22 thg 10, 2019

Nhạn đậu cành sung, anh giương cung bắn nhạn...

Nhạn đậu cành sung, anh giương cung bắn nhạn
Con nhạn lụy rồi, anh biết làm bạn với ai?

(hoặc Nhạn thác đi rồi, anh biết làm bạn với ai?)

Hồi nhỏ, tui nghe má tui hát ru như vậy. Lời ru buồn buồn, mang vẻ tiếc nuối vì một sự lỡ lầm nào đó. Tui nghe, chìm đắm trong lời ru của má và nhớ hoài giai điệu da diết ấy, mặc dù... không hiểu gì hết! Anh là ai? Sao lại bắn con nhạn? Sao nhạn lại đậu cành sung?



Rồi hơn nửa thế kỷ trôi qua, má tui đã qua đời, dĩ vãng đã trôi xa thật là xa. Bây giờ không còn nghe hát ru nữa, người ta dỗ trẻ bằng cách... mở YouTube. Đôi khi trong tiềm thức tui nhớ lại câu hát ngày nào, thương nhớ khôn nguôi, nhưng dù đã là một ông già tui... vẫn chưa hiểu câu ca trên muốn nhắn nhủ điều gì.

Rồi tui tình cờ đọc một truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy, kể về một người nữ nghệ sĩ nghèo tên Hai Nhạn, ở kết truyện ông đặt lại câu hỏi giống như tui hồi nào:

Nhạn là con chim gì? Con nhạn lụy rồi, anh làm bạn với ai? Tâm trạng của nhà thơ dân gian nào hồi xưa mượn cái khủng khiếp của sự cô đơn để răn đe kẻ giương cung bắn nhạn là tâm trạng gì, yêu mến cô đơn hay sợ hãi cô đơn?

Rồi ông mượn một tiếng nói từ cõi hư vô để trả lời cho chính mình:

Ông già lẩm cẩm, đừng đòi hỏi lời thuyết minh thỏa mãn cho tất cả mọi câu đố của cuộc sống, nhứt là những câu đố về cái dẹp. Có những cái đẹp chỉ đẹp khi ta nhìn nó qua lớp sương mù của sự mơ hồ. Như con nhạn của ông chẳng hạn.

Câu trả lời mà không trả lời này dường như đã làm tui chợt hiểu. Và tui tiếp tục chiêm nghiệm cái triết lý của ông về sự hạnh phúc:

Gặp hạnh phúc là người nào trong tuổi già vẫn còn giữ được nguyên vẹn tình yêu của mình đối với cái gì mình đã yêu thương từ thuở ấu thơ. Niềm hạnh phúc đó, đương nhiên là phải được trả giá bằng rất nhiều đau khổ.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét