24 thg 10, 2018

Gió đưa bụi chuối sau hè...

Ầu ơ,
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ...

Mấy câu trên là ca dao, và cũng là lời ru của má, tui nghe từ hồi... ừ, chắc là hồi mới được sanh ra, chưa biết gì luôn. Chắc là nhiều bạn cũng đã từng được nghe giống như tui vậy. Hồi nhỏ chưa biết gì nhưng lời ru buồn bã, xa vắng dễ dàng đưa đứa bé vào giấc ngủ. Lớn lên một chút, hiểu ý nghĩa lời ru, càng thấm thía nỗi cô đơn, chịu đựng của người phụ nữ bị chồng bỏ rơi, ru con giữa tiếng xào xạc của bụi chuối sau hè...


Bạn chắc cũng như tui, đều chỉ quan tâm đến ý chính của câu ru là Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ, nếu có chú ý thêm một chút thì để ý đến khung cảnh miền quê Gió đưa bụi chuối sau hè... chớ đâu thấy có ý gì khác. Thế nên khi bạn tui hỏi: 

Anh có biết vì sao "Gió đưa bụi chuối sau hè" mà không phải là "Gió đưa bụi chuối trước hè" hay không?

là tui ngắc ngứ. Rồi tui nghiệm ra một điều: ở quê nếu nhà có trồng chuối thì hầu như đều trồng ở sau nhà, chớ không hề trồng trước nhà. Sao vậy ta?

Bạn tui, vốn là một kiến trúc sư, giải thích rằng đó là một nguyên lý thiết kế nhà cửa của ông bà ta, đã được đúc kết bằng câu tục ngữ: Trước cau, sau chuối. Ý nghĩa của quan điểm thiết kế này như sau:

Trong phong thủy, quan niệm khoảng trống phía trước (sân) có tác dụng là vùng đệm để thanh lọc khí, đón khí tốt vào nhà; khoảng trống phía sau (vườn) thường nhỏ hẹp hơn phía trước, có tác dụng thanh lọc, giữ cho khí từ từ thoát ra, tránh tạo sự thoát khí đột biến, đồng thời chắn gió lạnh từ bên ngoài, giữ ấm cho ngôi nhà. Do vậy sân trước cần rộng rãi và thoáng, sân sau hẹp và tạo thế che chắn sẽ tốt hơn.


Trước nhà thường chọn cau, vì cây cau thân tròn có nhiều đốt, mọc cao và ngay thẳng, lá ở tít trên cao phần ngọn. Hàng cau trước nhà thẳng tắp vừa đẹp mắt, lại không che khuất tầm nhìn của ngôi nhà, có tác dụng như một hàng rào danh dự trấn giữ, che chở bảo vệ cho ngôi nhà. Đó chính là ý nghĩa của Trước cau.

Sau nhà thường chọn chuối, vì cây chuối có nhiều tàu lá to, thân to tròn gồm nhiều lớp bẹ kết gắn chặt lại mà thành cây. Cây chuối là loại cây đẻ mầm rất nhanh, sống khỏe, tạo thành khóm, bụi nên mang nét vững chắc, có tác dụng che chắn tốt hơn cho ngôi nhà. 
Đó chính là ý nghĩa của Sau chuối.

Trước cau

Sau chuối

Ra là vậy! Đó chính là lý do tại sao Gió đưa bụi chuối sau hè mà không phải Gió đưa bụi chuối trước hè. Quả là từng chữ của ông bà ta đều có giá trị ý nghĩa!

Sẵn tiện, tui tra cứu để xem câu Trước cau sau chuối có ai giải thích khác không, thì thấy như vầy:

Theo Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân:

Chuối đằng sau, cau đằng trước: Tả một cảnh nhà nông dân làm ăn khấm khá.

Ái chà, lời giải thích này có vẻ trật quẻ quá, và lại tầm bậy nữa, vì ai đời lại diễn tả nhà khấm khá thì... trồng chuối! Nhưng thôi, ông này nổi tiếng viết sai, viết bậy, nên chả cần quan tâm làm gì.

Theo Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào:

Chuối sau cau trước: Một kinh nghiệm trồng trọt: chuối trồng sau nhà để tận dụng đất thừa, cau trồng trước nhà để làm cảnh và ít bị che nắng ở sân phơi.

Lời giải thích này có phần hợp lý, nhưng không nêu lên được ý nghĩa về phong thủy.

Đặc biệt, giáo sư Trần văn Khê có lời giải thích đậm chất Nam bộ như sau:

Chuối là... chúi nhủi, do đó người ta chỉ trồng phía sau nhà chớ không trồng trước nhà vì sợ xui xẻo. Còn cau là... cao đẹp, cái gì cao đẹp thì bày ra phía trước, cho nên trước nhà thường trồng cau.


Tui thích lời giải thích thú vị của giáo sư Trần văn Khê, nhưng tui tin giải thích đúng nhứt cho câu Trước cau, sau chuối chính là lời giải thích liên quan đến kiến trúc, phong thủy nêu trên.

Tui ngồi ngẫm nghĩ câu Gió đưa bui chuối sau hè... như vậy, rồi liên tưởng tới những câu Gió đưa bụi chuối khác:

Gió đưa bụi chuối chèm nhèm
Má anh khó lắm, hổng thèm làm dâu

hay

Gió đưa bụi chuối ngã quì,
Thương cha phải chịu lụy dì, dì ơi!


rồi lại

Gió đưa bụi chuối tanh bành,
Ôm duyên đi bán đất thị thành nào hay?

Thôi, lan man vậy nhiều rồi. Nói chuyện ca dao Việt Nam biết tới bao giờ mới hết. Đi ngủ nhen?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét