28 thg 2, 2012

Linh Sơn đâu đây, buông tiếng chuông ban chiều

Nếu không có bài hát Thương về miền đất lạnh của Minh Kỳ với câu hát ngân nga:

Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào
Cho thế nhân thôi, rũ hết u sầu để lòng quay về bến yêu


thì có lẽ khách phương xa ít biết đến ngôi chùa Linh Sơn ở Đà Lạt.

Cũng phải thôi, vì chùa Linh Sơn không có cảnh quan và kiến trúc bề thế, thơ mộng như Thiền viện Trúc Lâm, không phải có bề dày lịch sử như Tổ đình Linh Quang, lạ lẫm như chùa Thiên Vương Cổ Sát (chùa Tàu)...

Cổng chùa Linh Sơn - Ảnh: Kinh Luân trên SGTT online 

Chùa tọa lạc số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, thành phố Đà Lạt, trên một ngọn đồi cách trung tâm thành phố 700 m về phía Tây Bắc. 

Chùa Linh Sơn - Ảnh: Võ văn Tường

Chùa được dựng vào năm 1938 và khánh thành năm 1940 do công đức của thập phương bá tánh, nhất là sự đóng góp của gia đình hai Phật tử Võ Đình Dung và Nguyễn Văn Tiến. Từ tam quan vào chùa, du khách theo bậc cấp đi giữa những hàng thông, bạch đàn và cây sao cao vút. Tượng Bồ tát Quan Thế Âm đứng trên đài sen được tôn trí trước sân chùa. Nhìn bên phải là một bảo tháp ba tầng hình bát giác, mái ngói, cao 4m. Bên trái là hồ nước, những cụm giả sơn và cây cảnh rất đẹp. Giữa là ngôi chánh điện, có cặp rồng chầu hai bên bậc cấp tượng trưng cho Long thần hộ trì Phật pháp.
...

Tôi chợt nhớ đến chùa Linh Sơn khi đọc mẩu tin trên báo: Bà lão độc thân qua đời để lại 50 cây vàng.

Tang lễ của bà được tổ chức tại chùa Linh Sơn.

Bà cụ Phạm Thị Hiền năm nay 82 tuổi. Hơn 20 năm nay bà sống một mình trong ngôi nhà tuềnh toàng, lụp xụp rộng 20m2 trong một con hẻm nhỏ ở phường 3, thành phố Đà Lạt.

Nhà bà cụ Hiền - Ảnh: Dân Việt

Ngày cuối của cuộc đời bà, như mấy ngàn ngày trước đó chỉ cô độc, một mình, không người thân thiết, xóm giềng cũng không biết bà là ai, từ đâu đến. Ngày cuối đời, xác thân bà nằm yên trong chùa Linh Sơn, giữa tiếng chuông chùa ngân vọng:


Linh Sơn đâu đây, buông tiếng chuông ban chiều...

Những tin tức mới nhất cho biết chồng bà là ông Trần Danh Tuyên (đã mất). Ông từng là bí thư thành ủy Hà Nội (1959), bộ trưởng bộ Vật tư (1969 - 1976)... Bà vốn là người hoạt động cách mạng sôi nổi từ nhỏ, từng tham gia nhiều phong trào yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Bà kết hôn với ông Trần Danh Tuyên năm 1946.

Buồn phiền chuyện gia đình, năm 1954 trong một lần nghỉ phép đi chơi ở Hải Phòng bà Phạm Thị Hiền đã lặng lẽ đi thẳng vào Đà Lạt sinh sống từ đó đến nay. Rồi bà đi bước nữa với một người chồng làm việc cho chế độ cũ. Sau giải phóng, ông này đi học tập cải tạo 7 năm. Ông định cư ở Mỹ năm 1991 cùng người con nuôi của 2 vợ chồng.

Bà Hiền cô đơn ở lại Đà Lạt một mình, chuyển đến căn nhà nhỏ nói trên và sống ở đó cho đến cuối đời.


Một đời người với những thăng trầm dâu bể đã đi qua. Chùa Linh Sơn có thêm một câu chuyện cổ tích.

Những ngày này hương hồn bà có lẽ vẫn đang vương vất đâu đó, lặng nghe tiếng chuông chùa:

Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào
Cho thế nhân thôi, rũ hết u sầu để lòng quay về bến yêu


Có phải thế chăng, thưa bà: Cho thế nhân thôi, rũ hết u sầu để lòng quay về bến yêu...

Toàn cảnh chùa Linh Sơn. Ảnh: Võ văn Tường



Phạm Hoài Nhân
Tháng 2/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét