8 thg 2, 2012

Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn

Lê Hựu Hà là một nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh. Chúng ta biết nhiều đến những ca khúc của ông: Tôi muốn, Yêu người yêu đời, Vào hạ... Sáng 11/5/2003 ông được phát hiện đã chết tại nhà riêng trong tình trạng thi hài bắt đầu thối rữa, trong nhà không có ai. Giám định pháp y cho biết ông đã từ trần vào chiều 9/5/2003.


Người bạn tôi hỏi: Sao viết về Biên Hòa nhiều mà không viết về Lê Hựu Hà, một người con của đất Biên Hòa? Tôi không tin, vì đã đọc ở đâu đó lời Lê Hựu Hà: "Tôi là dân Sài Gòn chính gốc. Gia đình rất khó nên không dễ gì đến với âm nhạc. Từ nhỏ đến lớn ông bà già chỉ muốn tôi làm viên chức nhà nước. Thế là tôi trở thành một viên chức ngân hàng mấy chục năm. Tuy nhiên vì yêu âm nhạc từ thuở nhỏ, nên ban ngày thì làm việc, ban đêm tôi lén học nhạc, rồi làm nhạc công ở các club và sau đó chính thức hoạt động âm nhạc chủ yếu ở lĩnh vực biểu diễn. Còn sáng tác ca khúc, trước tiên tôi viết cho chính tôi. Tôi dùng âm nhạc để giải toả những tình cảm khi vui, khi buồn của chính mình".

Bạn tôi khẳng định: "Lê Hựu Hà sinh ở Biên Hòa, lúc nhỏ học ở trường tiểu học Nguyễn Du, vì chính má tôi là cô giáo dạy Lê Hựu Hà ở đó".


Rồi tôi tìm ra thông tin: Nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh ngày 5 tháng 6 năm 1946 tại làng Bình Ý, Công Thanh, Biên Hòa, là anh cả trong một gia đình 3 trai và 2 gái. Đã theo thân sinh là ông Lê Hữu Khoẻ xuống Sài Gòn lập nghiệp.

Vâng, vậy là nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh ra và trải qua thời niên thiếu ở Biên Hòa (nay nơi đó là huyện Vĩnh Cửu, thuộc tỉnh Đồng Nai), nhưng gần trọn cuộc đời ông đã gắn với Sài Gòn.

Tôi xin mượn lời trong website của nhạc sĩ Trần Quang Hải (trưởng nam của giáo sư Trần văn Khê) để giới thiệu tiểu sử của Lê Hựu Hà:

LÊ HỰU HÀ
(1946-2003)



Nhạc sĩ Lê Hựu Hà - tác giả của một loạt ca khúc: Vào hạ, Hãy yêu như chưa yêu lần nào, Yêu em, Hãy vui lên bạn ơi... đột ngột ra đi vào lúc 8 giờ ngày 11/5 tại căn nhà của mình nằm trong hẻm 98 Hồ Hảo Hớn, Q.1, TP.HCM.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh năm 1946, được nhiều nhạc sĩ đi trước đánh giá là một trong những người Việt hoá nhạc trẻ Âu Mỹ đầu tiên. Anh bắt đầu hoạt động âm nhạc có thể tính từ năm 1965 với ban nhạc Hải Âu tại Đại hội nhạc trẻ Taberd. Đến đầu thập niên 1970 anh nổi lên cùng với ban nhạc Phượng Hoàng. Các ca khúc do anh sáng tác được phổ biến lúc này là: Tôi muốn, Lời người điên, Hãy nhìn xuống chân...

Sau khi Phượng Hoàng tan rã, anh thành lập ban Mây Trắng và tung ra ca khúc mới như: Hãy ngước mặt nhìn đời, Đôi khi ta muốn khóc. Sau năm 1975, ban Hy Vọng (gồm Mạnh Tuấn, Huỳnh Hiệp, Bảo Chân, Lý Được, Minh Hải, Quốc Dũng và các ca sĩ Sĩ Thanh, Tuyết Loan, Trang Kim Yến) của Lê Hựu Hà là lực lượng hùng hậu nhất so với các ban nhạc đương thời. Phiêu Bồng là địa chỉ cuối cùng của Lê Hựu Hà hoạt động dưới hình thức ban nhạc.

Không chỉ sáng tác các ca khúc có giai điệu, tiết tấu hiện đại của nhạc trẻ Phương Tây, nhạc sĩ Lê Hựu Hà còn là một trong những nhạc sĩ khá chuyên tâm trong việc dịch chuyển, biên soạn lời Việt cho các ca khúc quốc tế, anh đã viết lời Việt khoảng gần 100 ca khúc, nổi tiếng có bản: Đồng xanh, Những lời dối gian, Ngày hôm qua, Không có em...

Một Chốn Riêng Của Lê Hựu Hà

Ở Sài Gòn, vào văm 1958, những cuộc trò chuyện về âm nhạc say mê đến hàng giờ của ba gã học sinh Trường Kỳ, Nam Lộc và Lê Hựu Hà có thể coi là trang mở đầu của cuốn lịch sử pop – rock Việt Nam về sau này.

Tại sao có một loại nhạc mà tiết điệu của nó lại trẻ trung đến thế? Tại sao nó có những lối trình bày ca khúc lại phóng khoáng và tự do đến thế? Tại sao âm nhạc Việt Nam cứ mãi bám với lối hát, với ca khúc chậm rãi và đều đều như vậy? Tại sao…? Những câu hỏi như thế cứ vây quanh cậu học sinh Lê Hựu Hà nhưng dường như không có ai có thể trả lời vào lúc ấy. Hơn bao giờ hết, những câu chuyện về Paul Anka với album Diana hay Brenda Lee với Sweet nothing, I'm in mood for love… đã bán được một triệu đĩa ở tuổi 15 đã theo vào giấc mộng của Lê Hựu Hà hằng đêm. Âm thầm từ đó, những ca khúc nhạc trẻ đầu tay của Hựu Hà đã ra đời vào năm 17 tuổi. Nhưng dĩ nhiên, anh chỉ dám hát riêng cho mình cho đến khi lập ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu, thì một vài ca khúc ấy mới được thể nghiệm với dàn nhạc điện tử. Đây cũng là một ban nhạc trẻ có khuynh hướng Việt hóa pop – rock với một nữ ca sĩ trẻ (lúc đó còn đang học lớp 11), sau này cũng đã trở thành một trong những ca sĩ rất nổi tiếng của Việt Nam – đó là Thanh Lan.

Mãi cho đến năm 1966, ban Hải Âu của Lê Hựu Hà mới có dịp trình làng với công chúng trẻ qua đại nhạc hội học sinh – sinh viên ở Trường Taberd. Tuy không gây tiếng vang như các ban Les Fanatics của Công Thành, Spotlights của Tuấn Ngọc, Les Vampires của Đức Huy… nhưng Lê Hựu Hà đã làm giới trẻ Sài Gòn lúc đó bất ngờ về một khái niệm còn rất mới: người Việt vẫn có thể tạo ra cho một lối chơi pop – rock của riêng mình. Năm 1970, Hựu Hà lập ban Phượng Hoàng cũng với phong cách đó, mà lúc bắt đầu được mọi người hào hứng đón nhận. Phong cách này như được chắp cánh với sự tham gia của Nguyễn Trung Cang và Elvis Phương.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Lê Hựu Hà tiếp tục niềm say mê của mình, tuy có chựng lại ít nhiều. Các tác phẩm của anh vẫn thầm lặng ra đời. Và dù thời gian đã đi qua suốt các chặng đường nhiều đổi thay của nhạc trẻ với rock'n 'roll rồi swinging pop… cho đến heavy rock, grunge…, nhạc sĩ Lê Hựu Hà vẫn trung thành với phong cách mà anh đã chọn. Vì vậy, trong thế giới âm nhạc riêng của người Việt, vẫn có đâu đó một góc nhỏ rất riêng của nhạc sĩ Lê Hựu Hà.


Thông tin cuối cùng về Lê Hựu Hà có liên quan đến Đồng Nai: Ông được an táng tại nghĩa trang xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, kề cận mộ thân phụ ông.

Như vậy nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh ra và an nghỉ ngàn thu trên mảnh đất Biên Hòa, Đồng Nai.



Mộ Lê Hựu Hà ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Ảnh: Trần Đăng Chí 

Âm nhạc của ông vẫn sống mãi với mọi người, mọi nơi.Hãy cùng nghe lại ca khúc Tôi muốn của Lê Hựu Hà, bạn nhé:


Phạm Hoài Nhân

2012

4 nhận xét:

  1. chào chú,

    vậy thì tại sao phải nhận làm người "chính gốc Sài Gòn"? Nghe qua thì không thích ông lắm .

    Trả lờiXóa
  2. Có lẽ khi nhạc sĩ Lê Hựu Hà nói thế ông chỉ nghĩ đến quãng đời làm âm nhạc của mình thôi.
    :-)

    Trả lờiXóa
  3. Em nghĩ có lẽ theo cha xuống Sài Gòn từ rất bé và cũng sống trọn đời mình ở đó nên nhạc sĩ mới nhận mình là người " chính gốc Sài Gòn" chăng?

    Trả lờiXóa
  4. Chào anh ! anh có thể hỗ trợ tôi được không ạ. tôi muốn biết về nơi yên nghỉ cuối cùng của nhạc sĩ Lê hựu Hà ạ

    Trả lờiXóa