Phóng sự của ký giả Long Mã đăng 4 kỳ trên báo Chính Luận từ ngày 7/3/1973 đến 10/3/1973. Bài phóng sự không phải là hay, nhưng đọc để hình dung lại xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa của nửa thế kỷ trước cũng là điều thú vị.
Báo cũ, ảnh chụp lại mờ câm, tui đưa cho app nhận dạng ký tự đọc không được nên đành làm siêng vừa đọc vừa đoán vừa gõ lại từng chữ. Nếu đủ siêng thì sẽ từ từ gõ hết 4 bài, còn không thì chỉ 1 bài này thôi, gọi là... cho có!
Tác giả dùng từ hơi lộn xộn, thí dụ như tựa bài là Đi tàu hỏa Sàigòn Biên Hòa nhưng trong toàn bài thì là Xe lửa, trong bài có nơi viết là chủ nhật, có chỗ viết là chủ nhựt... Cũng xin chú ý là cách viết hồi đó là Sàigòn, không phải Sài Gòn... Khi gõ lại tui giữ nguyên để mọi người tham khảo.
Phạm Hoài Nhân
Đi tàu hỏa Sàigòn - Biên Hòa
Phóng sự của Long Mã
Mơ xe lửa, mộng du hành
- Chủ nhật này mình đi xe lửa Biên Hòa nghe mấy chị? Tôi chưa được đi xe lửa bao giờ cả. Chắc sướng dữ lắm hé.
Giọng nói tươi trẻ, đầy thích thú của cô thư ký nơi một công sở làm tôi chú ý, quay đầu nhìn. Cô ta mới độ hai mươi, mặc chiếc áo dài màu hồng đậm, mặt dễ thương nom được, đang rủ hai cô bạn đồng nghiệp ngồi cùng bàn.
Cô ngồi đối diện da ngăm ngăm áo nâu lạt, tuổi ngoài hai mươi nhắc bạn:
- Nhưng tuần này tới phiên tôi trực! Hay là mình đi chiều thứ bảy đi?
Cô bạn áo vàng da trắng lớn tuổi nhất tỏ ra chín chắn:
- Thứ bảy mắc việc, bỏ đi đâu được. Để xem… À! Được rồi. Để chủ nhật tuần sau. Nhưng tốt hơn là đừng bàn trước. Tới lúc nào muốn đi, cứ đi đại mới sướng.
Cô áo đỏ reo to, mừng rỡ:
- Ờ, đúng rồi. Chủ nhựt tuần sau. Đi lên chỗ gì đó? Quên rồi. À!... Chợ gì?
- Chợ Đồn chớ gì. Cô áo vàng tỏ ra thành thạo.
- Ờ phải rồi. Chỗ đó đó. Tôi có người bà con bán bánh canh giò heo ở trển. Ngon lắm mấy chị. Mình ghé đó chơi. Nhưng còn phải hỏi lại giờ giấc các chuyến xe xem sao. Nghe nói chuyến sáu và tám giờ đông người đi lắm.
Thật cũng đúng ý tôi. Vừa thấy tin trên Chính Luận, tôi đã có ý đi thử xe lửa. Khác biệt duy nhất là tuy chưa đi xe lửa Sàigòn – Biên Hòa bao giờ, nhưng tôi đã từng đi xe lửa ở cả ba miền đất nước. Nghe tả những chiếc xe chui hầm tối hay leo đèo, các cô không ngớt xuýt xoa mộng ước, rồi bàn lây đến cả máy bay, tàu thủy.
Ôi, những xe lửa mộng mơ, những chuyến du hành thần tiên! Xe lửa mới đẹp làm sao! Những thanh thiếu niên trên dưới hai mươi trở lại tại Nam Việt, ít ai đã được nếm cái cảm giác rộn ràng hay buồn nản tầm thường kể cũng đáng buồn, đáng tủi cho thân phận người Việt Nam hôm nay. Ước mơ nhỏ chỉ hình thành từ tình trạng ngưng chiến. Thảm cảnh chiến tranh đã làm khô cằn tuổi trẻ Việt Nam.
Ga Biên Hòa 2022 - Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Vé xưa, vé nay
Sáng nay, 25 tháng 3, trên chuyến xe Lam ngang qua mấy nhà bưu điện, chánh và nhất là phụ, vẫn còn mở cửa cả, tôi ngạc nhiên mơ hồ không rõ có phải chủ nhật không. Xuống bến xe Lê Lai, tôi đưa tờ giấy 50đ. Anh phu xe trả lại hai chục, sau khi cự nự to tiếng:
- Ba chục, từ Hiền Vương xuống đây, quá hai phần ba đường còn gì nữa? Chết tôi rồi.
Thời buổi cạnh tranh có khác. Tự do bóc lột lẫn nhau. Chỉ có kẻ yếu là thiệt!
Lòng hơi thoáng giận, tôi vội tự an ủi: Thời buổi mà. Im lặng bỏ đi, tôi kiếm lối vào ga. Ga trung ương Sàigòn vẫn còn, nhưng không bán giấy xe, không có phòng chờ đợi. Chỉ thấy phần này ngăn làm “ga” bán giấy máy bay, phòng kia bưu điện, rồi đến chi nhánh ngân hàng VNTT.
Quẹo vào bãi đậu xe quân sự, trước là Bar Hòa Bình và chỗ gởi xe gắn máy, xe đạp, cùng bến xe ngựa, tôi qua một cửa thông nhỏ, trổ tạm qua hàng rào bê tông trên có treo bảng vải quảng cáo xe lửa khứ hồi Sàigòn Biên Hòa.
Người bán vé xe đứng bên cửa này mặc đồng phục gần giống như cảnh sát, quần xám tro đậm, áo trắng có cầu vai, nón lưỡi trai viền dải vải xanh lá cây đậm, tay không ngớt xét những tấm vé hạng giấy trắng mỏng cỡ 6x10 cm, có đóng dấu đỏ SAIGON HK, ngày tháng và cả giờ giấc nữa.
Đã 9g50 rồi. Người bán vé vui vẻ thốt: - Thế là xong. Đỡ mệt...
Chẳng hiểu là xong cái gì và sao là đỡ mệt. Nhưng đỡ phải có ghít xé bán vé. Đở phải chờ đợi, nối đuôi, lại đỡ cả bấm lỗ kiểm soát vé trước khi bước vào bến tàu hỏa.
Cầm tấm giấy có ghi bằng mực nguyên tử số 610 và in số thứ tự 005094, tôi đoán mò là trong chuyến xe 10 giờ ngày hôm nay, tôi là hành khách thứ 610 và cũng đồng thời là hành khách thứ 5094 kể từ hôm Công quản Hỏa xa Việt Nam mới khai thác trở lại đoạn đường Sàigòn – Biên Hòa.
Tấm vé mỏng, xấu xí làm tôi thất vọng và chợt luyến tiếc những cái vé bằng cạc-tông cứng, xinh độ 3x6 cm màu xám hay cà phê lạt với những dòng chữ in nhỏ, sắc, có đục một vài lỗ nhỏ, nom đáng yêu lạ! Những tấm vé dễ được trẻ con cất giữ để chơi không chán hay dùng làm “tiền” đánh đáo!
… Xe lửa lần đầu
Xe đậu dài trên bến. Giờ chạy sắp tới. Tôi không kịp nghĩ ngợi nhiều, hối hả theo mọi người. Một nhóm sáu cô bé vừa đi vừa kháo nhau:
- Năm chục cũng hãy còn rẻ. Giá vé chỉ có bốn chục đồng trong lúc giá xe đò những một trăm. Quả là rẻ. Đỡ cho dân đen.
Cô khác đưa ra ý kiến:
- Mình phải kiếm một toa nào thật vắng, chiếm trọn một băng mới sướng. Tao ghét đông lắm.
Lên xe từ toa cuối cùng, các cô cứ hối hả chuyển hết toa nọ đến toa kia để kiếm chỗ.
- Cứ đi đi! Đi nữa đi. Còn nữa…
Con tàu có mười bốn toa kể cả đầu máy, thì các cô đã đi mất mười hai toa, đến sát toa chở hàng hóa, hay là toa hộ tống ở sau đầu máy, bỏ trống không và có chiếc võng bắc ngang, mà còn tiếc là chưa đi hết. Có cô còn tò mò:
- Tao thích ngồi toa sát đầu máy để xem họ cầm lái tàu ra sao!
Các cô không chú ý đến con tàu mười mấy toa nối ráp lẫn lộn, không phân hạng, chỗ này hai toa hạng sang có ghế dựa bằng các thanh gỗ đánh vẹcni còn mới, xếp theo hàng ngang, chỗ khác vài ba toa hạng nhì hạng ba, phân làm hai phần hay để hai ghế băng chạy dài suốt toa, giữa chừa trống để hành lý hay để cho khách đứng.
Khởi đầu thăm thú
Toa đầu nơi tôi đang đứng chỉ lèo bèo bên dưới mười người. Hai hàng ghế gỗ cũ với năm băng còn để trống rất nhiều chỗ. Không mấy hấp dẫn. Tôi bèn lần lượt đi ngược xuống thăm thú suốt con tàu.
(CÒN NỮA)
Báo Chính Luận, số ra ngày 7/3/1973
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét