19 thg 1, 2012

Chiều xưa có ngọn trúc đào

Chắc nhiều người trong chúng ta biết và yêu thích bài hát Ngọn trúc đào do Anh Bằng phổ nhạc


Nhưng bài thơ gốc để Anh Bằng phổ nhạc là bài Trúc Đào của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên thì có lẽ ít người biết hơn.

Lời bài hát như vầy:

Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Chiều thu gió lạnh êm đềm
Mùa thu lá rụng cho mềm chân em

Tại vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn
Nhìn vầng trăng sáng lung linh
Nhìn em mười sáu như cành hoa lê

Rồi mùa thu ấy qua đi
Chợt em mười tám chợt nghe lạnh lùng
Thuyền đành xa bến sang sông
Hàng cấy trút lá tình đi lấy chồng

Chiều nay nhớ ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Người đi biết về phương nào
Bỏ ta với ngọn trúc đào bơ vơ. 

Bài thơ Trúc đào như vầy:

trời nào đã tạnh cơn mưa
mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn?

nhà người, tôi quyết không sang
thù người, tôi những đêm nằm nghiến răng
quên người – nhất định tôi quên!
mà sao gặp lại còn kiên nhẫn chào?

chiều xưa có ngọn trúc đào
mùa thu lá rụng bay vào sân em
mùa thu lá rụng êm đềm
như cô với cậu cười duyên dại khờ

bởi vì hai đứa ngây thơ
tình tôi dạo ấy là… ngơ ngẩn nhìn!
thế rồi, trăng sáng lung linh
em mười sáu tuổi giận hờn vu vơ

sang năm mười bảy, không ngờ
tình tôi nít nhỏ ngồi mơ cũng thừa!
tôi mười bảy tuổi buồn chưa
đầu niên học mới dầm mưa cả ngày!

chiều này ngang cổng nhà ai
nhủ lòng, tôi chỉ nhìn cây trúc đào!
nhưng mà không hiểu vì sao
gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?!

Ý của bài hát và bài thơ không giống nhau. Bài hát gợi lên hoài niệm về một mối tình thơ ngây đã thành vô vọng, còn bài thơ nói lên nỗi giận hờn vu vơ hơi trẻ con. (Nguyễn Tất Nhiên sáng tác bài thơ năm 1973, khi ông 21 tuổi).

Dù ý tứ khác nhau, nhưng cả bài hát và bài thơ đều có điểm chung là... hay!

Cũng bởi vì hay, nên Hai Ẩu dù chưa biết cây trúc đào ra sao cũng ráng đi tìm cho biết để thỏa lòng ngưỡng mộ. Và cây trúc đào nó như thế này:

Trúc đào - Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, trên Wikipedia

Thông tin thêm về cây trúc đào mới là... hết hồn:

Trúc đào là một trong những loài thực vật có độc tính cao nhất và chứa nhiều hợp chất có độc, nhiều hợp chất trong số này có thể gây tử vong ở người, đặc biệt là trẻ em. Độc tính của trúc đào được coi là cực kỳ cao và đã có nhiều thông báo cho thấy trong một số trường hợp chỉ cần một lượng nhỏ cũng đã đủ gây hậu quả tử vong hay cận kề tử vong.

Người ta cho rằng chỉ cần ăn phải từ 10-20 lá trúc đào thì một người lớn cũng có thể bị nguy hiểm đến tính mạng và chỉ cần 1 chiếc lá cũng có thể gây tử vong ở trẻ em. (Wikipedia)

Đàng nào thì Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ và Anh Bằng đã viết nhạc rất thơ mộng về ngọn trúc đào rồi. Chớ nếu không, gặp phải nhà thơ Hai Ẩu thì bài thơ Trúc đào đã thành ra:

Chiều xưa có ngọn trúc đào
và anh lỡ dại, ăn vào chết toi!

Hai Ẩu

3 nhận xét:

  1. Thú vị. Cám ơn chủ trang Phạm Hoài Nhân va nhà thơ Hai Ẩu (Trần Thập Nhất)

    Trả lờiXóa
  2. mình nhớ còn hai câu cuối
    Đò qua sông chuyến đầu ngày
    Người qua sông mặc áo dài buông eo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã bổ sung. Tôi chưa biết 2 câu này.

      Xóa