22 thg 5, 2023

Lan man về trái khổ qua

1. Tên gọi Khổ qua


Khổ qua là... trái khổ qua, hiểu theo nghĩa Hán Việt là trái dưa đắng. Tiếng Anh là bitter melon, cũng có nghĩa là dưa đắng luôn. Miền Bắc gọi là mướp đắng.

Ở miền Nam và miền Trung, không biết vì lười phát âm phụ âm kh hay sao, mà người ta thường kêu là ổ qua. Hồi tui còn nhỏ ở nhà, thậm chí phát âm thành hủ qua luôn!

Từ đây trở về sau thống nhất kêu là khổ qua nghen, không mướp đắng hay ổ qua hay bitter melon.

Trong mùa Covid, người ta thường chơi chữ, bày trái khổ qua trên mâm cúng với ý cầu mong khổ rồi sẽ qua. Nhưng cũng có người chơi chữ theo kiểu không bỏ dấu và đọc thành: khổ quá, khó quá, khó qua...


2. Khổ qua trong ca dao

Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, vè có nhắc đến tên khổ qua. Câu ca dao có nhắc đến khổ qua mà nhiều người biết đến nhất lại không có hàm ý khổ, đắng gì hết. Đó là câu:

Khổ qua xanh, khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Em thương anh phải có giao kèo
Ký tên đóng mộc mới là mèo của qua

Câu ca dao này có rất nhiều dị bản, chẳng hạn như:

Khổ qua xanh khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Anh có thương em thì mần giấy giao kèo
Dù sanh, dù tử, dù nghèo em cũng theo

hay:

Khổ qua xanh khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Thương nhau chi tính giàu nghèo
Gặt xong mùa lúa cau trầu đến em.

hay:

Khổ qua xanh khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Anh thương em mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua

hay:

Trời mưa khổ qua đắng
Trời nắng khổ qua đèo
Anh thương em thì làm giấy giao kèo
Lăn tay điểm chỉ em mới thiệt con mèo của anh


Dưới đây là những câu ca dao khác có nhắc đến khổ qua:

Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Cái mặt như chim mèo, hò hát với ai?

Hai trái khổ qua đặt trên bàn hạnh
Em nghiêng ve ngọc, anh chuốc chén rượu đào
Để người quân tử chí cao
Đủ mùi tanh ngọt, thiếp mới trao ân tình

Cải bẹ xanh nấu với thịt sườn
Nhu thắng cương, nhược lại thắng cường
Làm sao cho ớt ngọt như đường
Khổ qua hết đắng, dạ cang thường hết thương


Chừng nào cây kia không lá,
Chừng nào cá nọ không xương,
Chừng nào ớt ngọt như đường,
Khổ qua kia hết đắng, đạo cang thường mới hết thương.

Đắng khổ qua, chua là chanh giấy
Dầu ngọt cho mấy cũng tiếng cam sành
Giặc Lang Sa đánh tới châu thành
Dù ai ngăn qua đón lại, dạ cũng không đành bỏ em

Đắng khổ qua, chua là chanh giấy
Dầu ngọt cho mấy cũng tiếng cam sành
Thương em, anh đừng dỗ đừng dành
Cậy mai dong tới nói, cha mẹ đành, em sẽ ưng.

Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhầm lá đậu chết cha dê xồm

Đói lòng ăn trái khổ qua,
Nuốt vô sợ đắng, nhả ra bạn cười

3. Khổ qua trong âm nhạc


Các bài hát có nhắc đến khổ qua cũng khá khá, cả vọng cổ lẫn tân nhạc như: Trái khổ qua của Viễn Châu, Tình đắng lý khổ qua (Trương Quang Tuấn), Lên bờ xuống ruộng (Trương Phi Hùng), Lưu luyến tình quê (Nguyễn Nhất Huy), Đắng khổ qua (Hoài An & Công Tuấn)... 

Trước 1975 có một bài mà khổ qua là nhân vật chính luôn, được lấy tên làm tựa bài hát và khá nổi tiếng, quen thuộc với mọi người. Đó là bài Khổ qua của nhạc sĩ Hoàng Trang.

Đường vào tình yêu 
có nhiều trái đắng mang tên Khổ Qua.


Đặc biệt là trong bài hát này, chữ Khổ qua ngoài những nghĩa đã nêu ở trên còn có thể mang một nghĩa khác nữa, đó là Khổ tôi (qua = tôi, phương ngữ miền Nam xưa). Ý này thể hiện trong 2 đoạn:

Từ khi em xưng Cháu
Có phải em vô tình em làm khổ qua?


Nên chia cách hôm nay
không lẽ đôi mình
ngày mai chia xa nữa
Xin người yêu chớ sầu để buồn khổ qua...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét