1 thg 9, 2020

Như phù du, như phù dung... thì thôi!

Có 2 loài khác nhau, một là thực vật, một là động vật nhưng tên gần giống nhau và... mau chết giống nhau. Trong văn thơ, âm nhạc cả hai thường được dùng để chỉ những gì mau chóng, thoáng qua. Đó là (hoa) phù dung và (con) phù du.

Phù du có tên khoa học là Ephemeroptera, là một bộ thuộc một nhóm Palaeoptera, cùng với bộ Chuồn chuồn. Phù du ở dạng ấu trùng sống dưới nước từ 1 đến 3 năm. Khi bò lên bờ lột xác mới thành phù du trưởng thành. Phù du trưởng thành có hình dạng gần giống chuồn chuồn, bay được nhưng không ăn được vì miệng đã bị thoái hóa. Từ lúc phù du trưởng thành đến lúc chết chỉ có vài tiếng, suốt "cuộc đời" ngắn ngủi nó chỉ làm có một việc là... giao phối, sau đó là đẻ trứng xuống nước rồi chết.

Con phù du

Phù dung là một loài hoa có bà con với bông bụp. Phù dung tên khoa học là Hibiscus mutabilis, còn bông bụp tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis. Cả hai thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae). Hoa phù dung có hai loại: hoa đơn (có 5 cánh), hoa kép (có nhiều cánh). Hoa nở xoè to đường kính 10 - 15 cm, chất cánh xốp, trông như hoa giấy; hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ) vì trong cánh hoa có chất anthoxyan bị oxi hoá dần khi tiếp xúc với không khí.

Hoa phù dung

So ra thì cái đặc điểm "mau chết"  của phù du đáng kể hơn nhiều so với phù dung. Phù du hưởng dương (không kể thời gian chưa trưởng thành, sống dưới nước) chỉ có vài tiếng, đáng coi là kỷ lục so với các loại côn trùng khác. Còn phù dung dù sao sống cũng tới gần nửa ngày (sớm nở tối tàn), kể ra cũng còn thọ hơn một số loại như hoa mười giờ (chỉ vài tiếng sau khi nở lúc... mười giờ) hay hoa quỳnh (chỉ vài tiếng sau nửa đêm). Vả lại, chuyện hoa sớm nở tối tàn không phải là hiếm.

Bởi vậy, khi nói về sự ngắn ngủi của kiếp người hay của một thời nào đó người ta thường dùng chữ đời phù du, kiếp phù du... Còn kiếp phù dung sớm nở tối tàn thường nói về dung nhan của người thiếu nữ mau phai nhạt.

Bởi vì hai chữ phù du, phù dung khá giống nhau và hàm nghĩa cũng tương tự nên đôi khi ta gặp trường hợp xài lộn chữ tếu tếu như sau:

Cuộc đời như cánh phù du 
Sớm nở tối tàn không sao níu kéo.

Hi hi, phù du hay phù dung gì thì cũng có cánh, nhưng phù du thì đâu có sớm nở tối tàn?

Có một bản nhạc của Hoàng Thi Thơ khá hay, trong đó xài luôn cả hai thứ phù du và phù dung, đó là bài Như cánh phù du. Nghe thử nhe.


Hai đoạn phù du - phù dung là đây:

Tình yêu như cánh, như cánh phù du bên đèn
Tình yêu như đóa, như đóa phù dung dưới mưa
Thì ta đã biết
Thời gian đã giết
Tình yêu đã chết
Đã chết thật rồi anh ơi...




Khi tình yêu như phù du
Khi tình yêu như phù dung
Thì thôi!
Thì thôi, thôi từ đây trên trần thế
Anh đường anh em đường em
Suốt đời...

À, có một điều thú vị là lời đề tặng của tác giả như sau:

Riêng tặng cháu Hoàng Kiều
Trong cơn đau của cuộc tình




Vậy là bài hát này nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết tặng người cháu Hoàng Kiều của mình - hồi ấy chắc còn là thanh niên, chưa là tỷ phú và mới bị thất tình!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét