12 thg 2, 2018

Dư, thừa...


1.
Trái trong hình là trái dư, vài năm gần đây thường được bày trong mâm ngũ quả ngày Tết. Lý do chính là vì nó tên..., ý nói dư dả. Thay vì trước đây là (mãng) cầu - sung (túc) - vừa (dừa) - đủ (đu đủ) - xài (xoài) thì bây giờ tham lam hơn, không chỉ đủ mà còn nữa! Lý do phụ là trái này có màu vàng tươi, bắt mắt.

Cái điều cực kỳ quan trọng mà các nhà khoa học, báo chí đã lên tiếng là trái này cực độc, ăn vô có thể gây hôn mê, dẫn đến chết queo. Cúng ông bà mà xài cái thứ cực độc vậy coi bộ không ổn.

Điều đáng nói nữa, trái này nào giờ không mang tên , mà người dân gọi là cà vú hoặc cà vú dê, bởi vi hình thù nó giống vú dê (hay vú vê hi hi), chả ai trồng vì ăn không được, và càng không dùng để cúng. Chả biết có tay tiếp thị giàu trí tưởng tượng nào thấy nó có u lồi ở gần cuống bèn chế cho nó cái tên dư, rồi lại bịa tiếp là nó tượng trưng cho sự dư giả, để dụ bán cho thiên hạ ùn ùn mua về cúng Tết! Túm lại là cái xuất xứ để lập luận hổng có cơ sở, cái đạo lý cũng hổng có (tham lam, đòi là dư, thay vì chỉ cầu vừa đủ xài).

2.
Vụ này người ta nói nhiều rồi, nhưng năm nay trái dư vẫn bán được hàng lắm. Thôi kệ, đó là chuyện của người ta, tui chả có ý kiến. Chí có điều là mỗi khi thấy trái dư, tui lại nghĩ tới... bà nội ruột của tui! Bởi vì ông bác họ của tui vẫn kêu bà bằng cô Dư.

Bà nội tui mất sớm lắm, năm 1946, khi chưa qua tuổi 40. Ba tui còn không nhớ gì về bà nữa kia, huống hồ gì là tui. Hình ảnh của bà lại càng không có. Bác họ của tui, kêu bà bằng cô, ở ngoài quê Bình Định của bà nội thuở xưa, kể rằng: Cô Dư ngày xưa rất đẹp, và thông minh nữa...

Tui tròn mắt ngó ông, vì tuy không biết mặt nhưng tui biết tên bà nội không phải là Dư, hay là ông đang kể về người khác? Thấy tui ngơ ngác, ông hiểu ra, và giải thích: Ngoài quê mình, nhà sanh con nhiều thì qua tới đứa thứ Chín, thứ Mười rồi sẽ tiếp tục đặt Dư, Thừa... cũng như trong Nam đặt tới Út rồi mà còn đẻ nữa thì sẽ là Út Thêm, Út Mót...

À, ra vậy. Thảo nào, tui có bà con quê Bình Định vai ông, gọi là ông Thừa. Nào giờ tui cứ tưởng ông tên Thừa, hoặc có chức tước gì oai lắm, như Thừa tướng chẳng hạn. Giờ mới hiểu...

Chuyện đặt và gọi tên theo thứ của người Việt mình đối với những người con sinh sau (lớn hơn Mười) cũng ngộ ha. Tui chẳng biết gì nhiều, ai biết kể cho nghe với (là kể chuyện xưa thôi, chớ bây giờ mỗi gia đình chỉ có một đến hai con thì... đâu có gì để kể!).


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét