17 thg 8, 2024

Làng cổ Long Tuyền

Việt Nam có nhiều làng cổ, trong đó có 4 ngôi làng cổ được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, đó là: Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Làng cổ Phước Tích (Huế), Làng cổ Lộc Yên (Quảng Nam) Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang).

Trong 4 ngôi làng này có một ngôi làng ở miền Tây Nam bộ, thuộc tỉnh Tiền Giang, láng giềng của Cần Thơ, đó là Đông Hòa Hiệp. Trong khi đó Cần Thơ có một ngôi làng cổ rất đặc sắc nhưng ít được nhắc tới, đó là Làng cổ Long Tuyền.

Nhà cổ Bình Thủy ở làng cổ Long Tuyền. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thật ra trong chúng ta có rất nhiều người đã từng tới một hoặc vài nơi ở làng cổ Long Tuyền mà không biết và cũng hiếm khi được người hướng dẫn giới thiệu rằng điểm đến đó nằm trong làng cổ Long Tuyền, những nơi đó là nhà cổ Bình Thủy, đình Bình Thủy (Long Tuyền cổ miếu), chùa Nam Nhã...

Làng cổ Long Tuyền có không chỉ một mà đến 6 di tích văn hóa cấp quốc gia. 6 di tích đó là: đình Bình Thủy, chùa Nam Nhã, nhà cổ Bình Thủy, mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, chùa Hội Linh, chùa Long Quang. Ngoài ra còn 1 di tích lịch sử cấp quốc gia là di tích An Nam Cộng sản đảng.

Làng cổ Long Tuyền

Long Tuyền là địa danh mang ý nghĩa là ‘suối rồng’ hay người xưa gọi là ‘long mạch’, theo hình dung đầu vàm Long Tuyền như miệng rồng và con rạch Long Tuyền như thân rồng uốn lượn. Xa xưa, Long Tuyền là tên một xã nhưng qua thời gian, đã trở thành một địa danh nổi tiếng bao trùm một vùng rộng lớn gắn với lịch sử phát triển xứ Cần Thơ.


Sân trước khu di tích Bùi Hữu Nghĩa với nhà bia và đền thờ. Ảnh: Lâm văn Sơn

Khi xưa, địa danh Long Tuyền bao gồm từ chợ An Thới đến mạn Đông cầu Trà Nóc và chạy sâu vô bên trong theo trục đường Bùi Hữu Nghĩa - Bình Thuỷ, nối với tỉnh lộ 923 và kéo tận đến phường Long Tuyền. Do phạm vi rộng lớn và có nhiều di tích văn hóa - lịch sử cổ kính nên vùng nầy còn được gọi là làng cổ Long Tuyền, với ngôi đình Bình Thuỷ - vốn xưa gọi là Long Tuyền cổ miếu - là đầu mối.

(theo Lâm văn Sơn)

Nguồn gốc địa danh Long Tuyền và Bình Thủy

Xuất xứ tên Long Tuyền 

Năm 1906, quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận mời đông đủ thân hào nhân sĩ sống trong vùng để bàn việc đổi tên làng. Ông đánh giá con rạch - mà bây giờ mang tên rạch Long Tuyền - có nguồn nước chảy từ sông Hậu vào uốn khúc như rồng nằm, miệng rồng ngậm trái châu là cồn Linh trên sông Hậu, nằm án ngang miệng rạch. Bốn chân rồng, gồm hai chân trước là phần ngã tư giao nhau giữa rạch Ngã Tư Lớn và rạch Ngã Tư Bé ngang nhau và hai chân sau là rạch Miếu Ông trên tỉnh lộ 923 và rạch Cái Tắc cũng ngang nhau. Cái đuôi uốn khúc nằm vắt qua làng Giai Xuân, ở cuối làng Bình Thuỷ. Vì thế, ông muốn bàn với dân làng đặt lại tên làng. Từ đó, vùng đất nầy mang tên Long Tuyền.

Xuất xứ tên Bình Thủy

Đầu vàm rạch Bình Thủy (xưa là rạch Long Tuyền) đổ ra sông Hậu như thế miệng rồng với 'trái châu' là cồn Linh.

Năm 1852, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú ngang qua đây, khi thuyền đến gần Cồn Linh nơi đầu vàm rạch (mà nay gọi là Bình Thủy) thì gặp một trận cuồng phong, mọi người trên thuyền đều hoảng sợ. Quan tuần phủ ra lệnh cho thuyền núp ngay vào đầu vàm rạch để tránh gió dữ và đoàn hải thuyền được bình an vô sự. Ông dừng lại đây cho mở tiệc ăn mừng cùng dân làng và quan sát dân tình trong suốt ba ngày, ông xét thấy địa thế nầy tốt đẹp, dân cư hiền hoà, đầu vàm thường yên lặng, không hề có sóng to gió lớn, hoa màu thịnh vượng. Quan Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt dâng sớ xin vua Tự Đức cho đổi tên làng thành Bình Thủy, với ý nghĩa là vùng nước bình yên.

(theo Lâm văn Sơn)

Những câu chuyện văn hóa và lịch sử

Có rất nhiều giai thoại văn chương về thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, người con của đất Long Tuyền, và mộ của ông bà đang nằm tại đây. Ông đậu thủ khoa khoá thi hương năm 1835 và là một vị quan thanh liêm triều nhà Nguyễn. Ông còn là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng của miền Nam vào cuối thế kỷ XIX, để lại nhiều tác phẩm giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam.

Câu chuyện về vợ ông - bà Nguyễn thị Tồn, người quê Biên Hòa - thân gái dặm trường ra tận kinh đô Huế kêu oan cho chồng là câu chuyện về người phụ nữ hết lòng vì chồng được truyền tụng nhiều đời nay (và Biên Hòa được hưởng tiếng thơm lây vì bà là người Biên Hòa).

Tranh mô tả cảnh phu nhân Nguyễn Thị Tồn đánh trống kêu oan cho chồng tại triều đình Huế.

Ở Bình Thủy - Long Tuyền có không chỉ một mà nhiều nhà cổ, trong đó nổi bật nhất và còn được duy trì tốt nhất là Phủ thờ họ Dương, thường được gọi là nhà cổ Bình Thủy hay nhà cổ vườn lan. Ngôi nhà này là bối cảnh cho nhiều bộ phim, trong đó nổi tiếng nhất là phim Người tình (L'Amant) của đạo diển Jean-.Jacques Annaud

Chùa Nam Nhã có phong cảnh đẹp, hữu tình, còn là nơi ghi dấu ngày xưa tập hợp những người yêu nước chống giặc Pháp. Đặc biệt, nơi đây theo Minh Sư đạo, một tôn giáo xuất phát từ Trung quốc có những nét khác biệt so với Phật giáo Việt Nam.

Chùa Nam Nhã. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Long Quang, Hội Linh là những ngôi chùa cổ với kiến trúc độc đáo và nhiều pho tượng cổ có giá trị thẩm mỹ cao.

Tour du lịch Làng cổ Long Tuyền?

Xin mượn lời anh Lâm văn Sơn, một người tha thiết với du lịch Cần Thơ:

"Long Tuyền (hay suối rồng) là mô phỏng phong thuỷ của hình dáng rồng uốn lượn theo dòng rạch Long Tuyền xưa - nay là sông Bình Thuỷ, lại nằm giữa hình dáng bộ cung tên của lộ Vòng Cung.

Làng cổ Long Tuyền, ngoài cảnh vật yên bình, cây xanh trái ngọt quanh năm sông rạch chằng chịt, còn có đến 6 di tích cấp quốc gia phản ánh nét đặc trưng văn hoá, lịch sử, kiến trúc của làng cổ miệt vườn Nam Bộ.

Dù vật đổi sao dời, dù bị tác động của nhiều yếu tố thời cuộc, chiến tranh, sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa Khmer, Hoa, Pháp, Nhật, Mỹ... , dù trải qua bao thăng trầm, làng cổ Long Tuyền vẫn còn giữ được nét đặc trưng văn hoá miệt vườn sông nước Nam Bộ, góp phần không nhỏ tạo nên hình ảnh du lịch riêng cho thành phố Cần Thơ."

Môt tour du lịch đường thủy trên rạch Bình Thủy - Long Tuyền tham quan các di tích nơi đây, tìm hiểu và ôn lại những nét văn hóa xưa, lịch sử hào hùng của cư dân nơi đây, thưởng thức những món ăn đặc sắc miền quê?

Ừ, hãy đợi đấy. Chưa có, và chưa biết bao giờ có!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét