15 thg 7, 2016

Qua sông Đồng Nai là tới... Châu Đốc!

Chỉ cần có chút xíu kiến thức về địa lý là biết ngay qua sông Đồng Nai không thể tới Châu Đốc được. Ấy vậy mà có khi lại... được mới độc chớ!

Dọc theo đường Nguyễn Xiển, quận 9, khoảng gần chùa Bửu Long, có khá nhiều bến đò để qua một cù lao. Các bến đò ấy ghi là... bến đò Châu Đốc, hoặc ghi là qua chùa Bà Châu Đốc... Thí dụ ngôi chùa cổ Hội Sơn (cùng nằm trên đường Nguyễn Xiển), cạnh chùa là một bến đò, gọi là... bến đò Châu Đốc. Tấm bảng ghi rõ những con đò ở đây đưa khách qua sông để tới Chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc! Vậy không phải qua sông Đồng Nai là tới Châu Đốc sao?

Một cách đầy đủ, người dân gọi tên ngôi chùa ở bên kia sông là Chùa Châu Đốc 3, hay Chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc 3. Kỳ thiệt, tên chính thức của ngôi chùa là chùa Phước Long.

Chùa Phước Long (Châu Đốc 3) nhìn từ bên này sông.

Nằm ở một cù lao trên sông Đồng Nai (cù lao Long Bình), con đường duy nhất đến chùa chính là qua đò nơi đây. Ngôi chùa đẹp, phong cảnh hữu tình giữa sông nước mênh mông, lại nghe nói là rất linh thiêng nữa nên thường xuyên có du khách và khách hành hương đến cúng bái. Đây được xem là ngôi chùa gỗ lớn nhất Đông Nam Á, và đã từng được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận nằm trong “Top 100 Điểm đến ấn tượng Việt Nam”.

Quang cảnh chùa bên bến sông

Chùa Phước Long được trao giải "Top 100 điểm đến ấn tượng"

Quả thật đây xứng đáng là một điểm đến tuyệt vời, có điều... Tui đã cố hết sức tìm hiểu nhưng không hề thấy chùa Châu Đốc 3 này có liên quan gì tới Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc hết! 

Trước hết, tên chùa là Phước Long, không phải Châu Đốc, cũng không phải Bà Chúa Xứ. Kế đến, đây là chùa, thờ Phật, không phải là miếu, thờ Bà. Tiếp nữa, đây là ở quận 9, TPHCM chớ hổng phải ở Châu Đốc!

Nghe đồn là trước đây trên cù lao Long Bình này đã có miếu thờ Bà Chúa Xứ nhỏ xíu, không mấy ai biết. Cách đây 6 - 7 năm, có người nằm mơ thấy Bà hiện về yêu cầu đưa miếu thờ ra sát bờ sông cho khách thập phương dễ thăm viếng và tiếng đồn là linh thiêng nên người ta nô nức tới. Còn chùa Phước Long thì lại khác, trước đây là một ngôi chùa mái lá, mới được xây dựng lại vài năm gần đây. Ấy vậy nhưng du khách tới viếng chùa Phước Long, thắp nhang lạy Phật và nói là tới... chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc!


Mà thôi, dân đã gọi đây là chùa Châu Đốc thì... là chùa Châu Đốc, chớ cãi làm gì!

Sẵn đây cũng nói thêm: đã gọi là chùa Châu Đốc 3 thì ắt là phải có chùa Châu Đốc 2. Xin thưa, chùa Châu Đốc 2 cũng không phải ở Châu Đốc, mà ờ TPHCM luôn, đó là một ngôi chùa ở Nhà Bè, với sự tích giống giống như trên. Còn chùa Châu Đốc 1? Ừa, đó mới chính thiệt là tên người dân gọi Miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc!

Cũng sẵn đây xin nhắc lại một chuyện: Nam bộ có chùa núi Bà Đen ở Tây Ninh nổi tiếng linh thiêng, thu hút nhiều khách hành hương. Dân Sài Gòn muốn đi viếng chùa Bà Đen mà không tới Tây Ninh được thì chỉ cần qua chùa Bà Đen ở... quận 1! Người dân coi như đây là... Văn phòng 2 của chùa Bà Đen Tây Ninh. Kỳ thiệt, đây không phải chùa Phật mà là một ngôi đền Ấn Độ giáo, tọa lạc tại số 45 Trương Định, quận 1. Đền có tên chính thức là Đền Bà Mariamman. Dĩ nhiên là ngôi đền Ấn Độ giáo này không hề ăn nhập gì với chùa Bà Đen ở Tây Ninh hết, trừ một điều là... tượng bà Mariamman trong đền có màu đen! (Bạn có thể xem chi tiết hơn trong bài Bà Đen nhé!).

Phải công nhận là dân Nam bộ mình dễ tính và vui tính quá ha các bạn?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét