19 thg 2, 2018

Bông hoa còn đẹp, lòng sao thấm mệt...

Bông là hoa. Người ta ngầm hiểu rằng hể kêu bông thì tức là tiếng miền Nam, còn gọi hoa ấy là miền Bắc. Trong đa số trường hợp, tên gọi dễ dàng chuyển đổi từ bông thành hoa khi người nói chuyển từ... người Nam sang người Bắc, hoặc ngược lại. Bông mai, bông cúc, bông hồng... thành hoa mai, hoa cúc, hoa hồng... và ngược lại.



Tưởng như bông là phương ngữ Nam bộ để chỉ hoa. Nhưng đâu phải, vì nếu vậy thì đâu có từ bông hoa được dùng chung cả nước. Thí dụ như chương trình Những bông hoa nhỏ, như bài Ngày xưa Hoàng Thị có câu Bông hoa còn đẹp, lòng sao thấm mệt... Ờ, ngoài ra người ta nói là đóa hoa chớ hổng ai nói đóa bông hết á.



Một loài hoa quen thuộc ngày Tết người miền Nam gọi là bông vạn thọ, như thường lệ, người Bắc gọi là hoa vạn thọ, có khi gọi là hoa cúc vạn thọ. Nhưng cũng hoa ấy, người Nam thường gọi tắt là bông thọ, thì đó lại là tiếng riêng của miền Nam, chớ miền Bắc không gọi là hoa thọ. 

"Đỉnh điểm" là bông bụp, không hề có hoa bụp trong tiếng miền Bắc, mà họ gọi là hoa dâm bụt. Ngược lại, nếu người miền Nam mà nói bông dâm bụt thì nghe nó... dị hợm làm sao á!



Giờ tui nói tới một trường hợp cá biệt, đó là bông lan. Không phải bông lan hoa lan đâu, mà tui muốn nói tới cái bánh bông lan á! Đâu có ai kêu nó bằng bánh hoa lan đâu, phải hông? Dường như là ở đâu nó cũng là bánh bông lan, phải không? Tui đâm ra nghi ngờ, hay chữ bông lan này từ tiếng Pháp hay tiếng gì đó mà ra, chớ không phải bông lan orchid, bởi vỉ nhìn hình dáng bánh bông lan đâu có gì giống hoa lan (orchid) đâu!




Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. có lẽ do tiếng sponge cake mà gọi là bánh bông lan

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, anh. Giả thuyết này có cơ sở, tuy nhiên tui cảm thấy chưa thuyết phục lắm.

      Xóa