26 thg 5, 2024

Đi xe lửa Sàigòn - Biên Hòa nửa thế kỷ trước (bài 3)

Đây là bài thứ ba trong loạt 4 bài phóng sự của tác giả Long Mã kể về chuyện đi xe lửa Sàigòn - Biên Hòa chỉ vài tháng sau khi ký hiệp định Paris, tuyến đường sắt này hoạt động trở lại. Bài đăng trên báo Chính Luận từ ngày 7 đến 10/3/1973.

Trong bài này tác giả tiếp tục đi qua các toa tàu để quan sát và kể chuyện về các hành khách đi tàu, có kèm theo vài nhận xét cá nhân khá thú vị về người Hoa, về kiến thức của học sinh...

Cuối bài là quang cảnh ga đến (ga Biên Hòa) với cảnh người đi xe lô, xe ngựa... và nhận xét của tác giả rằng đa số người đi hôm ấy là... đi cho biết xe lửa, chớ không phải đi để tới Biên Hòa!

Phạm Hoài Nhân

Đi tàu hỏa Sàigòn - Biên Hòa

Phóng sự của Long Mã

Ga Sài Gòn những năm 1900’s. Ảnh Mạnh Hải

Một sự khác biệt rõ rệt đập vào mắt khi hành khách bước vào toa thứ bảy. Mười một băng ghế ngang sắp hàng đôi và đâu lưng vào nhau mỗi ghế hai chỗ ngồi làm thành tám chỗ ngồi mỗi hàng. Ghế gồm có những thanh gỗ ngang rộng năm phân tây, đánh vẹc ni còn mới. Thành ghế và giá đựng hành lý đều bằng kim khí xi kền bóng loáng. Vách toa có dán formica giả gỗ vẹc ni màu lạt.

Một bà mẹ dáng nửa quê nửa tỉnh đang loay hoay với khung cửa nhôm có khe hở như cánh cửa sổ.

  • Làm sao kéo lên được đây?

Đứa trẻ chỉ cái chốt ngang ở hai bên cho mẹ nó.

  • Cái này kéo lên.

Kỹ thuật tiến bộ và trình độ dân trí cũng có những lúc thiếu quân bình, gây rắc rối. E rằng rồi cũng có khi xe lửa lại được phân hạng nhất, nhì, ba trở lại.

Phần lớn hành khách trong toa này đều đi từng gia đình. Con nít khá đông.

  • Cầu này là cầu gì nhỉ? Ngó đầu xuống, nước xanh rì hà. Tháng nào, nước cũng xanh vậy.

Hai bà khách nói chuyện với nhau. Bà hơi tỏ ra thành thạo, nhưng không biết rằng xe đã đến Chợ Đồn rồi.

Xe đậu lại ba phút cạnh một chuyến xe ngược chiều từ Biên Hòa về Sài Gòn còn nằm đó, không đông khách lắm. Kẻ ngó qua, người ngó lại, xôn xao một chút.

Ga Biên Hòa hiện nay, mặt trước.

Những chú khách khôn ngoan

Từ trên toa thứ tám cùng loại hạng nhất như toa trước, ba cô nữ sinh độ mười sáu tuổi, áo dài trắng, quần tây trắng hay đen, bước vội xuống, nhìn trước ngó sau, rồi hỏi nhau:

  • “Xa” quá há?
  • Ừ, dài lắm. Chị ơi!

Các cô lại bước vội lên thềm xe.

Một chú học sinh vừa ở phòng vệ sinh cuối toa bước ra, thoải mái sau khi được “giải phóng”.

Toa này cũng gồm nhiều hành khách đi từng gia đình. Về quê hay đi thăm người quen? Đi xe lửa hay du lịch Biên Hòa. Họ ít ngó ra ngoài cửa xe, trừ vài cô cậu nhỏ và một ông đứng tuổi, mặc sơ mi trắng, đeo kính trong, lão hay cận.

Người Việt gốc Hoa độc chiếm nửa toa sau như từng chiếm Chợ Lớn, non nửa thành phố Sàigòn nói chung, đến nỗi làm phát sanh danh xưng thậm vô lý: Sàigòn – Chợ Lớn. “Các chú” đến là khôn vặt, chiếm hết chỗ sang chỗ tốt của chủ nhà, trong lúc chủ nhà lại luôn luôn dễ dãi, hay dại chăng?

Ở cuối toa, một bà trung niên ngồi dựa đầu ngủ bên cạnh bà lão, như không còn lạ gì cái thứ xe lửa rùa bò này nữa.

Một chú tiểu ngoài hai mươi tuổi đầu lún phún tóc mặc áo nâu rộng đi ngang qua ngơ ngác như muốn kiếm ai.

… Thoáng hiện

Toa thứ chín phân làm hai phần. Phân nửa có ba ca bin, mỗi ca bin có hai hàng ghế hai người, có chỗ dựa đầu và bọc simili đã rách bươm. Trên đầu có giá gỗ để hành lý. Phân nửa khác có hai hàng ghế gỗ dài dựa vào thành táu và hai băng giữa đâu lưng nhau, gồm như không có người ngồi. Cả toa chỉ có độ non năm mươi người, kể cả non chục em bé và một, hai ông bà già.

Một chú bé sơ mi tay dài, xách chiếc máy ảnh kiểu instamatic có gắn đèn flash vuông, đứng bên bậc chuyển toa như ngứa ngáy muốn chụp tấm hình phong cảnh mà không thực hiện được. Trước mắt chú, phía bên phải xe, núi Châu Thới hiện ra lồ lộ.

Bên trái, phía xa xa, hai toa xe biến thành nhà ở cho gia đình nhân công của công trường xay đá xanh để làm đường.

11 giờ đúng, xe đi ngang cầu Hang ở Biên Hòa, nơi từng chứng kiến nhiều trận “ông địa cười” (mìn nổ) của những thuở nào, nay đã gần như khác hẳn, gần bên hai trục xa lộ mới. Trên mỗi bảng sắt quảng cáo bên lề đường năm bảy lá cờ ba sọc phất phới tung bay.

Lại thêm một toa loại sang nữa, trên trần ở đây lại có từng mỏng cửa liếp tròn để lấy không khí như thể có gắn máy lạnh, nhưng không được sử dụng.

Dăm chú học sinh Tàu hát xí xô.

Phía cuối toa, lại một nhóm non chục cô Việt cỡ choai choai, mặc quần tây, vừa ca hát vừa đùa nghịch. Dựa vào thành thành toa, ở cuối cùng, một thiếu nữ áo đỏ, da trắng mắt to vừa uống bịch nước ngọt vừa cười, rồi dơ gói quà trêu những em nhỏ đứng dưới đường. Cô quay đầu và khi em bé bán quà trở lại:

  • Ê! Cho chị xin cái bịch ny lông! Thôi, cho chị miếng giấy nhỏ vậy.

Xe qua chiếc cầu nhỏ. Dưới lạch nước, phía xa xa, dăm chú bé đang vùng vẫy với nước xanh mát bên cụm tre không mấy cao.

Ba cô học sinh ngây thơ dừng lại bên thềm toa, hỏi nhau:

  • Ê, sông này, sông gì? Thuyên biết sông gì không?

Cô khác quay qua hỏi chú tiểu áo xám tro lợt, râu mọc lún phún, độ hai mươi lăm tuổi, mặt có vẻ lanh:

  • Gần tới Biên Hòa chưa, thầy?

Giữa năm 1973, một học sinh Sàigòn đã khá lớn còn chưa biết thành phố Biên Hòa nơi phiên trấn xưa kia tổ tiên ta bắt đầu vào Nam lập nghiệp Nam tiến, kể cũng đáng lấy làm buồn vậy.

Tôi đã hỏi thử mấy cậu, nhất là các cô học sinh 16, 17 tuổi mới đi xe lửa lần đầu hầu như chưa ai biết Biên Hòa bao giờ cả. Những chuyến xe lửa, phương tiện chuyển vận rẻ tiền thật là hứa hẹn trong việc phát triển kinh tế hậu chiến, và ngay cả trong việc mở mang kiến thức cho tuổi trẻ, nối liền tình ruột thịt Nam Bắc, phá vỡ lần tinh thần địa phương chật hẹp. Ngày nào, Hỏa Xa Việt Nam, mới lại áp dụng lại thể thức giảm giá cho học sinh từ 25 đến 50% như thuở còn Bảo Đại với “người Tây”?

Sang toa thứ mười một, cũng lại thấy hai hàng băng gỗ cũ. Không một bóng lính tráng hay khách đi cả gia đình. Phần nhiều là trẻ nhỏ. Ít khách du.

3 cô học sinh áo trắng đi chung với 2 chú tiểu 1 áo nâu, 1 xám tro lợt, đã chuyển sang toa này và đang nghe chú tiểu trổ tài chỉ dẫn về xe lửa. Mấy cô bé ngây thơ, khá dễ thương, hiền lành làm tôi có cảm tình ngay, cũng như sáu cô nữ sinh nghịch ngợm đã khiến tôi chú ý.

Gần đấy một thiếu niên thử bẻ bánh xe thắng ở cuối toa.

Tới đích hay chưa!

Ga Biên Hòa hiện nay, trong sân ga

Toa xe cuối cùng, toa thứ mười hai, cũng thuộc hạng ba, với hai băng cây cũ xù xì, sàn bọc gỗ cao su đen, xần xùi, dơ dáy.

  • Tới chưa??

Một giọng thanh niên trẻ cất lên.

  • À, hà hà…

Tiếng trả lời dục, nhưng không giả.

Mười một giờ mười bốn phút đúng, xe tới ga Biên Hòa. Mọi người lật đật xách đồ rủ nhau xuống. Nhưng, cũng có ngưởi hỏi nhau không biết đã nên xuống chưa?

Một ông lớn tuổi đi với vợ con đứng cạnh đường sắt, hỏi đổng:

  • Rồi về đi tàu nào?

Nói xong, ông lại kéo vợ con bước lên xe trở lại. Toa xe vắng lần dù vẫn còn một số người ngồi lại trên xe.

Ba phút sau, xe lửa lại chuyển bánh không biết đi về đâu. Hố Nai hay Gia Kiệm. Tôi cũng chẳng buồn hỏi, vì mục đích của tôi chỉ là đến nơi này. Chắc chắn là xe không thể đi quá xa được, dù đã ngưng chiến.

Lắm người chưa biết sẽ đi đâu. Một số khác muốn chờ xe trở lại SàiGòn. Mục đích là đi xe lửa cho biết, chớ đâu cần đi Biên Hòa tìm Dưỡng Trí Viện, hay trại An dưỡng thăm tù binh mới trở về!

Nhiều người khác muốn ra thăm Biên Hòa, nhưng không biết lối ra, ngơ ngẩn hỏi nhau:

  • Qua bên này hay sang bên kia?

Khổ nhỉ. Biết ra lối nào. Đi xe đi. Cứ bước chân xuống đã là đường, là chợ rồi. Kinh nghiệm đáng nhớ đấy chứ.

Có những người ngồi lì dưới bến xe một lúc lâu, rồi cũng theo lớp người lũ lượt bước vào cửa ra ga.

(Còn nữa)

Báo Chính Luận, số ra ngày 9/3/1973

Phạm Hoài Nhân biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét