Nhà thơ Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Khuê, sinh tại Huế năm 1938. Họ Nguyễn Phúc và sinh tại Huế, vậy ắt là dòng dõi hoàng tộc? Đúng vậy, chẳng những thế, còn là cháu 5 đời của nhà thơ nổi tiếng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, người đã được vua Tự Đức tặng cho câu Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường.
Ông từng có một thời gian nhập ngũ và làm thông dịch viên tiếng Anh cho Quân đoàn II (Việt Nam Cộng hòa) tại Pleiku. Chính trong thời gian này ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ hay, trong đó 2 bài nổi tiếng nhất được phổ nhạc là Kỷ niệm (được Y Vân phổ nhạc thành bài Những bước chân âm thầm) và Nụ hoa vàng ngày xuân (được Nguyễn Hiền phổ nhạc thành bài Anh cho em mùa Xuân).Bìa bản nhạc Những bước chân âm thầm
Bài thơ Kỷ niệm (sáng tác năm 1961) và bản nhạc Những bước chân âm thầm (phát hành tháng 1/1964) có thể được xem là bài thơ nói về Pleiku được phổ nhạc và được yêu thích đầu tiên - trước rất lâu bài Còn chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định (được Phạm Duy phổ nhạc năm 1970). Thế nhưng ít người biết nó được sáng tác tại Pleiku và mô tả khung cảnh phố núi, bởi vì trong bài thơ... không có chữ Pleiku nào!
Tạp bút của nhà báo Trần Hữu Ngư đã ghi lại lời kể của nhà thơ Kim Tuấn về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Kỷ niệm như sau:
Năm 1956, tôi theo bố tôi lên cao nguyên lập nghiệp. Lúc bấy giờ, Pleiku chỉ là khu phố nhỏ, với vài trăm người Kinh cư ngụ. Khu phố nằm giữa rừng thông xanh. Những cội thông già xác xơ, buồn thảm do những người tù thời Pháp thuộc trồng trên những ngọn đồi đất đỏ, đứng mờ khuất trong những chiều sương mù.
Vào những ngày tháng đó, cả một thời tuổi trẻ, tôi chỉ còn lại những buổi chiều. Đôi khi với một, hai người bạn thân, đôi khi một mình thơ thẩn dạo trong rừng thông để thấy mình như trôi đi giũa đất trời. Những lần như thế không có gì để vội vã, nên chân thường bước chậm. Bước thật chậm, từng bước một, để nghe được tiếng lá thông lào xào dưới chân mình, lẻ loi giữa những chiều yên ắng mênh mông.
Giữa khung cảnh, giữa nỗi lòng như thế tôi viết bài thơ “Kỷ niệm”, với câu mở của bài thơ: “Từng bước, từng bước thầm…” và nó đã trở thành “Những bước chân âm thầm” trong nhạc của Y Vân thập niên 60.
Lúc đầu lấy cảm hứng cho bài thơ, nhạc Y Vân đã phổ thành ca khúc với nhạc điệu Boston Rock. Có lẽ, theo nhạc sĩ, điều này phù hợp hơn đối với bài thơ. Thế nhưng khi tôi đem đến hãng dĩa Việt Nam bán bài nhạc để trả tiền cho bữa nhậu với bạn bè ở nhà hàng Thanh Thế, thì bà chủ hãng dĩa đồng ý mua với điều kiện phải đổi sang nhịp Boléro cho phù hợp thị hiếu vừa vỗ thùng đàn, vừa hát lúc bấy giờ. Bài hát đã từ nhịp Boston Rock, phải đổi sang nhịp điệu Boléro.
KỶ NIỆM
Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Hai đứa nhiều nuối tiếc
Sương mù giăng mấy đồi
Tay đan đầy kỷ niệm
Mưa giữa mùa tháng năm
Dật dờ cơn gió thổi
Một tháng không trăng rằm
Mây núi ôm trời thấp
Giá rét về căm căm
Cao nguyên mù đất đỏ
Từng bước từng bước thầm
Cúi đầu in dấu mỏi
Tuổi trẻ buồn lặng câm
Núi nghiêng đầu thủ thỉ
Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Tuổi trẻ buồn lặng câm
Víu hồn hoang cỏ dại
Từng bước từng bước thầm.
Pleiku 1961
(Chép lại theo bản in trong Thơ Kim Tuấn 1962-1972, Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản năm 1974)
Pleiku bây giờ không còn nhiều thông như ngày xưa nữa nhưng vẫn còn một khu vực đồi thông nên thơ mà tui nghĩ đây chính là nơi nhà thơ Kim Tuấn đã bước từng bước từng bước thầm để sáng tác bài thơ Kỷ niệm.
Theo lời kể của bạn bè ông đăng rải rác trên các trang về Pleiku hay văn chương thì thời đó nhà Kim Tuấn ở đường Phan Bội Châu, buổi chiều ông thường ra ngoại ô, nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số, nơi có rừng thông và những cây vông rừng mọc xen kẽ với thông (về những cây vông nở hoa trắng xin hẹn kể trong bài viết khác). Theo những mô tả trên, và nhất là theo hiện trạng ngày nay tại nơi còn rừng thông thì địa điểm Kim Tuấn đến là rừng thông ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Nơi này cách nhà ông ở đường Phan Bội Châu chỉ khoảng 4 km.
Lần nào về Pleiku, tui cũng ra khu vực đồi thông này để đi dạo và chụp hình lưu niệm. Không phải để làm thơ như Kim Tuấn ngày xưa vì mình đâu phải nhà thơ, và vì khi bước từng bước thầm ở đây thì ông mới 23 tuổi, còn tui thì bây giờ đã lên hàng 60. Có điều, bước từng bước chân giữa rừng thông và lặng nghe giai điệu Những bước chân âm thầm để nhớ rằng khung cảnh này đã tạo nên những vần thơ và khúc hát ấy cũng thật lãng mạn, phải không ạ?
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét