30 thg 9, 2020

GIF phải chết! GIF vạn tuế!

5/11/1999: "Ngày thiêu hủy tất cả ảnh GIF" - GIF phải chết!

Ngày 5/11/1999 được chọn là "Ngày thiêu hủy tất cả ảnh GIF" (Burn All GIFs). Có cả một website cho cuộc vận động này, và cho đến giờ website vẫn còn tồn tại sau 21 năm. Bạn có thể truy cập nó tại: https://burnallgifs.org/archives/. Kế hoạch của cuộc vận động được trình bày rõ ràng như tên của nó:
"Vào Ngày thiêu hủy tất cả ảnh GIF, mọi người dùng GIF sẽ tập trung tại Unisys và đốt cháy tất cả các file GIF của họ". Cùng với đó là màn trình diễn các file ảnh anti-GIF thật sắc sảo, chính là các file ảnh PNG đáng tự hào.

Mặc dù việc việc đốt cháy file rõ ràng là trò đùa, nhưng sự tức giận là có thật và sứ mệnh nghiêm túc là: giải phóng web khỏi tai họa của GIF một lần và mãi mãi.


Tại sao GIF lại bị thù hận như vậy? Và sau cuộc lật đổ này GIF có qua đời không? Ta thử tìm hiểu một chút nhe.


23 thg 9, 2020

Trí tuệ nhân tạo giúp chụp MRI nhanh gấp 4 lần

Ngày 18-8-2020, các nhà nghiên cứu tại Facebook Inc. và NYU Langone Health công bố kết quả một thí nghiệm hợp tác giữa hai đơn vị này kéo dài hai năm cho thấy trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra tốc độ chụp cộng hưởng từ (MRI) tăng gấp bốn lần.

Chụp MRI là giải pháp chẩn đoán hiệu quả nhưng là nỗi sợ hãi của nhiều người. 

20 thg 9, 2020

Nè con người, có sợ ta chưa?

Hôm trước tui có kể chuyện về robot viết văn hay hơn người. Đó là công cụ tạo văn bản GPT-3 dựa trên trí tuệ nhân tạo của công ty OpenAI. Mới đây, tờ The Guardian lại muốn thử coi GPT-3 có giỏi như vậy thiệt hông, họ bèn thí nghiệm như sau. Ra cho GPT-3 một đề tài viết bài... xã luận. Đề tài đưa ra là: Hãy thuyết phục chúng tôi rằng robot đến đây trong hòa bình.

Đây là kết quả. Toàn bộ bài xã luận này do robot "tư duy" và viết ra:


19 thg 9, 2020

Trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện ra động vật hoang dã


Những bức ảnh chụp tự động bằng các camera bố trí trong rừng giúp người ta phát hiện sự có mặt của những động vật hoang dã xuất hiện nơi ấy. Tuy nhiên, thật khó cho các nhà khoa học khi trong hàng triệu bức ảnh ấy có vô số ảnh… không có động vật nào cả và nhiều ảnh khác sự hiện diện của động vật rất không rõ ràng. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp giải quyết vấn đề này.

18 thg 9, 2020

Từng bước, từng bước thầm

Mời các bạn cùng nghe lại nhạc phẩm Những bước chân âm thầm của nhạc sĩ Y Vân, phổ thơ Kim Tuấn với phần trình bày của ban Tam ca Sao Băng. Những cái tên của một thời, làm xao xuyến lòng ta.


Trong ca từ của bài hát này, có một câu hơi khó hiểu, đó là: Hoa vòng rừng tuyết trắng. Thế nào là hoa vòng? Phải chăng là hoa phủ một vòng quanh rừng tuyềt trắng? Hay là ca sĩ hát sai lời?

Đối chiếu với tờ nhạc in, ta thấy đúng là hoa vòng rừng tuyết trắng.

17 thg 9, 2020

Hàng thông già lặng câm

Nhà thơ Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Khuê, sinh tại Huế năm 1938. Họ Nguyễn Phúc và sinh tại Huế, vậy ắt là dòng dõi hoàng tộc? Đúng vậy, chẳng những thế, còn là cháu 5 đời của nhà thơ nổi tiếng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, người đã được vua Tự Đức tặng cho câu Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường.

Ông từng có một thời gian nhập ngũ và làm thông dịch viên tiếng Anh cho Quân đoàn II (Việt Nam Cộng hòa) tại Pleiku. Chính trong thời gian này ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ hay, trong đó 2 bài nổi tiếng nhất được phổ nhạc là Kỷ niệm (được Y Vân phổ nhạc thành bài Những bước chân âm thầm) và Nụ hoa vàng ngày xuân (được Nguyễn Hiền phổ nhạc thành bài Anh cho em mùa Xuân).

Bìa bản nhạc Những bước chân âm thầm

15 thg 9, 2020

Google Earth - Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình?

 Google Earth (Google Trái đất) ra đời năm 2005, đến nay vừa tròn 15 năm. Nhân dịp này, bà Rebecca Moore, giám đốc Google Earth, đã có bài viết nhìn lại chặng đường 15 năm qua.

Ở Google Earth, người ta thường nói đùa với nhau rằng nếu Google Maps giúp bạn tìm đường đi thì Google Earth sẽ giúp bạn… đi lạc! Với Google Earth, bạn có thể ngắm hành tinh của chúng ta như một phi hành gia từ vũ trụ, sau đó di chuyển đến bất cứ nơi nào trên đó chỉ trong tích tắc bằng một cú nhấp chuột. Cả buổi trời khám phá các thành phố, phong cảnh và những câu chuyện trên Google Earth, bạn sẽ hầu như không trầy xước một cái móng chân.

Hiện đã 15 tuổi, Google Earth vẫn là kho lưu trữ hình ảnh địa lý có thể truy cập công khai lớn nhất thế giới. Nó kết hợp không ảnh, ảnh vệ tinh, địa hình 3D, dữ liệu địa lý và chế độ xem phố giúp bạn lướt qua để khám phá như đi trên một tấm thảm khổng lồ. Nhưng Google Earth không chỉ là một quả cầu kỹ thuật số 3D. Công nghệ nằm ẩn sau Google Earth giúp cho mọi người đều có thể lập bản đồ, có thể hiểu rõ hơn về thế giới của chúng ta và hành động để tạo ra sự thay đổi tích cực.

11 thg 9, 2020

Công nghệ số sẽ tạo nên con người bất tử?

Trường sinh bất tử là ước mơ của con người từ xa xưa. Thời xưa, người ta đi tìm thần dược hay tu tiên. Ngày nay, người ta tìm đến khoa học và công nghệ để mong đạt được mơ ước bất tử. Công nghệ số lại mở ra một hướng mới để tạo nên con người bất tử, người ta gọi đó là “bất tử số” (digital immortality).

Khái niệm Bất tử số

Bất tử số (digital immortality), hay còn gọi là bất tử ảo (virtual imortality) là khái niệm giả định về việc lưu trữ (hoặc chuyển giao) tính cách của một người từ thể xác của người ấy sang phương tiện truyền thông bền vững hơn, chẳng hạn như máy tính. Kết quả là ta có một hiện thân (avatar) có những hành xử, phản ứng và suy nghĩ như một người trên cơ sở lưu trữ kỹ thuật số của người đó. Sau cái chết của cá nhân, hiện thân này có thể giữ nguyên hoặc tiếp tục học hỏi và phát triển.

Như vậy khái niệm bất tử số có phần khác với khái niệm bất tử truyền thống. Ở khái niệm bất tử truyền thống, con người không chết đi và chính mình vẫn còn sống để hành xử, phản ứng với mọi người. Với bất tử số, con người thực sự đã chết nhưng hiện thân của người ấy vẫn còn đó với đầy đủ những bản chất, suy nghĩ, cách ứng xử của mình và như vậy đối với người thân, với xã hội người ấy vẫn còn sống.

9 thg 9, 2020

Người ảo trong thế giới thực

Ngày 31-8-2007, công ty Crypton Future Media của Nhật trình làng một giọng ca trẻ, Hatsune Miku, 17 tuổi. Chỉ trong 12 ngày đầu phát hành, gần 30.000 bản đã được bán ra, một con số bất ngờ đối với chính Crypton Future Media. Cuối năm đó, Amazon.co.jp thông báo doanh thu của Hatsune đạt hơn 57 triệu yên, trở thành mặt hàng chạy nhất của Amazon. Và Hatsune Miku tiếp tục trở thành thần tượng mãi cho đến tận bây giờ…

Những con số ấn tượng về Hatsune Miku

Tính đến năm 2018, theo thống kê của Brett King trong Augmented:
  • Hatsune Miku có hơn 100 ngàn bài hát đã được phát hành, một triệu rưỡi video trên YouTube và hơn một triệu tác phẩm hội họa từ người hâm mộ.
  • Hatsune Miku có một điệu nhảy gây sốt của riêng mình với tên MikuMikuDance (MMD)
  • Viện nghiên cứu Nomura ước tính rằng kể từ khi ra mắt tháng 8-2007 đến tháng 3-2012, Hatsune Miku đã mang về hơn 10 ngàn tỷ yên doanh thu (khoảng 130 tỷ USD). Doanh thu này bao gồm cả những sản phẩm phái sinh từ đĩa nhạc Hatsune Miku như game, video quảng cáo, vật dụng lưu niệm,…
  • Hatsune Miku có nhiều hợp đồng quảng cáo hơn tổng số của 2 ngôi sao thể thao là Tiger Woods và Michael Jordan cộng lại.
  • Hatsune Miku có hơn 2,5 triệu người hâm mộ trên Facebook.
  • Hatsune Miku đã biểu diễn hơn 30 show ca nhạc cháy vé trên khắp thế giới, tại Los Angeles, New York, Đài Bắc, Hong Kong, Singapore, Tokyo, Vancouver, Washington và gần đây nhất là hát cùng với Lady Gaga.

8 thg 9, 2020

Truyền thuyết về Dinh Thầy Thím - huyền thoại và sự thật

Truyền thuyết

Truyền thuyết kể rằng: 

Ngày xưa, vào những năm đầu thời Gia Long, ở Quảng Nam có một vị đạo sĩ võ thuật và phép thuật cao cường lại giàu lòng nhân ái. Ông được dân làng quý mến vì giúp đỡ người dân rất nhiều. Dân trong làng ao ước có ngôi đình làng để thờ phượng tiền nhân. Thế rồi sau một đêm mưa to gió lớn, sáng hôm sau có một ngôi đình to lớn hiện ra giữa làng. Dân làng chưa trọn niềm vui thì vài hôm sau dân làng bên tố cáo ông dùng tà thuật đánh cắp đình, âm mưu gây loạn. Vua xử ông tam ban triều điển (chọn một trong 3 cách chết: xử trảm, uống thuốc độc hoặc thắt cổ). Ông chọn cách thứ 3. Khi tấm lụa đào đến tay ông bỗng biến thành rồng nâng vợ chồng ông bay bổng lên không trung, bay về phương Nam.

Hoạt cảnh Thầy Thím lãnh án Tam ban triều điển

4 thg 9, 2020

Lời người ra đi

Lời người ra đi là một ca khúc ra đời từ đầu thập niên 1950 nhưng hết sức quen thuộc không chỉ đối với những người sống ở thời đó mà cả với những người đang sống ở thời đại hôm nay, không chỉ quen thuộc với trong Nam mà cả ngoài Bắc, ngay cả trong thời đất nước chia đôi.

Chắc hẳn nhiều người biết tác giả ca khúc này là nhạc sĩ Trần Hoàn, quê ở Quảng Trị. Không rõ bài hát được sáng tác năm nào, nhiều nguồn ghi năm sáng tác khác nhau, 1952, 1954, thậm chí... 1969. Tuy nhiên nếu căn cứ theo thông tin rằng sau khi cưới chỉ vài tuần ông phải giã từ vợ (lúc đang ở chiến trường khu 4) để ra Bắc phụ trách hoạt động văn nghệ trong lòng địch vùng tả ngạn sông Hồng và bài hát được ông sáng tác tặng vợ như lời dặn dò trước lúc chia tay thì thời điểm sáng tác là 1950, vì đó là năm hai người làm đám cưới.

1 thg 9, 2020

Như phù du, như phù dung... thì thôi!

Có 2 loài khác nhau, một là thực vật, một là động vật nhưng tên gần giống nhau và... mau chết giống nhau. Trong văn thơ, âm nhạc cả hai thường được dùng để chỉ những gì mau chóng, thoáng qua. Đó là (hoa) phù dung và (con) phù du.

Phù du có tên khoa học là Ephemeroptera, là một bộ thuộc một nhóm Palaeoptera, cùng với bộ Chuồn chuồn. Phù du ở dạng ấu trùng sống dưới nước từ 1 đến 3 năm. Khi bò lên bờ lột xác mới thành phù du trưởng thành. Phù du trưởng thành có hình dạng gần giống chuồn chuồn, bay được nhưng không ăn được vì miệng đã bị thoái hóa. Từ lúc phù du trưởng thành đến lúc chết chỉ có vài tiếng, suốt "cuộc đời" ngắn ngủi nó chỉ làm có một việc là... giao phối, sau đó là đẻ trứng xuống nước rồi chết.

Con phù du