1 thg 10, 2014

Gia Định thử tài Cần Thơ

Cụ Bùi Hữu Nghĩa người con của đất Cần Thơ, cụ sinh ra và mất đi đều tại Bình Thủy, Cần Thơ. Thế nhưng Biên Hòa vẫn xem cụ là danh nhân của quê hương mình, vì 2 lý do: khi đậu thủ khoa xong thì cụ được bổ làm tri huyện Phước Long (tức Biên Hòa ngày nay), và người vợ yêu quý của cụ là bà Nguyễn thị Tồn vốn người ở Bửu Hòa, Biên Hòa. Ở Biên Hòa hiện nay tên cụ được đặt cho một con đường lớn. Trước khi kể lại câu chuyện tuyệt vời về bà vợ của ông, ta hãy xem qua một câu chuyện về tài năng của ông nhé.

Cụ Bùi Hữu Nghĩa lúc về già cáo quan về ẩn dật tại Bình Thủy, Cần Thơ. Thế nhưng tài danh thơ phú của cụ vẫn lan truyền khắp nơi (nói theo từ ngữ bây giờ là cư dân mạng xôn xao hay cộng đồng mạng phát sốt!).


Khu tưởng niệm cụ Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ


Lúc bấy giờ ở đất Gia Định có tú tài Văn Bình. Văn Bình nhà ta cho rằng mình tài cao học rộng, chẳng qua là do học tài thi phận nên đường khoa bảng lận đận. Bình nghe người ta ca ngợi Thủ khoa Nghĩa thì không phục tí nào. Thế nên anh ta mò vô Cần Thơ kiếm cụ Bùi Hữu Nghĩa. Ý đồ rất rõ ràng: mình thử tài mà thắng cụ thì thiên hạ sẽ biết thằng tú tài Văn Bình này đâu kém một vị thủ khoa!

Qua hai cái phà tới Cần Thơ, Văn Bình qua cầu Bình Thủy đi kiếm nhà cụ Bùi Hữu Nghĩa. Thấy một ông già nhà quê đang ngồi trước nhà, nhìn ra đường ngắm sông, Văn Bình ghé lại hỏi:

  • Thưa bác, bác làm ơn cho hỏi nhà ông thủ khoa Nghĩa ở đâu ạ?
Ông già ngước lên hỏi: 
  • Cậu là ai, kiếm ông thủ khoa mần chi? 
  • Dạ, tui là tú tài Văn Bình ở Gia Định, hơi bị nổi tiếng đấy ạ. Nghe đồn ông thủ khoa là người giỏi giang nên đến hội kiến, coi thử thế nào. 
Ông già lẩm nhẩm:
  • Văn Bình hả? Quý hóa quá. Vô ngồi chơi xơi nước đã, rồi tôi biểu thằng cháu nó dắt đường cho cậu đi. Nhà ông thủ khoa còn xa lắm! 
Văn Bình vô nhà ngồi uống trà, thấy trên vách có dán mấy câu đối. Ông già ôn tồn nói:
  • Câu đối của ông Thủ khoa đó. Tôi thích nên treo chơi. Tôi cũng thích đối, Nhưng già mà dốt, nên hổng đối được câu dài như ổng. Chỉ biết đối từng chữ một hà. Cậu có quởn hông? Đối với tôi cho vui. 
Văn Bình chúm chím cười. Thôi thì mình nghịch với ông già này chút cho vui, đặng lát nữa ổng chỉ đường đến nhà cụ Bùi Hữu Nghĩa, có... chết thằng Tây nào mà sợ!


Chủ nhà chậm rãi hớp trà, rồi mở đầu:

  • Võ 
Văn Bình đối ngay:
  • Văn 
Văn đối với , quá chuẩn! Ông già lại ra tiếp
  • Trắc 
Văn Bình đối
  • Bình 
Trắc đối với Bình (Bằng), cũng chỉnh luôn. Ông già ra tiếp:
  • Vãng 
Văn Bình đối:
  • Lai 
Vãng đối với Lai, đúng quá rồi còn gì! Ông già lại ra tiếp:
  • Nam 
Văn Bình đối:
  • Bắc 
Nam đối với Bắc, chuẩn không cần chỉnh. Ông già ra tiếp:
  • Cô 
Văn Bình đối:
  • Cụ 
Ông cụ đối với bà , ok luôn.

Tới đây, ông già ngừng lại nói:
  • Thôi đủ rồi, lão phục cậu quá. Để lão đọc lại mấy chữ lão vừa ra coi nó có nghĩa gì không nha. Hèm, Võ Trắc Vãng Nam Cô, chả có nghĩa lý gì sất. Còn cậu, thử đọc lại câu của cậu coi sao. 
Văn Bình sang sảng đọc:
  • Văn Bình lai bắc cụ 
Vừa đọc xong, Văn Bình đỏ mặt, vì câu của Bình nghĩa là: Văn Bình tới bắc cụ (Bắc cụ là gì thì các bạn cứ nói lái thử coi nha, tui hổng biết!)

Văn Bình chắp tay xá ông già và nói:
  • Con lạy bác! Bác chính thiệt là Thủ khoa Nghĩa rồi. Con hổng dám giỡn mặt nữa ạ! 
Cụ Bùi Hữu Nghĩa vuốt râu, cười hi hi hi!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét