7 thg 3, 2020

Khám phá giai điệu ẩn

Bài này được viết cách đây đúng 10 năm, sau khi đi dự đám tang  một người bạn quý. Hôm nay đăng lại nơi đây để tưởng nhớ anh, sau 10 năm vĩnh viễn chia xa.



Còn hơn cả một nghề nghiệp, đó là tình yêu!

Còn hơn cả kỹ thuật, đó chính là nghệ thuật!

Có thể nói như thế về sự đam mê với hạt cà phê của anh.

Không phải quán cà phê sân vườn với long lanh sương sớm hay tiếng nhạc trữ tình, mà là hạt cà phê – là phương pháp rang xay, chế biến hạt cà phê sao cho đạt được hương vị tinh túy nhất của cà phê.

Nói về cà phê, anh như người lên đồng, như nói về người tình yêu dấu.


Sinh năm 1961, vậy mà anh đã có 30 năm lăn lộn với hạt cà phê. Anh nói:

Bản chất cà phê là một món thưởng thức rất độc đáo về hương vị và cảm giác mang lại. Thế nhưng bấy lâu nay người Việt Nam chúng ta đã bị lầm lẫn bởi ảnh hưởng các loại cà phê độn, cà phê giả,cà phê chế biến tùy tiện, pha chế quá nhiếu phụ gia như caramen, hương liệu tổng hợp; nhiều nhà chế biến cà phê ở Việt Nam hiện nay đang chiều theo thị hiếu thấp và lợi nhuận khiến cà phê mất dần đi tính văn hóa nghệ thuật cùng những đặc tính tốt cho sức khỏe. Làm thế nào để vực dậy văn hóa thưởng thức cà phê ở Việt Nam, đồng thời ngăn chặn những mối nguy sức khỏe do cà phê giả, cà phê chế biến không đúng cách mang lại?!


Anh đã một mình, 30 năm trời đi trên con đường ấy. Cà phê của anh không hề pha chế bất kỳ chất phụ gia nào nhằm đạt được sự tinh khiết cao nhất, thế nhưng vẫn có những hương vị khác nhau để phù hợp với gu của từng người (kể cả phụ nữ!).

Tôi hỏi anh: Không pha chế thì làm sao tạo nên được hương vị khác nhau?

Anh say sưa giải thích: Bí quyết là ở chỗ đó. Cần phải xác định thời gian và nhiệt độ rang cho từng công đoạn.

Anh kể rằng mình đã làm hàng ngàn phép thử ở những thời gian và nhiệt độ khác nhau, nếm thử và ghi chép lại. Sau đó nhờ đến kỹ thuật số để thiết kế mạch điều khiển nhiệt độ và thời gian theo những thông số mà mình ghi nhận được để máy rang cà phê rang theo đúng thông số ấy.

Anh thêm: còn phải xét đến loại cà phê nữa, Arabica hay Robusta…

Anh mơ màng nói: 


Hạt cà phê như những nốt nhạc, mình phải biết phối hợp nó như thế nào để thành những giai điệu, thành bản nhạc đem lại sự tuyệt với cho người thưởng thức…

Mang hương vị cà phê thuần khiết này đến với mọi người, làm cho mọi người bỏ dần thói quen xấu là uống cà phê pha thêm nhiều chất phụ gia, vừa có hại cho sức khỏe, vừa làm mất đi hương vị nguyên thủy tuyệt vời của cà phê. Đời tôi chỉ mong làm được vậy!



"Anh phải làm thương hiệu, phải làm website để quảng bá sản phẩm và truyền đi thông điệp của mình". Tôi nói.

Anh trả lời:

  • Tôi không muốn và cũng không thích là một đại gia kinh doanh cà phê như Trung Nguyên hay VinaCafe, tôi chỉ muốn người ta biết yêu biết quý hương vị cà phê thuần khiết. À, tôi đã chọn thương hiệu cà phê cho mình rồi, nó là Carino.

  • Carino? Nghĩa là gì?

  • Đó là tiếng Ý, là tên một bài hát, và cũng là một thuật ngữ âm nhạc, có nghĩa như chữ nice trong tiếng Anh, nghĩa là đẹp, duyên dáng.
Cà phê Carino của anh có nhiều loại, anh đặt tên cho nó bằng những từ thuần âm nhạc: Forte (cảm giác mạnh), Mezzoforte (hưng phấn), Piano (dịu dàng), Mezzopiano (thanh thoát), Pianissimo (dịu ngọt)…


Tôi cười, bảo: Anh có vẻ lậm âm nhạc quá nhỉ?

Anh lại tiếp tục cơn say của mình: Tôi chỉ huy giàn nhạc trong ca đoàn của nhà thờ. Tôi yêu âm nhạc lắm anh ạ. Con gái lớn tôi theo học tại học viện âm nhạc ở Paris, và bây giờ cháu đang học ở Canada. Cháu nhỏ đang theo học tại Học viện Âm nhạc TP HCM.

Rồi tôi lại được anh đưa vào thế giới của Mozart, Beethoven, của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…

Có lẽ cuộc đời anh chỉ có 2 thứ, là cà phê và âm nhạc.

Tôi gợi ý với anh: Anh chọn slogan cho thương hiệu Carino đi. Theo tôi, slogan có thể là Giai điệu của sự thuần khiết. Cũng cùng với hạt cà phê đó, với sự thuần khiết đó mà anh tạo ra biết bao giai điệu cho đời…

Anh tỏ vẻ thích thú với ý niệm giai điệu trong slogan. Ít ngày sau, chúng tôi chọn slogan cho cà phê Carino của anh là: Khám phá giai điệu ẩn.





Có thương hiệu, có slogan, có website, anh mở ra đợt dùng thử cà phê Carino miễn phí để mọi người biết đến cà phê thuần khiết của mình.

Anh thất bại.

Trừ một số người cá biệt, đa số vẫn quen uống cà phê không nguyên chất có pha đủ thứ trên đời mà cho rằng Carino của anh có mùi vị lạ lẫm.

Anh buồn, nhưng không nản chí. Anh lại tiếp tục các thử nghiệm rang xay ở những thời gian và nhiệt độ khác nhau của mình để tìm ra một hương vị hợp với khẩu vị của khách.

Anh cứ như thế, với tình yêu của cả cuộc đời mình.





20 giờ 30 phút ngày 7 tháng 3 năm 2010, anh vĩnh viễn ra đi về nước Chúa vì căn bệnh ung thư quái ác. Anh ra đi khi chưa qua cái tuổi tri thiên mệnh.

Bên linh cữu anh, người thân, bạn bè hát thánh ca đưa anh bình an ra đi…

Bên linh cữu anh, cô con gái vừa từ Canada về gục đầu nức nở…





Tình yêu âm nhạc của anh sẽ được tiếp nối đến đời sau qua cô con gái, nhưng tình yêu cà phê của anh sẽ còn có ai nâng niu nữa hay chăng?

Hạt cà phê đã vĩnh viễn mất đi một người tình… Giai điệu ẩn sẽ còn ai khám phá?

Vĩnh biệt anh, người bạn quý, người nghệ sĩ đáng yêu đã bay khỏi cõi đời này.

Vĩnh biệt anh, Micae Phạm Hữu Phước (1961 - 2010).



Phạm Hoài Nhân
07/03/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét