2 thg 9, 2011

Biển, núi và những khẩu đại pháo

Khi tắm biển ở Vũng Tàu, ắt hẳn các bạn nhìn thấy những dãy núi cao sát bãi biển. Đó là núi Lớn, hay còn gọi là núi Tương Kỳ hoặc Tương Phùng và núi Nhỏ, còn gọi là núi Tao Phùng.

Núi Lớn có diện tích khoảng 400 ha, có 3 đỉnh, đỉnh cao nhất là 254 met nằm ở phía Bắc của trung tâm thành phố Vũng Tàu.



Núi Lớn Vũng Tàu
Núi Lớn

Núi Nhỏ có diện tích khoảng 120 ha, cao 170 met nằm ở phía Nam của trung tâm thành phố Vũng Tàu (bạn dễ dàng nhận ra núi Nhỏ, vì ở trên đỉnh của nó có tượng Chúa dang tay).


Núi Nhỏ

Núi Lớn và Núi Nhỏ như bức bình phong ở sát bờ biển, che chắn cho thành phố Vũng Tàu.

Nếu bạn là nhà quân sự, bạn sẽ nghĩ gì? Đây sẽ là vị trí phòng thủ chiến lược, nơi bố trí trận địa pháo để sẵn sàng nã đạn vào các tàu chiến từ ngoài biển vào.

Đúng như vậy! Từ thời nhà Nguyễn, trên triền núi Lớn đã có đồn Phước Thắng, nơi đó bố trí những khẩu thần công.



Ngày mồng bảy Tết Kỷ Mùi (9-2-1859), 12 chiến hạm chạy bằng máy hơi nước của liên quân thực dân Pháp - Tây Ban Nha do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy đã dàn trận tại vịnh Hàng Dừa (Bãi Trước - Vũng Tàu). Sáng sớm hôm sau, chúng nã pháo vào phòng tuyến bảo vệ của nhà Nguyễn trên bán đảo Vũng Tàu. Suốt trong ngày 10-2-1859, đoàn chiến hạm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha với ưu thế hơn hẳn về đại bác đã phải vô cùng chật vật chống trả với những khẩu thần công của nhà Nguyễn đặt trên pháo đài Phước Thắng (vị trí Bạch Dinh ngày nay) mà tầm bắn tối đa chỉ 1km. Thống chế Trần Đồng, vị tổng tư lệnh chỉ huy trận đấu pháo đã hy sinh anh dũng trên chiến lũy cùng với những viên đạn cuối cùng của pháo đài Phước Thắng trong buổi chiều lịch sử 10-2-1959. Cái chết của vị Thống chế cùng trận đấu pháo quyết liệt và không cân sức của những người lính thủ can trường trên pháo đài Phước Thắng năm ấy tuy không ngăn được bước tiến của đạo quân xâm lược nhưng đã ghi một chiến công đầu trong trang sử hào hùng của quân và dân miền Đông Nam bộ ngay từ những ngày đầu chống đạo quân viễn chinh xâm lược của thực dân Pháp. (Dẫn theo Bà Rịa - Vũng Tàu 300 năm nhìn lại của ĐINH VĂN HẠNH; đăng trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu sô Xuân Mậu Dần 1998).

Vị trí của đồn Phước Thắng hiện nay là Bạch Dinh. Năm 1898, người Pháp san bằng dấu tích pháo đài, xây dựng một biệt thự sang trọng làm nơi nghỉ dưỡng cho toàn quyền Pháp tại Ðông Dương Paul Dumer và các quan chức cao cấp của nhà nước thuộc địa Pháp. Tòa biệt thự được xây dựng kiên cố kiến trúc kiểu Pháp, bề ngoài mầu trắng sang trọng nên gọi là Bạch Dinh dài 28 m, cao 19 m gồm ba tầng, rộng 15 m tọa lạc trên khuôn viên rộng sáu héc-ta. Bạch Dinh sau này còn là nơi nghỉ dưỡng của Ngô Ðình Diệm, Ngô Ðình Nhu, Trần Lệ Xuân, Nguyễn Văn Thiệu...



Bạch Dinh ngày nay

Từ tháng 6 năm 1862, thực dân Pháp đã quan tâm đến sự bố phòng ở Vũng Tàu, nhưng có lẽ các công trình quân sự qui mô được xây dựng nhiều nhất là từ sau 1870, đặc biệt từ 1895 đến 1897… Phòng tuyến của người Pháp ở Vũng Tàu là hệ thống pháo đài được xây dựng trên triền núi Lớn, núi Nhỏ, gồm 23 cổ đại bác có cỡ đạn từ 140mm đến 300mm, được lắp đặt từ năm 1895 và đến năm 1897 mới hoàn thành. Có thể nói đây là hệ thống pháo đài cổ, kiên cố và lớn nhất của Pháp còn lại ở Việt Nam.

Pháo đài phía Nam núi Nhỏ, được bố trí thành ba cụm theo thế vòng cung. Cụm thứ nhất ở độ cao trung bình 136m so với mực nước biển. Các khẩu pháo ở đây có cỡ đạn 240mm, nòng dài trên 10m, đặt trong công sự hình tròn, sâu dưới lòng đất, phía sau có hầm trú ẩn và hệ thống giao thông hào tiếp đạn bằng xe gòng chạy trên đường ray.
Cụm thứ hai, cách pháo đài thứ nhất chừng 300m, ở độ cao trung bình 91 m so với mực nước biển, được bố trí thành hai ụ cách nhau 20m với 5 cổ pháo cỡ đạn 300mm. Hệ thống công sự ở đây được xây dựng hình chữ nhật, nằm sâu dưới mặt đất.

Cụm thứ ba gồm ba khẩu pháo, cỡ đạn 140mm, ở độ cao trung bình 90m so với mực nước biển, cách pháo đài thứ hai chừng 300m. Ba cổ pháo được đặt trong ba công sự hình tròn, cách đều nhau 27m .



Một khẩu pháo trên núi Nhỏ


Pháo đài Cầu Đá-vịnh Hàng Dừa ở phía Bác núi Nhỏ, gồm 4 khẩu, được bố trí theo hình vòng cung, nòng hướng ra biển bãi Trước, Cần Giờ. Các khẩu pháo đều được bố trí cách đều nhau và bằng 18m, cỡ đạn 240mm.

Pháo đài núi lớn nằm phía trên bãi Dâu, ở độ cao 100m so với mực nước biển: Theo tài liệu thì trận địa pháo núi Lớn có tám khẩu. Nhưng hiện tại chỉ còn lại sáu, được bố trí trên một đường vòng cung cách đều nhau 17,5m, cỡ đạn 240mm, được đặt trên bệ tròn có hình răng cưa. Trên thân các cổ pháo đều có ghi ký hiệu còn đọc được: 24c/m, Mle 1870, N0 15.567, Nevens 1873 . Phía sau mỗi khẩu pháo đều có hầm chứa đạn và hệ thống giao thông hào liên kết với các cổ pháo khác.


Các khẩu pháo trưng bày ở Bạch Dinh

Các pháo đài của thực dân Pháp trên triền núi Nhỏ và núi Lớn – Vũng Tàu được xây dựng quy mô, kiên cố, hiện đại lúc bấy giờ, có thể khống chế cả vùng biển Vùng Tàu, vịnh Ghềnh Rái. Càng vào sâu phía cửa Cần Giờ, hỏa lực càng mạnh, bởi mật độ bố trí và cỡ đạn đại bác…

Hiện nay, phòng tuyến với hệ thống pháo đài kiên cố lớn nhất nước ta của thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX, hầu như còn khá nguyên vẹn. (Theo Bà Rịa - Vũng Tàu Con số & sự kiện, 04-03-2009).

Thật là kỳ thú khi chúng ta ngâm mình trong sóng biển, nhìn những dãy núi chập chùng và sau đó thăm lại những di tích chiến tranh hơn một thế kỷ đã qua, các bạn nhỉ?



Từ trận địa pháo trên núi Nhỏ nhìn xuống TP. Vũng Tàu

... và nhìn ra biển

Bùm đang đứng trên đỉnh núi Nhỏ, sau lưng là núi Lớn. Đang suy nghĩ xem nên "Bùm" như thế nào!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét