27 thg 5, 2024

Đi xe lửa Sàigòn - Biên Hòa nửa thế kỷ trước (bài 4)

Đây là bài cuối trong loạt 4 bài phóng sự của tác giả Long Mã kể về chuyện đi xe lửa Sàigòn - Biên Hòa chỉ vài tháng sau khi ký hiệp định Paris, tuyến đường sắt này hoạt động trở lại. Bài đăng trên báo Chính Luận từ ngày 7 đến 10/3/1973.

Trong bài này tác giả kể khi về Sàigòn do bị lỡ chuyến, phải chờ chuyến xe lửa sau nên có dịp quan sát ga Biên Hòa và… tám chuyện. Khi tám chuyện với bà bán nước trong ga, có một đoạn như sau: Cũng theo bà, xe mở đường mới đi tới Bàu Cá, khoảng trên Trảng Bom gì đó, không tiến được thêm nữa. Tuy có ngưng bắn nhưng là ở những “chỗ lớn”, chứ những “chỗ nhỏ còn quậy tùm lum à”. Như vậy không chắc xe lửa sẽ được hoạt động lại như dự trù, nếu không có hòa bình.

Như các bài trước, cách viết của tác giả khá… vụng, dài dòng, đôi chỗ sai chánh tả hoặc dùng chữ không nhất quán. Thí dụ cả bài viết là xe lửa, nhưng trong bài lại viết là ngồi chờ ở bến tàu.

Dù sao, bài phóng sự cũng giúp ta nhìn lại một khoảnh khắc xa xưa ở Sàigòn – Biên Hòa, để tưởng nhớ và để hoài niệm.

Phạm Hoài Nhân

Ga Biên Hòa, tháng 3/1967. Ảnh TommyJapan1 trên Flickr

 Đi tàu hỏa Sàigòn - Biên Hòa

Phóng sự của Long Mã

Một ông hơi già, trạc năm mươi tuổi, giơ cao tay, nói với vợ con:

  • Thôi biết rồi. Biết xe lửa Biên Hòa rồi đó!

Đâu đây, một giọng bảo nhau:

  • Bốn giờ về, chớ sáu giờ về Sàigòn tối quá. Con.

Qua cửa ga, không bị xét giấy tờ, dù là vé xe hay giấy tờ tùy thân đi nữa. Thật là thoải mái, tự do.

Trước của ga, hành khách lũ lượt lên xe Lam, lèn người như cá hộp. Xe ngựa cũng hết chỗ. Chiếc xe ngựa cuối cùng chở chín, mười mạng còn chậm lại vì chú thiếu niên gốc Hoa cố chụp tấm ảnh kỷ niệm giữa nắng trưa gay gắt.

Đành là đi bộ cả. Nhiều thiếu nữ, thanh niên cuốc bộ dài dài. Cũng đỡ tốn tiền phần nào cuốc xe từ ga tới chợ Biên Hòa.

Lỡ tàu trưa

Vì lộn giờ cứ tưởng có chuyến xe 14 giờ 30 về Sàigòn, sau khi đi tung tăng một tua tôi vội trở lại ga gấp lúc mới có hai giờ trưa. Hóa ra, chuyến xe 13 giờ 30 sẽ về đến Sàigòn lúc 14 giờ 30 đã chạy từ lâu rồi, và kéo theo 14 toa với đầy hành khách, đeo đầy cả hai bên.

Lỡ tàu, tôi có dịp quan sát ga Biên Hòa kỹ hơn. Ga cũng cũ, sơn vàng. Giữa là căn nhà vuông có hai tầng lầu kiểu pháo đài, cánh trái một tầng dành cho dân sự, cánh mặt hai tầng dành cho xe lửa quân sự, có rào kẽm gai và được lính gác. Hàng chữ lớn đầy đe dọa: KHU QUÂN SỰ CẤM VÀO.

Bên dân sự có hai cửa vào không có cánh, một bên đề: cửa vào ga, một bên đề chữ xanh trên tường: “Khu quân sự! Cấm vào”. Sự thật, cả hai lối cùng dẫn vào cửa mua vé và chờ đợi, đồng thời cũng là phòng bán nước và đồ ăn. Ba dãy băng gỗ dựa tường, một băng sắt ở giữa, tất cả đều dơ dáy và cũ quá.

Tôi ngồi một mình ở chiếc ghế ngắn trong góc phòng. Bà hàng nước, bốn mươi ngoài, thoáng lẹm cằm, hơi diêm dúa trong chiếc áo màu sữa, thêu bông hồng nâu, quần trắng, gợi chuyện trước.

Theo bà, xe lửa lấy giá bốn chục là quá rẻ. Cứ năm chục cũng còn được. Xe đò lấy cả trăm lận mà.

Đã vậy đi xe lửa lại về tận Sàigòn, đến Bồn Binh (công trường Quách thị Trang). Đi xe đò, cứ từ bến ra Sàigòn cũng phải mất ít nhất trăm rưỡi bạc xe tắc xi. Đã vậy tụi nhỏ ở gần ga lại thả cửa đi xe lửa không mất tiền.

  • Xe lửa chạy đều, bà thêm, cứ là xe đò chết hết. Đi xe lửa đã rẻ lại có chỗ ngồi rộng rãi. Quần áo thẳng nếp, đâu có nhàu nát như đi xe đò. Trẻ con với Các Chú diện còn hơn mồng một Tết lận. Cứ chúa nhật là lên đây đầy hết.

Quả đúng vậy. Trẻ con, nhất là giới thanh thiếu nhi gốc Hoa, ăn diện thật đủ mốt, có lẽ đồ Tết cả vì còn mới toanh, chưa có dịp xử dụng trong cái Tết ngưng chiến đầy hồi hộp vừa qua. Có những chị em ba bốn cô cùng mặc áo quần hồng nửa Tây nửa Tàu, nom hoa cả mắt. Hai cô bé Chợ Lớn vật toàn vàng, từ áo trong áo ngoài (boléro) đến quần soọc. Mốt quần Tây chiếm đa số cực lớn. Một vài xẩm cô bận quần trắng, cô tím, trệ dưới bụng để lộ thấp thoáng cái huyệt sâu chứa của theo như sách tướng dạy? Đúng là cuộc triển lãm áo quần, thi sắc đẹp khó tả hết.

Lần lần người ngồi chật phòng đợi, ngồi dọc theo bến tàu, đến là đông.

Bà bán nước tươi cười, hể hả. Bà tính tôi ly nước xí muội ba mươi đồng.

Cô bán bún riêu ngồi dưới đất, sát cửa ra vào, mới ba giờ đã dọn hàng về sớm vì không còn gì để bán nữa.

Trên tường phòng đợi, vài hàng chữ nguệch ngoạc:

“Lưu niệm ngày 31/11/1972, tăng cường ga MH – BHA – 20”. Phía dưới là hàng chữ to hơn: “Đời chó đẻ”.

Ga Biên Hòa ngày xưa. Ảnh TommyJapan1 trên Flickr

Hỏa xa hoạt động

Một ông giọng Trung đến ngồi cạnh tôi, hỏi thầm sao đã ba giờ mười lăm rồi mà chưa thấy xe Sàigòn lên. Ông đi đón người nhà.

Tôi tò mò ra cửa vào bến tàu đọc tấm bảng chỉ dẫn, có đề:

XE KHỨ HỒI
SÀIGÒN – BIÊN HÒA

Sàigòn

Biên Hòa

 

Biên Hòa

Sàigòn

8g

9g15

 

6g05

7g30

10g

11g15

 

10g30

11g50

14g

15g15

 

13g30

14g50

18g20

19g39

 

16g

17g15

 

Tuy bảng đề vậy, nhưng theo lời bà hàng nước thì chiều chủ nhật tàu thường chạy sớm từ 5 giờ rưỡi để vét khách. Kể cũng lạ.

Cũng theo bà, xe mở đường mới đi tới Bàu Cá, khoảng trên Trảng Bom gì đó, không tiến được thêm nữa. Tuy có ngưng bắn nhưng là ở những “chỗ lớn”, chứ những “chỗ nhỏ còn quậy tùm lum à”. Như vậy không chắc xe lửa sẽ được hoạt động lại như dự trù, nếu không có hòa bình. Đấy là chưa kể những áp lực của các giới có quyền lớn, chủ nhân hay là người che chở các hãng xe đò. Đã có nhiều giai thoại về việc bóc gỡ đường rầy. Loạn mà!

Phát tài nhờ xe lửa

Xe lửa Sàigòn – Biên Hòa mà phát đạt thì giới xe ngựa, xe Lam cũng được nhờ, phát tài theo. Nghe nói chỉ cần thâu hai, ba chục một người hoặc chạy bao cả chuyến người phu xe có thể kiếm một ngày chủ nhật từ năm đến sáu ngàn đồng!

Giới bán thức ăn, thức uống dọc đường từ rạp Biên Hùng vào tới ga cũng hể hả không kém mấy. Đấy là chưa kể dân chạy xe, bán quán ở chợ, nhất là ở chân núi Bửu Long. Nhà chùa cũng không sợ hương lạnh khói tàn nữa.

Người ra ga mỗi lúc một thêm đông. Một vài chú gốc Hoa mang theo cả cần câu máy, nhưng không thấy cá. Một đoàn hơn mười cô bé, kẻ áo dài quần Tây, bước vào vui vẻ, một cô ôm cả cây đàn ghi ta ét pa nhôm (lục huyền cầm).

Sáu cô học sinh nghịch ngợm đã trở lại, quây quần bên bàn thấp, uống nước ngọt.

Ba giờ rưỡi, số người ra bến tàu trong ga càng thêm đông. Người kiểm soát bấm lỗ vé một lúc rồi thôi để mặc ai muốn vào tùy ý.

Trước giờ trở lại

Xe Sàigòn đã lên, hành khách đang xuống đã có người ùa lên, chen lấn như cảnh đi xe buýt thuở nào hay cảnh giành xe Lam lúc buổi chiều ngày nay.

Xe đổi ngược đầu máy. Toa bán hàng ăn (restaurant) trở thành ở sát gần đầu, toàn màu xanh dịu: sàn cao su, trần gắn quạt máy, bàn phọc-mica. Bà hàng quấn khăn đeo kính lão trắng, nhắc chừng người chưa quen đi xe lửa:

  • Ông bà nào uống nước rồi, xin trở lại toa!

Ở một bàn gần quầy thu tiền, một ông giáo sư đại học đeo kính trắng, trán hơi hói, ngồi giải khát với bà vợ già và bốn đứa con.

Đi lần trở xuống, tôi bắt gặp 1 chiếc xe đạp để trong toa hạng ba. Dưới xe mấy cô choai choai đang thay phiên nhau ngồi bên bực lên xuống để chụp hình kỷ niệm.

Xe sắp chạy. Ông Trung úy khá già người Hoa đang tán tỉnh sáu cô bé.

Chuyến này, lính khá đông: lính không quân từ phi trường Biên Hòa xuống, lính bộ binh… khách dân sự lại càng đông hơn. Sáu cô bé theo lời tôi chỉ dẫn xuống đến toa hạng nhất ở sát toa hàng ăn, chỉ kiếm được có hai ghế băng ngắn trước phòng vệ sinh của toa tàu. Cửa phòng hư, lắm lúc đưa ra mùi hôi thối khó chịu, sửa mãi mới tạm được. Tôi phải đứng ngoài vì hết chỗ.

Thấm mệt và ước mơ

Mấy cô hỏi thăm về ngày nghỉ hè, vì cho rằng nhà báo bao giờ cũng biết nhiều tin sớm sủa. Tôi dựa vào chỉ thị của Bộ Giáo dục mà trả lời. Các cô mừng quýnh, hỏi thăm đường xe lửa Mỹ Tho để đi thăm ông Đạo Dừa và dịp hè.

Chuyến về thấm mệt, các cô không còn hăng hái, thích thú nữa, lim dim mắt ngủ lần. Cô bé xinh xinh, hơi đanh đá, áo xanh ngắn tay, quần tây trắng, gục đầu dựa vào người lính đứng sát cửa, khiến cô bạn phải vừa cười vừa đánh thức. Chỉ có cô lớn, áo nâu, ngồi sát cửa sổ là còn tỉnh và ham nói chuyện.

Ngoài toa, dựa vào thành cửa lên xuống, cô bạn trẻ hỏi người bạn trai cùng học, đều thuộc gia đình khá giả và theo chương trình Pháp, về những cái cây có bông tua tủa dài mà không được giải thích. Dân thành phố cả mà! Tôi xen vào. Bông lau là thứ cây quen thuộc của ruộng đồng khắp ba miền VN. Đi xe lửa cũng là học hỏi.

Xe lửa đậu lại ga Dĩ An lúc 16g21. Có lẽ đến mười ba năm nay tôi mới lại nhìn thấy Dĩ An.

Từ đây mọi người dường như đều thấm mệt sau buổi trưa đi nắng và thiếu ngủ. Xe lửa cũng đã hơi quen, chẳng còn gì hấp dẫn nhiều như lúc ban đầu.

Điều quan trọng

Ga Sàigòn 1967. Ảnh TommyJapan1 trên Flickr

Xe ngừng ở ga trung ương Sàigòn không còn được xử dụng nữa, lúc đã xế chiều. Hành khách ùa ra cửa hông. Một số khác ít hơn, đi về phía đường Phạm Ngũ Lão. Tôi đang chờ lượt ra cửa hông, bỗng nghe cô áo vàng quần đen đột ngột đứng lại hỏi, mặt lo ngại:

  • Chú ơi! Người ta đang soát vé, mà cháu lại liệng vé ở toa xe rồi!

Đến là khó xử. Tôi bảo các cô ra cửa Phạm Ngũ Lão vậy.

Cuối cùng, ngại đi xa, các cô cùng đồng ý là cứ thử ra đại cửa này xem sao đã. Nếu không được, sẽ trở lại cửa kia.

Tuy có hai người soát vé đứng hai bên cửa nhưng họ không xét kịp hết số đông và chỉ thâu một số vé tùy mặt hành khách. Tôi còn giữ nguyên cả hai vé đi, về. Và sáu cô bé cũng an toàn ra khỏi sân ga, không gặp khó dễ…

Long Mã
Báo Chính Luận, số ra ngày 10/3/1973



Phạm Hoài Nhân biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét