25 thg 3, 2013

Tản mạn boléro

9 giờ tối thứ Bảy, anh gọi điện rủ tôi đi uống cà phê. Có lẽ để xả stress sau một tuần mệt nhọc làm việc. Lan man đủ thứ về văn chương, về xã hội, về kinh doanh, câu chuyện chuyển sang chủ đề âm nhạc. Quán cà phê đang mở nhạc Trịnh.


Anh nói:
  • Tôi thích nhạc Trịnh, nhưng cũng thích những bài bolero mà người ta thường gọi là nhạc sến. Người ta thường nói đó là nhạc rẻ tiền,  nhưng hãy nghe kỹ mà xem, những lời ca thật đẹp mà đậm chất nhân văn.
Anh thí dụ bằng những ca khúc của Trầm Tử Thiêng. Anh nhầm lẫn rằng Trầm Tử Thiêng và Trần Thiện Thanh là một, và nhắc tôi rằng Trầm Tử Thiêng quê ở Quảng Nam (hì, đó là quê anh - thật ra , Trầm Tử Thiêng quê ở Đại Lộc, Quảng Nam, còn Trần Thiện Thanh quê ở Phan Thiết).

Từ Chuyện một chiếc cầu đã gãy (tôi lẩm nhẩm hát theo)

Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường
Áo trắng về trắng cầu quê hương
mỗi lần chiều tan trường 


Sang Đưa em vào hạ

Mùa hạ qua mau đi nữa đi anh trên con đường quê hương mịt mùng
Thương những chiều nắng dọi bờ sông

Đến Năm cụm núi quê hương (đến đây anh lại nhầm nữa, đây là một bài hát về Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng tác giả là Minh Kỳ)

Anh mất đi bàn tay nhưng còn quê hương yên lành
Một ngón tay dâng một cụm ngũ hành

Rồi đến Tạ từ trong đêm.

Anh nhắc  . 
  • Anh biết bài Tạ từ trong đêm không? Tôi chưa thấy bài hát nào nói về chiến tranh, về tình yêu mà mang đầy tính nhân văn như vậy. Hãy nghe đoạn này:
Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về
Mang lời thề lên miền sơn khê
Từng đêm địa đầu hun hút gió sâu
Nếu em đã gặp mẹ già thương con
Khấn nguyện đêm rằm
Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông
Thì duyên tình mình có nghĩa gì không?

thì duyên tình mình có nghĩa gì không - giữa bao nhiêu kiếp người trong thời đao binh loạn lạc.

Nhất là đoạn kết, càng ngẫm càng thấy thấm đẫm tình người

Nếu anh có về khi tàn chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em

Anh về khi tàn chinh chiến, em mừng vui lắm, nhưng em ơi xin hãy che giấu nỗi mừng vui vì bạn bè anh bao người đã ra đi vĩnh viễn. Nghe mà bùi ngùi, chua xót. Tôi chưa thấy bài hát cách mạng nào đầy tính nhân văn như vậy.

Có lẽ anh hơi cực đoan, tôi nhớ đến bài Màu hoa đỏ (Trọng Tấn – thơ Hồng Xương Long):

Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hoá bóng cây che
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo

Hay bài Mùa Xuân (Phạm Minh Tuấn – thơ Elena Supơman)

Anh người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng dãi dầu
Anh người chiến sĩ và chiếc áo  mưa nắng bạc màu
Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím và anh nói tặng em mùa xuân

Nhưng điều đó không quan trọng, quả thật Tạ từ trong đêm là một ca khúc rất hay, ca từ đầy tính nhân văn và dạt dào cảm xúc.

Năm 1965, bài hát này đã nhận giải thưởng Bài hát xuất sắc nhất trong năm (của VNCH), cùng với Phương Dung – ca sĩ thể hiện bài hát – dành huy chương vàng nữ ca sĩ xuất sắc nhất trong năm.


Phạm Hoài Nhân
12/04/2010

5 nhận xét:

  1. Anh là ai? Và quán nào vậy ba?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh là 1.
      Quán cafe Thằng Bờm. Biên Hòa.
      Lâu rồi, 12/04/2010 kia mà...

      Xóa
  2. nông dân Long Khánhlúc 22:06 8 tháng 5, 2013

    Cảm ơn chủ nhân bài viết,sau khi đọc xong mới phát hiện ra ở câu cuối bài hát,thật tuyệt ,nhạc vàng vì vậy mới sống mãi đến bây giờ,có những lúc nông dân này đi ngang một quán cà phê chợt nghe vẳng ra lời nhạc mà cứ ngỡ mình đang sống lại thời gian 38 năm trước!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn.
      Mình khá dị ứng với các bài hát tuyên truyền một cách hung hăng: đạp trên xác thù, lướt trên đầu thù...
      Nghe lỗ mãng quá chừng!

      Xóa
    2. Vâng!có phải vì vậy mà thằng con tôi nó học dở môn văn(lớp 7),tôi muốn tìm sách truyện dể cho nó đọc mà tìm không có tác giả nào gây say mê đọc giả như thuở tôi còn nhỏ(chỉ có vài tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh}

      Xóa