27 thg 5, 2022

Từ Ngã Bảy Hậu Giang đến... Ông cò quận 9

Tình anh bán chiếu

Như nhiều người cùng thời với ông, ba tui rất mê giọng ca Út Trà Ôn và bài vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu. Ông vẫn thường ngâm nga:

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào

mặc dù ông chưa hề biết bờ kinh Ngã Bảy ở đâu, ra sao, vì gia đình tui ở Long Khánh, hầu như không có dịp về miền Tây.

Lâu, lâu lắm sau này, khi ba đã già, tui có dịp đưa ông đi du lịch miền Tây, tham quan chợ nổi Phụng Hiệp. Tui nói với ông: Chỗ này là Ngã Bảy, nơi Út Trà Ôn bán chiếu nè ba!

Ngã Bảy Phụng Hiệp. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ba tui có vẻ xúc động lắm, ông trầm ngâm nhìn bảy nhánh sông cuồn cuộn nước.

Bảy sông dồn nước, cuồn cuộn nước.
Phù sa lớp lớp, quyện phù sa.
(Ca dao)

Có lẽ ông đang hồi tưởng lại những lời ca ngày nào để hiểu hơn và hòa cùng cảm xúc của khung cảnh hôm nay.

Hỡi ôi, con sông Phụng Hiệp nó chảy ra bảy ngã,
mà sao lệ của tôi nó cũng lai láng muôn dòng

Sông dài

Sông dài là tên một vở cải lương nổi tiếng của cặp soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Nội dung vở tuồng kể về chuyện tình của đôi trai gái quê, nàng là Lượm - bị mù từ thuở bé, và chàng là Niễng - bị thọt chân và nám mặt. Dù qua bao trắc trở nhưng cuộc tình đôi lứa vẫn thủy chung son sắt, như câu ca dao:

Sông dài con cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ, ngàn năm em vẫn chờ

Hơn 50 năm qua rồi mà vở cải lương này vẫn được diễn đi diễn lại, đã được chuyển thể thành kịch diễn trên sân khấu với bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ khác nhau. Sông dài còn được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập.

Làng quê trong câu chuyện được gọi là Vĩnh Trạch. Vậy thôi, không thêm chi tiết nào nữa hết!

Nào giờ khi xem Sông dài tui vẫn nghĩ Vĩnh Trạch là một cái tên do tác giả tưởng tượng ra. Nó không cần có thật, miễn người xem hiểu nó là một vùng quê miền Tây Nam bộ là được.

Một cánh đồng lúa mênh mông ở Vĩnh Trạch. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên.

Thế nhưng sau này tui biết Vĩnh Trạch là một địa danh có thật. Đó là xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An giang. Lần theo dòng tư liệu một chút nữa, tui biết Hoa Phượng - một trong 2 tác giả của vở cải lương - sinh quán ở huyện Thoại Sơn, An Giang. Như vậy, chính ông đã đưa vùng đất quê hương của mình vào trong tác phẩm. Con sông dài ở đây là con rạch Long Xuyên, kéo dài từ An Giang (quê hương của Hoa Phượng) đến tận Kiên Giang (quê hương của Hà Triều). (Đến đây, tui lại tự hỏi: câu chuyện tình Lượm - Niễng trong Sông dài có phải là một câu chuyện có thật mà Hoa Phượng đã chứng kiến khi còn ở quê nhà không ta?)


Chẳng những Vĩnh Trạch là một địa điểm có thật, mà còn là nơi tui đã đi ngang qua nhiều lần. Vĩnh Trạch cách thành phố Long Xuyên chỉ khoảng 15 km, đi theo tỉnh lộ 943. Tui đã nhiều lần tới thị trấn Núi Sập, thị trấn Óc Eo của huyện Thoại Sơn, đều đi qua nơi này. Phải chi những lúc ấy biết được thông tin này để dừng lại cảm xúc: Đây là nơi phát sinh mối tình Lượm - Niễng trong Sông dài. Đây là sinh quán của soạn giả cải lương nổi tiếng Hoa Phượng.


Tuyệt tình ca

Tuyệt tình ca là một vở cải lương bất hủ mà những người sống vào thời ấy ở miền Nam không mấy ai là không biết. Vở tuồng này nhắc đến nhiều địa danh có thật ở Vĩnh Long, nơi ông giáo Hương đã kết duyên với người vợ nhỏ là cô giáo Lan. Đặc biệt là tên 2 đứa con của ông Hương và bà Lan, 2 địa danh ở Vĩnh Long: Lê thị Trường An Long Hồ.

Hãy nghe lời tự sự da diết của ông cò Hương - tức ông giáo Hương ngày xưa:

“Mỗi lần thấy bông ô môi điểm hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rả đón xuân sang. Mỗi lần có dịp về Vĩnh Long, đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa. Nhớ đến dáng người vợ trẻ đã chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời tỉnh Long... Hồ”.

Bông ô môi điểm hồng trong gió chướng...

Chính những cái tên có thật như Tân Ngãi, Trường An, Long Hồ... khiến người ta thấy những tình tiết trong tuồng cải lương thật hơn, gần gũi hơn. Và ngược lại, nhờ Tuyệt tình ca mà những người chưa đến Vĩnh Long vẫn biết đến Tân Ngãi, chợ Trường An... Tại sao ta không nghĩ tới một tour du lịch Vĩnh Long, trong đó có thăm Tân Ngãi và chợ Trường An, nơi sinh sống của ông Hương và bà Lan trong vở Tuyệt tình ca nhỉ?

Theo quản lý hành chánh hiện nay, Trường An là xã vùng ven thuộc TP Vĩnh Long, phía Đông giáp phường 9, phía Tây giáp phường Tân Ngãi, phía Nam và phía Bắc giáp huyện Long Hồ.

Điều độc đáo là cái địa danh được nhiều người nhớ đến nhất trong vở Tuyệt tình ca lại là một địa danh... không có thật. Đó là quận 9! Bây giờ TPHCM có quận 9 rồi (và đến nay đã sáp nhập vào TP Thủ Đức rồi), nhưng thời đó Việt Nam Cộng Hòa không có quận 9. Để tránh những suy diễn và đụng chạm, hai tác giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp đã cho nhân vật chính của mình là ông Hương làm cảnh sát trưởng của một quận không có thật là quận 9. Út Trà Ôn đã diễn hay tới mức mà người ta còn gọi tên vở Tuyệt tình ca là vở Ông cò quận 9 luôn!

oOo

Tất nhiện là tui không mơ đến chuyện những địa điểm được nhắc trong tuồng cải lương, bài vọng cổ... sẽ thành điểm du lịch, như kiểu những địa điểm trong các phim nổi tiếng nước ngoài, nhưng biết và nhớ đến những địa danh ấy để khi ta đi ngang qua thấy lòng xao xuyến thì cũng hay lắm chớ. Văn hóa, nghệ thuật khiến ta thấy cảnh quan trước mắt như có tâm hồn, phải không các bạn của tui?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét