Truyền thuyết kể rằng:
Năm 1802, vua Gia Long cho hành tội các nhân vật nhà Tây Sơn. Xương cốt 7 “tử tội” cho vào giỏ mây, thả trôi trên sông Hương. Có lẽ xương cốt đã trôi theo dòng, rồi tấp vào bờ xóm Kim Bồng (nay là làng Hòa An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).
Xóm này vốn là nơi ngụ cư của những lính thợ gốc Quảng Nam, chuyên đóng thuyền bè phục vụ thủy quân từ thời chúa Nguyễn, qua thời Tây Sơn, rồi đến thời các vua Nguyễn. Người dân xóm Kim Bồng phát hiện các giỏ mây có cốt đã hóa thạch, bí mật thờ phụng, theo thời gian tôn tạo thành Miếu Thất Vị.
Một vị quan nhà Tây Sơn từng biết bí mật về 7 giỏ mây có hài cốt, lui về ẩn dật ở làng La Qua (Quảng Nam), tạo nên thần thoại và dựng 7 bệ thờ (sau gọi là Bảy Miếu, hay Miếu Thất Vị), thực chất nhằm âm thầm hương khói các tướng lĩnh Tây Sơn bị hành hình năm xưa.
Vị cựu thần Tây Sơn này tinh thông lý số, từng giúp dân làng La Qua. Tiếng đồn đến tai triều đình, vị nho sĩ - đạo sĩ đã bị khép tội chết. Có khả năng ông đã tránh vào Bình Thuận, rồi từ đó hình thành nên truyền thuyết về Thầy - Thím ở La Gi.
Ngày xưa, vào những năm đầu thời Gia Long, ở Quảng Nam có một vị đạo sĩ võ thuật và phép thuật cao cường lại giàu lòng nhân ái. Ông được dân làng quý mến vì giúp đỡ người dân rất nhiều. Dân trong làng ao ước có ngôi đình làng để thờ phượng tiền nhân. Thế rồi sau một đêm mưa to gió lớn, sáng hôm sau có một ngôi đình to lớn hiện ra giữa làng. Dân làng chưa trọn niềm vui thì vài hôm sau dân làng bên tố cáo ông dùng tà thuật đánh cắp đình, âm mưu gây loạn. Vua xử ông tam ban triều điển (chọn một trong 3 cách chết: xử trảm, uống thuốc độc hoặc thắt cổ). Ông chọn cách thứ 3. Khi tấm lụa đào đến tay ông bỗng biến thành rồng nâng vợ chồng ông bay bổng lên không trung, bay về phương Nam.
Nơi rồng đáp xuống là làng Tam Tân, tức xã Tân Tiến, thị xã La Gi ngày nay. Tại nơi này ông lại tiếp tục giúp đỡ người dân rất nhiều nhưng không cho ai biết tên. Dân làng kính yêu, gọi ông là Thầy, vợ ông là Thím.
Một ngày mùa thu, Thầy - Thím qua đời. Nơi hai người tạ thế, thú rừng vun đắp thành hai ngôi mộ bằng cát trắng phau. Hàng năm, cứ đến mùng 05 tháng Giêng âm lịch, có đôi Bạch Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục canh gác cho ngôi mộ, Khi Bạch Hắc Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau ngôi mộ Thầy Thím để tường nhớ hai con vật tận trung với người.
Đến đời Thành Thái thứ 18, nhà vua đã xem lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy - Thím là "Chí Đức Tiên sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần".
Thầy Thím thực sự là ai? Cho đến giờ vẫn không ai biết nhưng có một điều chắc chắn: Thầy Thím là những nhân vật có thật. Đó là người có công lớn với dân làng và được người dân tưởng nhớ xây dựng nơi thờ cúng rất trang nghiêm và được duy trì mãi đến tận bây giờ. Đó là dinh Thầy Thím. Thầy Thím vẫn còn 2 ngôi mộ ở Tam Tân, hơn thế nữa phía sau 2 ngôi mộ này vẫn còn đó 2 ngôi mộ của Bạch Hắc Hổ. Địa điểm này cũng được tôn kính suốt hai trăm năm qua.
Sự tích Thầy Thím có ghi nhận : Sau khi Thầy Thím mất, vua Thành Thái năm thứ 18 có xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy Thím là : “Chí Đức Tiên Sinh Tôn Thần, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”. Với nhiều lý do khác nhau bản sắc phong nầy không còn lưu giữ tại Dinh.
Thể theo nguyện vọng của bà con dân làng, Ban quản lý di tích lịch sử Dinh Thầy Thím đã nhờ Ông Lê Công Sĩ – ở Bình Dương phục chế lại sắc phong cho Thầy Thím.
Có gì nơi phòng Truyền thống ở Dinh Thầy Thím?
Bây giờ ta ghé qua phòng Truyền thống ở Dinh Thầy Thím xem có gì hay không.
Nơi đây có trưng bày một số mô hình đồ vật ở Tam Tân thời của Thầy Thím, như thuyền đi biển, các trang phục thời đó...
Ngay giữa phòng là nơi trưng bày trang trọng Bằng công Nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Và có cái này hay đây:
Đây là sắc phong do vua Thành Thái ban cho Thầy Thím vào năm 1906 (Thành Thái thứ 18). Mặc dù đây chỉ là bản phục chế, nhưng cũng có giá trị tham khảo. Nội dung sắc phong phục chế được ban quản lý dinh ghi lại như sau:
Phiên âm:
Sắc Bình Thuận tỉnh Hàm Thuận phủ Tuy Lý huyện Tam Tân thôn phụng sự Dực Bảo Trung Hình Linh Phù Tôn Thần, Trai Tinh Dực Bảo Trung Hung Tôn Thần, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miến niệm thần hưu trứ phong vi Chí Đức Tiên Sinh Chí Đức Nương Nương Tón Thần. chuẩn y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Thành Thái thập bát niên... nguyệt... nhật.
Dịch nghĩa
Sắc làng Tam Tân huyện Tuy Lý phủ Hàm Thuận tỉnh Bình Thuận phụng thờ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần, Trai Tĩnh Dực Bảo Trung Hung Tôn Thần lâu nay rất linh ứng. Nay trẫm gánh vác mệnh lớn, nghĩ đến công lao của Thần, phong cho là Chí Đức Tiên Sinh - Chí Đức Nương Nương Tôn Thần. Cho phép phụng thở như cũ, mong Thần hãy phù hộ và bảo vệ che chở cho dân đen của trẫm.
Mệnh ban!
Ngày... tháng... năm Thành Thái thứ 18 (1906)
Thể theo nguyện vọng của bà con dân làng, Ban quản lý di tích lịch sử Dinh Thầy Thím đã nhờ Ông Lê Công Sĩ – ở Bình Dương phục chế lại sắc phong cho Thầy Thím.
Xét về nội dung, sắc phong này không làm rõ hơn điều gì về lai lịch của Thầy Thím, cũng không nhắc gì về vụ án ngày xưa (có hay không có), chỉ khẳng định một điều: công ơn của Thầy Thím với dân làng là to lớn và triều đình công nhận điều đó.
Một giả thuyết táo bạo nhưng hợp lý
Có một giả thuyết được nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đưa ra như sau:
Xóm này vốn là nơi ngụ cư của những lính thợ gốc Quảng Nam, chuyên đóng thuyền bè phục vụ thủy quân từ thời chúa Nguyễn, qua thời Tây Sơn, rồi đến thời các vua Nguyễn. Người dân xóm Kim Bồng phát hiện các giỏ mây có cốt đã hóa thạch, bí mật thờ phụng, theo thời gian tôn tạo thành Miếu Thất Vị.
Một vị quan nhà Tây Sơn từng biết bí mật về 7 giỏ mây có hài cốt, lui về ẩn dật ở làng La Qua (Quảng Nam), tạo nên thần thoại và dựng 7 bệ thờ (sau gọi là Bảy Miếu, hay Miếu Thất Vị), thực chất nhằm âm thầm hương khói các tướng lĩnh Tây Sơn bị hành hình năm xưa.
Vị cựu thần Tây Sơn này tinh thông lý số, từng giúp dân làng La Qua. Tiếng đồn đến tai triều đình, vị nho sĩ - đạo sĩ đã bị khép tội chết. Có khả năng ông đã tránh vào Bình Thuận, rồi từ đó hình thành nên truyền thuyết về Thầy - Thím ở La Gi.
Mộ Thầy Thím
Bản thân nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cũng tự nhận thấy giả thuyết này táo bạo và có nhiều "điểm mờ", không thể kiểm chứng. Cá nhân tui cũng thấy vậy nhưng rất thích giả thuyết này và nhận thấy có nhiều điều hợp lý.
- Là một vị quan lớn dưới triều Tây Sơn nên Thầy là một tội phạm của triều đình, do đó phải trốn tránh và giấu tên tuổi. Câu chuyện theo rồng bay về phương Nam có lẽ do thầy tự đặt ra để giải thích với người dân về việc mình phải mai danh ẩn tích nơi chốn xa này.
- Là một vi quan lớn dưới triều Tây Sơn nên Thầy có kiến thức rộng về lý số cùng nhiều lãnh vực và có thể là quan võ nên tinh thông võ thuật. Điều đó khiến thầy có khả năng giúp đỡ dân làng về nhiều mặt.
- Cặp Bạch Hắc Hổ có thể là chuyện thật, nhưng cũng có thể đó là 2 người hầu cận trung thành của vị quan Tây Sơn này, được người đời sau huyền thoại hóa.
Đã hai trăm năm qua rồi, truyền thuyết về Thầy Thím vẫn còn và có lẽ sẽ mãi mãi còn là những bí ấn không lời giải đáp, nhưng dù sao đi nữa ta cũng biết chắc rằng đó là những con người có thật, những danh nhân dù không để lại tên tuổi nhưng để lại cho đời những công ơn to lớn và lòng kính ngưỡng vô biên.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét