoạt động phục vụ lễ hội từ lễ giỗ Tổ mùng 10-3 năm 2009, Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TPHCM tọa lạc phần lớn trên địa bàn quận 9 là một dự án lớn, được Nhà nước quan tâm và đầu tư quy mô, là một trong số ít các công trình lịch sử văn hóa trọng điểm của TPHCM đang tiếp tục được thực hiện."

Trên đây là lời giới thiệu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TPHCM, hay còn gọi là Đền thờ Vua Hùng TPHCM, đăng trên báo SGGP ngày 11/9/2010. Cũng theo bài viết này: "Công viên có tổng diện tích hơn 400ha, được quy hoạch tổng thể với 4 khu: khu cổ đại, khu trung đại, khu cận hiện đại và khu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí (bao gồm Cù lao Bà Sang). Đến thời điểm này, công viên đã xây dựng hoàn tất công trình trung tâm của khu cổ đại là đền tưởng niệm các vua Hùng hoành tráng, với biểu tượng “Chim Lạc vươn cánh bay về phương Bắc” thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc."


Một công trình văn hóa tầm cỡ như vậy, cổng vào nằm ngay Xa lộ Hà Nội, cùng bên và cách cổng vào Khu Du lịch Suối Tiên chỉ 3 km. Vậy sao chỉ thường nghe người ta nhắc tới Suối Tiên mà chẳng ai nhắc tới Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc này nhỉ? Vì vậy cha con tui phải tới tham quan cho biết.

Theo thông tin cho biết thì công viên rộng tới 400 ha, vì vậy từ cổng vào phải đi cả cây số mới tới khu Đền thờ Hùng vương.

Cổng vào khu Đền thờ Hùng Vương

Và riêng khu Đền thờ Quốc tổ Hùng vương cũng trên 80 ha, nên phải qua những khoảng sân rộng, quãng đường dài mới tới.

Tượng quan quân canh giữ 2 bên cổng vào. Tui không biết binh phục thời vua Hùng ra sao, nhưng nhìn hình này thấy... giống trong phim Tam quốc chí hoặc phim Tần Thủy Hoàng ghê!


Đường đến đền thờ phải qua mấy chặng, mấy cổng

Mệt thì ngồi nghỉ, và tranh thủ làm dáng chụp hình!

Tuốt đàng xa kia là đền thờ

Nhưng trước khi tới đó, ngồi nghỉ thêm một xíu nữa!

Đền tưởng niệm các vua Hùng

Trong các ảnh trên, có thể thấy rất nhiều cây cọ được trồng để tái hiện không gian vùng đất tổ Phú Thọ, cùng với đó là rừng trúc. Được biết, để tạo dựng cảnh quan môi trường phù hợp, công viên đã trồng mới hơn 30 ha rừng (trong đó có 12ha rừng gỗ quý như cẩm lai, sao, lim…), đồng thời cải tạo và trồng thêm gần 100 ha cây xanh.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên là rừng cọ, rừng trúc gợi lên khung cảnh đất tổ Phú Thọ, Lạc Việt, về kiến trúc tui... không cảm thấy gợi lên điều gì về dân Việt hết. Thiệt tình, tui không phải dân kiến trúc, càng không phải là nhà văn hóa, nên tui nghĩ chắc mình không hiểu và không cảm được ý tưởng của nhà kiến trúc. Tui quay qua hỏi cậu con: Con thấy sao?

Nó nói: Con hổng biết, nhưng thấy kiến trúc mấy hình khối đồ sộ này con lại hình dung ra kiến trúc Liên Xô mấy thập niên trước. Nếu hỏi thấy giống kiến trúc gì ở Việt Nam thì giống Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, mà cái bảo tàng ấy thì... cũng lại giống kiểu Liên Xô!

Bên trong khu vực đền là thế này:

Dĩ nhiên là tui không biết kiến trúc đặc trưng thời vua Hùng như thế nào, nhưng tui có coi phim thấy mấy cây cột này giống... châu Âu ghê!

Hình này có người, để hình dung mấy cây cột nó bự cỡ nào.

Khu vực đền tưởng niệm được bố trí chung quanh theo hình vòng cung như thế này:


Theo mô tả, thì hình như đây tượng trưng cho cánh chim Lạc, nhưng cái đầu kém hiểu biết của tui lại cứ tưởng tượng thành... đấu trường Colosseum ở La Mã

Vào bên trong các cửa đó là các bàn thờ Quốc tổ, Lạc dân, Lạc tướng, Hai Bà Trưng...

Nơi thờ Quốc tổ

Ở tầng trên là sân vọng. Nơi đây ta lại thấy... những cây cột!



Ở một góc sân vọng là lư hương và cây xanh tạo hình hạc trên lưng rùa.


Đứng ở sân vọng này ta có thể nhìn thấy núi Châu Thới


Khi trở ra, thay vì đi bằng lối chính, tui đi vào hàng trúc để tìm cảm giác thiên nhiên. Tiếc rằng hàng trúc lưa thưa một cách tội nghiệp.


Như trang web chính thức của Công viên này (www.cvlsvhdt.hochiminhcity.gov.vnmô tả, công trình gồm có các khu: Khu cổ đại, khu trung đại, khu cận hiện đại và khu sinh hoạt văn hóa. Riêng khu cổ đại gồm có:

  1. Khu tưởng niệm các vua Hùng
  2. Khu tái hiện thời đại Văn hóa Sơn Vi; Hòa Bình; truyền thuyết về người Giao chỉ.
  3. Khu tái hiện sinh hoạt Văn hóa Bắc Sơn, Phùng Nguyên.
  4. Khu tái hiện văn minh sông Hồng, nước Văn Lang.
  5. Khu thể hiện các truyền thuyết: Lạc Long Quân - Âu Cơ, Sơn Tinh Thủy Tinh, sự tích Trầu Cau,Bánh Dày Bánh Chưng, Thánh Gióng ...
  6. Khu tái hiện tình cảnh nhân dân và các cuộc khởi nghĩa từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Khúc Hạo đến Ngô Quyền.
Vậy là tui chỉ mới tham quan số 1 nhỏ trong 6 số của 4 khu thôi. Bước ra, tui nhờ chỉ đường tới các điểm khác. Người trong đó hỏi tui đã đi đâu rồi. Tui trả lời vậy vậy đó. Người đó nói rằng trong đây vậy là hết rồi, có đi thăm Tổ đình Bửu Long chưa? Trời đất, Tổ đình Bửu Long thì tui biết rồi, có tới rồi, nhưng đó là ngôi chùa Nam tông lớn, đâu có liên quan chi tới công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc này, chẳng qua chỉ ở gần khu vực này thôi. Người đó xoa tay nói: Vậy là hết rồi. Đi dìa được rồi!

Cũng cần nói thêm là mặc dù mang tiếng là công viên, nhưng suốt trong thời gian tui đi vòng vòng trong đó thì chì thấy có công nhân tỉa cây, làm vệ sinh, bảo vệ, quản lý chớ không thấy ai tham quan hết! (À không, tui có thấy thằng con tui!). Có thể vì tui đi ngày thường, không phải cuối tuần chăng?

Nghe nói rằng hàng năm nơi đây có ngày lễ lớn là ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3, quan chức thành phố tề tựu về làm lễ. Có thế chứ! Công trình đồ sộ như thế này chẳng lẽ không có công dụng?

À, mà sao không lễ ở Đền thờ Vua Hùng trong Thảo cầm viên nhỉ? Nơi đó đâu kém phần trang trọng?

Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Tui nghe giang hồ đồn rằng năm 2009 khai trương Công viên này thì anh đã rời xa Việt Nam rồi. Dzậy là không có dịp viếng thăm công trình tầm cỡ rồi. Tiếc dữ hông!

      Xóa