Con
rươi trông gần giống một con đỉa lai con rết bởi vì cái thân hình nhũn
nhũn nhưng rất nhiều chân của nó. Khi sống rươi mềm mềm đủ mầu xanh, đỏ,
vàng, xám vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ và sặc mùi tanh tanh đến
khó chịu. Thế mà lạ thật, cái con vật xấu xí “đáng sợ” ấy khi đã qua bàn
tay khéo léo của các bà nội trợ lại trở thành “đặc sản” thơm ngon khó
quên.
Rươi còn tươi (Ảnh: My.opera)
Rươi
là một giống hải trùng có nhiều ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh,
Thái Bình…Ăn rươi phải có mùa nên rươi quý lắm. Vào những ngày mùng 5
tháng 9, 25 tháng 10, tháng 10 mùng 5 là những ngày nước thủy triều dâng
lên, những con rươi chui ra khỏi mặt đất (người ta gọi là nứt lỗ rươi),
người ta mới đem xăm hoặc vợt làm bằng vải màn đi vớt rươi. Bắt đầu từ
đây, rươi vội vã được chuyển đi để nêm đủ phong vị ẩm thực cho đất Hà
Thành. Ngày nay phố Hàng Rươi vẫn tồn tại nhưng không còn cảnh mua bán
tấp nập như trước nữa. Nhưng mỗi lần định ăn rươi, người ta vẫn nghĩ và
tìm đến nơi đây đầu tiên. Người đi bán vội vã mà người mua cũng vội vã.
Nếu không nhanh thì ta đã bỏ lỡ cơ hội thưởng thức một món đặc sản chỉ
xuất hiện vài lần ngắn ngủi trong năm. Rươi giàu chất đạm, ăn nó có tác
dụng bồi bổ sức khỏe. Với những người mới ốm dậy hay bị ho thì chớ có
ham món rươi làm gì, vì ăn vào không tốt.
Phố hàng Rươi (Ảnh: Hoankiem.gov)
Rươi
mua về, để trở thành món ngon phải qua nhiều khâu quan trọng, nhất là
lúc làm lông. Để rươi sạch, hết mùi tanh người ta phải dùng nước nóng
đun sôi, đổ rươi vào khuấy đều, nhặt sạch rác rồi rửa lại nhiều lần cho
thật sạch. Khi rươi đã ráo nước là có thể chế biến. Thường thì ta vẫn
quen thưởng thức mấy món chính là chả rươi, rươi hấp, rươi xào, rươi kho
và rươi đúc với trứng. Món rươi hấp có vị thanh vì không dùng mỡ để
trộn, món rươi kho đậm đà, kiểu cách. Nhưng có lẽ món chả rươi thơm nức
mũi vẫn được người ta ưu ái hơn cả. Rươi sau khi làm sạch sẽ được trộn
với thịt băm, trứng, thì là, thêm vài lát vỏ quýt băm nhỏ rồi cho lên
rán vàng. Món rươi phải ăn lúc nóng đến bỏng lưỡi, kèm theo ít hạt tiêu,
rau cũng đủ chiều lòng những ai “khó tính”.
Món chả rươi (Ảnh: Nguồn hocnauan)
Rươi
được chế biến nhiều món ngon khác nhau, mỗi món đều có sự hấp dẫn riêng
nhờ tài chế biến trong việc kết hợp các loại gia vị của các bà nội
trợ. Nhưng rươi ăn kiểu gì cũng không được thiếu vỏ quýt (trần bì). Mùa
rươi cũng là mùa quýt. Hai thứ ấy bén duyên nhau khăng khít lắm. Vỏ quýt
thơm hăng hăng dễ chịu làm dậy lên mùi thơm của rươi, mất đi cái độc
của con rươi. Một thứ dân dã đồng quê, một thứ đặc sắc dưới nước cùng
kết hợp tạo nên khúc biến tấu tuyệt vời trong văn hóa ẩm thực. Thiếu đi
vỏ quýt, món rươi cũng giống như một bông hoa đẹp không hương, một người
đàn bà đẹp vô duyên, nhạt nhẽo vô cùng. Và món rươi nếu thiếu đi vị cay
cũng làm cho món ăn trở nên hụt hẫng. Ớt chính là chất xúc tác đẩy
hương vị rươi nổi lên một cách độc đáo, làm cho món rươi đạt đến sự tinh
tế nhất có thể, ngọt, béo đủ vừa, ngạt ngào ý nhị.
Con rươi bé
nhỏ nổi trên mặt nước mỗi lần thuỷ triều với những món ăn được chế biến
từ nó đã làm ai đi xa cũng phải nhớ. Chẳng biết từ lúc nào, rươi gắn với
văn hóa Việt, trở thành ẩm thực bình dân tinh tế, đậm đà.
Thùy Linh Tapchimonngon.com
|
Bài viết trên tôi cóp nhặt trên Internet.
Hỏi rằng: Đã ăn rươi chưa?
Đáp rằng: Đã!
Hỏi rằng: Ngon không?
Đáp rằng:... không biết!
Tôi ra Bắc lần đầu tiên năm 1986, tháng 11. Lúc đó có dịp ghé thăm Hải Dương. Chủ nhà xuýt xoa: Ôi, tiếc quá. Vừa dứt mùa rươi. Không có để đãi khách rồi!
Tôi tò mò hỏi: Rươi là gì? (hồi nào giờ thường vẫn nghe thành ngữ Nhiều như rươi mà chẳng biết rươi là cái giống gì).
Thế là tôi được tả về con rươi như đoạn mô tả ở trên: Con
rươi trông gần giống một con đỉa lai con rết bởi vì cái thân hình nhũn
nhũn nhưng rất nhiều chân của nó. Khi sống rươi mềm mềm đủ mầu xanh, đỏ,
vàng, xám vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ và sặc mùi tanh tanh đến
khó chịu.
Khiếp thật! Và hú hồn, may là mùa rươi đã qua rồi, chứ nếu còn mà chủ nhà quý khách, đãi món đặc sản này chắc chỉ có nước chào thua chứ làm thế quái nào mà dám ăn.
Thế là tôi yên tâm ngồi chơi, chờ dùng bữa cơm chiều. Đến chiều, trong bữa ăn chủ nhà vồn vã giới thiệu:
- May quá, vẫn còn tìm được tí chả rươi để đãi khách. Về Hải Dương mà không được ăn món rươi thì còn gì là Hải Dương nữa!
Tôi rụng rời, nhìn vào đĩa chả rươi. Không biết là do thực sự hay do tưởng tượng ra mà tôi thấy những cái chân rết và những thân trùn trong đĩa chả. Kinh quá!
Theo đúng phép lịch sự, tôi đành gắp vài miếng chả bỏ vào miệng. Chủ nhà nhìn khách ăn, cười hả hê.
Còn tôi, đã tưởng tượng như thế thì ăn chỉ để mà ăn cho phải phép, làm sao thấy ngon được hở trời?
Đó là chuyện cách đây đã 25 năm, khi tôi chưa đi nhiều, ăn nhiều thứ khác nhau. Lúc ấy cũng chưa có nhiều thông tin trên Internet như bây giờ để giới thiệu những món ngon khắp các miền đất nước.
Tiếc thay, từ ấy đến nay chưa có dịp nào dùng món rươi nữa. Nếu có dịp ghé Hải Dương, sẽ ăn lại món rươi. Lần này chắc chắn sẽ thấy ngon chứ không còn sợ như ngày nào nữa.
À, hình như bây giờ đang là mùa rươi thì phải?
Ông ạ, có hai món mà bài viết không nói tới là mắm rươi và nấu riêu. Gia vị còn có gấc xanh nữa. Vì đón Sở, nên hôm nào tôi viết bài này bạn nhé.
Trả lờiXóaKiểm tra đầu năm mà.