4 thg 5, 2022

Về Long An ghé đình Vạn Phước nghe đờn ca tài tử Nam bộ

Mỗi năm vào đúng 3 ngày 17, 18 và 19 tháng giêng, đình Vạn Phước rộn ràng tiếng đờn, lời ca các nghệ nhân của nhiều ban nhạc đờn ca tài tử từ các địa phương hội tụ vể đây giao lưu nhân ngày Lễ Cầu an, Lễ giỗ của Đốc binh Nguyễn Quang Là và đức Nghệ nhân Đờn ca tài tử Nguyễn Quang Đại.

Đình Vạn Phước toạ lạc trên khu đất rộng 4.768 m² thuộc ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Đình Vạn Phước toạ lạc trên một khu đất rộng 4.768 m², diện tích xây dưng 255 m², ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Theo sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết năm 1820 cũng như Địa bạ tỉnh Gia Định năm 1836, thì xã Mỹ Lệ ngày nay trước kia gồm 3 làng, trong đó có (làng) Vạn phước Phường thuộc tổng Phước Điền Thượng, huyện Phước Lộc, phủ Tân Bình, trấn Phiên An.

Ngôi đình có tên Vạn Phước có lẽ từ tên Vạn Phước phường ngày xưa.

Ban Đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai biễu diễn năm 2012.

Không ai còn nhớ đình Vạn Phước được xây dựng từ năm nào. Theo các bô lão thì trước kia đình Vạn Phước toạ lạc tại một địa điểm nằm trên hữu ngạn con sông Rạch Đào nay thuộc ấp Mỹ Tây, 1 trong 11 ấp của xã Mỹ Lệ. Sau đó, năm 1877 đình Vạn Phước được ông Bùi Quang Là (hay Bùi Quang Diệu, Quản Là, Đốc binh Là), một thủ lĩnh nghĩa quân chỉ huy đánh đồn Tây dương ở Cần Giuộc, tỉnh Long An năm 1861, dời về vị trí như hiện tại.

Trải bao thăng trầm của thời cuộc, mái đình xưa cũng bao lần xuống cấp, đã được tu sửa nhiều lần.

Lần tu sửa năm 1959, vẫn nguyên trạng mái ngói âm dương, cột, kèo gỗ nhưng được xây dựng thêm tường bằng xi măng bao quanh hành lang. Chính năm này nhân dân xã Mỹ Lệ đưa hương án ông Bùi Quang Là vào thờ cúng, lễ giỗ hằng năm vào ngày 19 tháng giêng.

Tháng 3 năm 2020, đình Vạn Phước tu sửa lần thứ 3. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2020. Theo ông Chánh bái Phạm Văn Nghiêm, tổng kinh phí tu sửa gần 3 tỷ đồng nhưng chỉ mới vận động ngoài 2 tỷ. Ông rất mong được sự hổ trợ thêm từ các mạnh thường quân để công trình được hoàn thành như dự kiến.

Đình Vạn Phước không có sắc phong. Bức hoành phi đề chữ "Thần", do ông Bùi Quang Là phụng cúng năm 1877, được coi là linh vật để thờ thay cho sắc phong.

Năm 1996, được sự đồng thuận của nhân dân xã Mỹ Lệ, Sở Thông tin - Văn hoá tỉnh Long An phối hợp cùng chính quyền địa phương đưa linh vị của đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người từng sinh sống và hoạt động trong dàn nhạc cung đình Huế; từng đến vùng Cần Đước dạy nhạc sau khi vua Hàm nghi xuất bôn năm 1885, từ đình Bình Đông về đình Vạn Phước thờ cúng.

Hằng năm, ban tổ chức kết hợp cúng lễ Cầu an, lễ giỗ ông Bùi Quang Là, lễ giỗ đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại vào 3 ngày 17, 18, 19 tháng giêng, có cả giao lưu Đờn ca tài tử từ nhiều địa phương khác.

Ban Đờn ca tài tử tỉnh Tây Ninh biểu diễn năm 2011

Những năm trước đây, cứ đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 17, 18 và 19 tháng giêng là các ban Đờn ca tài tử từ các địa phương như Quận 8 (TPHCM), Tân An, Cần Giuộc (Long An), Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… về lại đình Vạn Phước giao lưu Đờn ca tài tử.

Về đình Vạn Phước nghe Đờn ca tài tử là có dịp nghiền ngẫm, thưởng thức lại những âm điệu bổng trầm của thang ngũ âm; cảm nhận cái hồn của Đờn ca tài tử, lúc buồn man mác nhưng không uỷ mị, lúc vui rộn ràng nhưng không kém phần sâu lắng. Người thưởng ngoạn có dịp tìm hiểu những giai điệu tuyệt vời của 20 bản tổ, khi đi sâu vào 6 bản Bắc giai điệu Bắc, 7 bản Bắc giai điệu nhạc lễ, 3 bản Nam giai điệu Nam, bốn bản Oán giai điệu Nam oán.

Phát biểu về ý nghĩa việc tổ chức giao lưu đờn ca tài tử hằng năm tại đình Vạn Phước lần thứ 25 (năm 2019), Nhà nghiên cứu Đờn ca tài tử Võ Trường Kỳ cho biết: "Đây là một sân chơi để các ban nhạc Đờn ca tài tử trau dồi kiến thức, kỹ năng đờn và ca; cũng là một cách làm để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ".

Tú Nguyên

Một số hình ảnh Lễ Cầu an và Đờn ca tài tử đình Vạn Phước năm 2008. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, Dương Quốc Định


Giao lưu đờn ca tài tử

Cúng đình

Ban nhạc

Đài truyền hình tác nghiệp

Cổng đình năm 2008

Người dân, thanh thiếu niên, trẻ em ngồi trên bờ ruộng xem văn nghệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét