10 thg 2, 2012

Đường xưa lối cũ

Năm 1978-1979 là những năm đầu tiên tôi xa Long Khánh để vào đại học. Trên một chuyến xe bus đến trường, có 2 người ăn xin bước lên xe. Người đàn ông mù, người thiếu nữ dắt tay anh, cất lên tiếng hát: Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo. Đường xưa lối cũ, có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi...

Người thiếu nữ không đẹp, nhưng thật hiền. Giọng ca không điêu luyện, có phần yếu ớt, nhưng da diết sâu thẳm. Không micro, chỉ có tiếng guitar thùng u uất của người đàn ông...

Tôi muốn khóc. Tôi nhớ nhà, tôi nhớ đường xưa lối cũ...



Năm 2009, sau 32 năm xa lìa nhau và xa lìa trường cấp 3, thầy trò cũ của chúng tôi có dịp gặp lại nhau ở Long Khánh ngày xưa. Một người bạn cất tiếng hát:

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi


Cô rưng rưng nước mắt nắm lấy tay thầy, khẽ nói: Ngày xưa, em yêu thích bài hát này...

Thầy và Cô

Thầy và trò

Ngày xưa ấy, hơn 30 năm trước, thầy và cô cùng dạy tôi, chưa cưới nhau. Rồi 2 người cùng xa rời Long Khánh. Rồi giờ đây, tóc của học trò đã điểm bạc, huống chi tóc của thầy cô...

Tôi nhắm mắt, nghe giọng ca ngân dài, ngân dài vào dĩ vãng, hình ảnh đôi nam nữ ăn xin ngày nào trên xe bus hư ảo hiện về....

Từ đó, mỗi lần về Long Khánh, giai điệu buồn của Đường xưa lối cũ cứ vọng mãi trong tôi.

Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi...




Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về

Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời 
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ 

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi 
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi;

Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi;

Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi... 

Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi... 

Phạm Hoài Nhân
2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét