25 thg 5, 2024

Đi xe lửa Sàigòn - Biên Hòa nửa thế kỷ trước (bài 2)

Ít lâu sau khi ký hiệp định Paris, ga Sài Gòn hoạt động trở lại sau thời gian dài tê liệt vì chiến tranh với tuyến Sàigòn - Biên Hòa. Dịp này, nhật báo Chính Luận đã đăng một phóng sự dài kỳ kể chuyện đi xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa.

Phóng sự của ký giả Long Mã đăng 4 kỳ trên báo Chính Luận từ ngày 7/3/1973 đến 10/3/1973. Bài phóng sự không phải là hay, nhưng đọc để hình dung lại xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa cũng như hoài niệm những nét sinh hoạt đời thường của cư dân Sàigòn nửa thế kỷ trước cũng là điều thú vị.

Đây là bài thứ hai trong loạt phóng sự 4 bài, đăng ngày 8/3/1973. Tui gõ lại gần như nguyên văn, trừ những chỗ do báo cũ mờ quá đọc không ra.

Phạm Hoài Nhân

Ga Biên Hòa năm 1960's. Ảnh Mạnh Hải

Đi tàu hỏa Sàigòn - Biên Hòa

Phóng sự của Long Mã

Toa kế tiếp hay thứ ba nếu kể cả toa chở hàng có bốn băng dài, hai hàng hai bên vách toa và hai hàng ở giữa đâu lưng với nhau. Chỉ toàn thấy người Việt gốc Hoa. Các cô choai choai đủ kiểu de mode. Các cô cậu nhong nhóc, mười lăm mười bảy hay mười chín trở lại, thường các cậu đều cầm nơi tay một máy ảnh của Nhật thử ngắm nghía hay đo ánh sáng. Ghế còn trống nhiều chỗ. Cả toa có độ mười lăm người, ngồi theo từng nhóm.

Mấy chú tửng nhỏ trên dưới mười tuổi, nói chuyện om xòm, móc túi ra đếm tiền toàn là thứ giấy hai mươi hay năm mươi đồng còn khá mới. Dường như các chú mới “mổ” heo Tết mang chúng ra!

Qua toa sau, toa thứ tư, tôi tạm ngồi lại, chờ xe khởi hành. Sáu cô học trò nghịch ngợm tôi đã gặp lúc đầu đưa chiếc máy ảnh nhỏ nhờ anh chuẩn úy gác ga chụp từ dưới đất lên tàu tấm hình kỷ niệm. Một cô cười tươi, vẫy tay chào ba anh lính gác, trong đó có viên chuẩn úy:

  • Mấy chú ở lại mạnh giỏi nhé!

Anh lính cao nhất bọn, mặt có mụn, vai đeo M16 nhăn mặt:

  • Mấy chú ở đây lúc nào cũng mạnh giỏi cả. Mập ú mà!

Chú lính vừa dứt lời, hồi còi ngắn đã rú. Xe từ từ chuyển bánh. Đúng 10 giờ sáng. Tiếng còi hú không kéo dài tha thiết hay giục dã như tiếng còi của đầu máy chạy bằng hơi nước và than của những thuở năm nào cách nay trên dưới mười năm, những đầu máy từ thế kỷ, 1921 – 1923, còn như những con ngựa nòi (dù già, bệnh vẫn cố gắng lôi được những toa tàu nối liền tình ruột thịt Nam Trung bằng đèo hay leo núi lên xứ Hoa Đào mộng mơ). Chúng đã bị đào thải, hay chết già yếu hoặc banh xác vì mìn bom. Giờ đây chiếc đầu máy đi ê den này hiệu General Electric của Mỹ, sản xuất năm 1963 và có lẽ là một trong sáu chiếc được viện trợ cho VNCH lúc Tổng Thống N.Đ.D. còn sanh tiền.

Những hành khách lạ kỳ

Xe lửa len lỏi qua các xóm đông dân đô thành, nào Nguyễn Huỳnh Đức, Gò Vấp… Trên xe, đám hành khách nói chung bao gồm nhiều thành phần, từ một số hiếm các ông già bà cả qua hạng trung niên hai phái đến các thanh thiếu niên và trẻ nít, là hạng chiếm số đông tuyệt đối, từ người Việt Chợ Lớn cũng không kém phần quan trọng . Lại còn có cả một vài người Âu Mỹ nữa. Lác đác dăm chú lính lại mỗi toa. Người đi xe vì công chuyện hẳn là ít, người đi buôn hầu như không có, vì không thấy ai mang theo hàng hóa. Hầu hết chỉ thấy người đi du lịch. Trong số khách du lại phần lớn là những người mới đi xe lửa lần đầu, đi tìm cảm giác lạ, mở rộng kinh nghiệm sống và thực hiện giấc “mơ thần tiên” nho nhỏ như ba cô thư ký trẻ tôi từng quen biết mà không gặp trong chuyến tàu hôm nay. Thành phần học sinh, chiếm ưu thế tuyệt đối, vui nhộn và háo hức hiếu kỳ.

Trước mắt tôi, hai cô gái, mặc áo dài tím, tóa xỏa, một bà áo nâu lợt tóc xoăn, dắt tay nhau tính bước qua toa khác để thỏa tính tò mò, nhưng rồi rụt rè lui cả lại, cười ngượng:

  • Trời ơi! Sợ quá à!

Tôi tức cười thầm. Các cô là bao giờ cũng thế, giàu tưởng tượng hay “yểu điệu”. Chả bù lũ trẻ nhỏ, trai hay cả gái nữa, chúng chạy qua chạy lại lên xuống cứ như thoi cửi, hết toa này đến toa khác.

Ga Sàigòn ngày xưa. Ảnh Mạnh Hải

Người xoát vé đúng tuổi da xạm nắng, bận đồng phục, lần lượt hỏi giấy hành khách, hướng vào ba bé gái trạc bảy tám tuổi ngồi trên ghế băng, đang mải miết ngó ra cửa:

  • Mấy cháu đi với ai?

Rồi ông quay ngay sang tôi, đứng sát sau mấy đứa trẻ:

  • Đi với ông phải không?

Tôi lắc đầu cười mỉm. Ba đứa bé chỉ tay sang bà bên cạnh, ngồi lấp bên cửa. Nhưng bà này vội cải chánh:

  • Không phải!

Chúng bèn đồng loạt vừa chỉ tay sang toa bên vừa nói:

  • Má chúng tôi ờ bên kia cà!

Người kiểm soát lắc đầu cười xòa:

  • Chuyến nào cũng vậy. Chúng đi cọp không à!

Trước đây, trên những chuyến xe từ miền Trung vào, khi qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, bao giờ cũng có ít đứa trẻ đi lậu, trốn nhà vô Sàigòn.

Rồi xe lửa đã tới sát chân cầu sắt, một cô học sinh nhỏ nhất bọn sáu cô, độ mười bốn tuổi tóc dài áo xanh bông trắng quần chân voi và giầy bằng mút cũng trắng, còn hỏi tôi:

  • Đã sắp tới cầu Bình Lợi chưa chú?

Tôi chỉ cho cô thấy thành cầu đen phía trước.

  • Ừ nhỉ. 
Cô bé thốt lên.

Cô áo nâu (mặt tròn hơi có mụn) lanh lợi cho tôi biết cả bọn chưa từng đi xe lửa bao giờ.

  • Chúng cháu đã định đi từ tuần trước, nhưng lỡ tàu. Tuần này nới đi được. Xe lửa chạy những đường nào rồi chú? Mỹ Tho có xe lửa không?

Tôi trả lời dựa theo tin báo. Mới có xe Biên Hòa. Sáu tháng nữa mới có xe Xuân Lộc, rồi cuối năm có xe Quy Nhơn. Sau đó, xe có thể chạy đường Đà Lạt, và nếu yên, sẽ chạy đến Huế, Đông Hà hai năm sau. Hy vọng sẽ có xe lửa chạy Mỹ Tho và xuống tận Cà Mau khi xong cầu Mỹ Thuận, cả xe chạy đi Nam Vang nữa.

Nghe tả đến đường hầm xuyên núi, đèo Hải Vân thơ mộng, các cô thích thú ra mặt, ao ước có dịp sẽ theo tàu ra xứ mộng mơ.

Bên cửa sổ đối diện, một bà chừng ba mươi tuổi ngoài, kề tai hỏi nựng đứa con nhỏ đứng cạnh chị nó: - Sướng hông con: Sướng ha?!

Lúc ấy xe đã đến gần Thủ Đức rồi. Dăm thiếu niên bên đường đang lặng lẽ đứng câu cá cạnh những vũng nước đục, bên hàng dừa cao.

Tôi chuyển qua toa thứ năm, gồm có hai băng gỗ dài. Bốn, năm cô quần tây trắng, mốt đang thịnh hành, xún nhau ngó ra ngoài, độc chiếm khung cửa sổ. Giữa toa, cạnh một vách gỗ nhỏ ngăn hai phần băng gỗ, hai vợ chồng người Âu ngồi lặng lẽ phóng tầm mắt ra xa. Chồng để râu dài, kính trắng vuông, áo sơ mi ca rô đỏ da cam, quần sọoc nâu, chân đi dép cao su kiểu Nhật. Bà vợ chừng non ba mươi tuổi, tóc hoe vàng, ám đầm dài ca rô lớn màu xanh, cũng cùng một thứ dép với chồng.

Phần lớn hành khách toa này đều là trẻ con. Dăm, sáu chú học trò nhỏ. Áo trắng quần dài xanh, ngồi tụm gần cuối toa.

Con tàu ngừng lại ở ga xép Thủ Đức đúng 10 giờ 40 phút để đón thêm một số hành khách. Căn ga cũ kỹ rộng chừng 10 mét cũng sơn màu vàng quen thuộc như những ga khác. Trước cửa ga, một đám bà già và trẻ con tụ tập ngó ra xe, lại tiếp tục hành trình hai phút sau đó.

Ga Thủ Đức ngày xưa. Ảnh Mạnh Hải

Một cô bé bán nước đá bào hòm hòm móp, từng đựng đạn đại bác Mỹ, đi luồn giữa toa.

Xe vượt qua khu đất thịt trắng, ở bên cạnh có mương nước không dài lắm, độ non cây số ngàn.

Toa xe thứ sáu cũng có hai băng gỗ dài suốt. Có ba anh lính nghỉ phép, một nón sắt, hai để đầu trần thơ thới. Ít cô choai choai mặc quần tây dài, dăm ông lớn tuổi và một lũ con nít.

Một cô mặc quần sa tanh đen, áo bà ba xách giỏ ny lông đựng các chai nước ngọt ướp nước đá, mời hành khách giải khát.

Xe tới một ngã tư xa lộ, mặt đường còn nhẵn bóng và vắng xe.

  • Đức ơi! Mầy đi đâu ra ngoài đó? Té bây giờ!

Chú bé già mười tuổi kêu đứa em đang ngồi ở bực lên xuống, đưa thõng hai chân ra ngoài hóng gió mát. Trẻ con hiếu động, thường thích chuyền qua chuyền lại các toa, hay ngồi trên bực xe, tự do ngắm cảnh bên đường.

Đến khu bãi trống rộng, không cây cối, từng vùng cỏ khô cháy nám, cây nhỏ xém hết cành, thui đen cả những vỏ hộp sắt tây do quân Mỹ để lại sau khi rút về nước. Xa hơn, một căn cứ quân sự với từng dãy nhà tôn còn bóng loáng. Trước cổng trại, trên bảng gạch thấp, nổi bật hàng chữ màu đỏ: HÂN HOAN ĐÓN MỪNG. Đón mừng ai nhỉ?

(Còn nữa)
Báo Chính Luận, số ra ngày 8/3/1973


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét