29 thg 11, 2014

Ngày xưa, duyên nước tình trăng...

Bản nhạc Duyên nước tình trăng này ba mua hồi năm 1957.

Hồi đó ba chưa cưới má (không biết đã yêu chưa, lúc đó ba 21 tuổi, má mới 17 tuổi...)

27 thg 11, 2014

Cù lao Ông Hổ

An Giang có rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn: núi Cấm, núi Sam, đồi Tức Dụp, rừng Tràm Trà Sư, núi Ba Thê... nhưng hầu hết đều ở xa, cách thành phố Long Xuyên từ vài chục đến hàng trăm cây số. Còn ở ngay thành phố Long Xuyên, hình như chỉ có cù lao Ông Hổ.

Chính vì vậy, những khi có dịp đến Long Xuyên, An Giang mà không có nhiều thời giờ thì tôi chỉ có đi lang thang ra cù lao Ông Hổ mà thôi. Và thú thiệt, đã ra đó không biết bao nhiêu lần!

Nét đặc sắc khiến du lịch An Giang khác hẳn các tỉnh miền Tây Nam bộ khác là ở đây có núi. Thất Sơn huyền bí luôn hấp dẫn khách phương xa. Thêm vào đó là những khu rừng tràm mênh mông mùa nước nổi. Cù lao Ông Hổ thì không có những nét đặc sắc đó, vì nó ở ngay thành phố, thế nhưng đến đây cũng... đỡ ghiền!




26 thg 11, 2014

Mình tôi lang thang, đi tìm lá diêu bông

Tui về quê. Quê tui là một thị trấn nhỏ đìu hiu, nhưng không vì thế mà không có mạng wi-fi. Dân cư ở đây tuy nghèo, đa số làm nông nghiệp, nhưng không vì thế mà không xài smartphone. Còn tui, dân thành phố, tất nhiên smartphone là vật bất ly thân rồi. Vậy nên dù về vùng quê hẻo lánh tui vẫn có thể kết nối cùng bè bạn thị thành qua smartphone, ngày ngày lướt Facebook, chát chít, và chụp ảnh quê nhà post lên mạng cho tụi bạn nó nghía.

Ảnh minh họa - chỉ có tính chất đánh lừa người đọc. 

Về lý thuyết thì mọi chuyện thuận lợi là vậy, nhưng thực tế lại có vấn đề. Ở nhà tui nơi quê chỉ có 2 ông bà già là ba má tui, 2 người ngày ngày chăm đàn gà, vườn bông trước nhà, tối coi ti-vi, buồn buồn thì gọi điện cho con cháu. Họ không hề cần đến wifi làm gì, vì không lướt web để đọc tin tức (coi TV đủ rồi), cũng chẳng có tài khoản Facebook để mà vô đó post hình tự sướng. Trong hoàn cảnh đó, đương nhiên là ở nhà chẳng hề lắp đặt mạng wifi chi cho tốn tiền thuê bao.

24 thg 11, 2014

Đền Ấn Độ Administ Pagode Chetty ở Sài Gòn

Giữa thế kỷ 19, người Pháp chiếm đóng Nam kỳ lục tỉnh. Đến cuối thế kỷ này họ đưa người Ấn Độ ở nhượng địa của mình đến để tham gia công việc kinh doanh. Những người Ấn này có 2 nhóm chính: một nhóm gốc người Bombay, Delhi, Benares thường kinh doanh vải sợi, người Việt thường gọi là Chà Bombay; nhóm còn lại là người Tamil ở Nam Ấn thuộc cộng đồng người Chetty thường cho vay và kinh doanh địa ốc, người Việt thường gọi là Chà Chetty.

Chính những người Chà Chetty này đã xây dựng nên những ngôi đền Ấn Độ nguy nga ở Sài Gòn để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của mình từ cuối thế kỷ 19. Hiện nay ở TPHCM còn 3 ngôi đền Ấn Độ.

Ngôi đền Ấn Độ ở 66 Tôn Thất Thiệp, quận 1 có tên là Administ Pagode Chetty. Đền này thờ thần Murugan là tên của thần Subramaniam Swami lúc trẻ, ngoài ra còn thờ các vị thần khác của đạo Hindu như Shiva, Vishnu, Brahma... (Chữ ghi trên cửa đền là Sri. Thendy Yutthapani)


Chùa Ấn giáo ở 66 Tôn Thất Thiệp

21 thg 11, 2014

Bánh cúng - bánh cấp


Các bạn có biết 2 thứ bánh trong hình trên là bánh gì không?

Đó là loại bánh làm bằng nếp giống như bánh tét, bánh chưng nhưng không có nhân, và kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Chúng có tên là bánh cúng (cái bánh dài) và bánh cấp (cái hình chữ nhật).

Theo giải thích của TS Huỳnh văn Tới, đây là loại bánh dân gian của người Chăm dùng vào dịp cúng lễ. Ý nghĩa của chúng là dùng sản vật tinh khiết tự nhiên của đất trời để dâng cúng, do đó chỉ có nếp thôi chứ không có... thịt mỡ như bánh tét của ta. Ăn bánh này chấm với mật ong (cũng là sản vật tinh khiết tự nhiên).

19 thg 11, 2014

Mất dạy

Trong ngày 20/11 mà chửi ai đó mất dạy thì đúng là… lưu manh!

Nhưng không sao, vì "mất dạy" ở đây chẳng phải chửi, và "đối tượng mất dạy" chính là tui, do đó chả xúc phạm đến ai! 


Có tay thầy bói nào đó nói rằng tui có số làm thầy giáo.

Coi vậy mà đúng, dù tui chưa ngày nào qua trường lớp sư phạm, và hầu như không có triệu chứng nào cho thấy sẽ làm thầy giáo.

Vĩnh viễn cô đơn

Tui là một chàng FA. FA là gì hả? Thôi, đừng giả nai để chọc quê tui nha. Mà có muốn chọc quê cũng chả sao, đời mình đã FA rồi thì có sao cũng mặc kệ. FA là cô đơn, hổng có dzợ mà cũng hổng có bồ, một thân một mình thôi. Còn nếu truy nguyên từ gốc thì nó còn dã man hơn con ngan nữa, FA là forever alone, nghĩa là không chỉ cô đơn mà còn cô đơn vĩnh viễn!

Ngẫm phận mình, tui thấy gọi là FA – forever alone mới thiệt là chính xác, chứ nếu chỉ có alone không thôi thì chưa bộc lộ hết cái ý nghĩa thâm thúy cao xa đối với những anh chàng có hoàn cảnh như tui. Để tui kể cho nghe vì sao nha!




18 thg 11, 2014

Tam Tạng bán sách

Tam Tạng là một trong những nhà phát hành sách lâu năm nhất trên thế giới. Cơ duyên bắt đầu từ lúc ông bỏ mười mấy năm trời đi thỉnh kinh Phật từ Tây Trúc về để biên dịch và phát hành tại Trung Hoa. Từ kinh nghiệm thỉnh kinh, Tam Tạng cùng các đệ tử mở ra công ty phát hành sách, trước là phổ biến văn hóa đến đại chúng, sau là có thu nhập để thầy trò cùng sống.


Công việc lúc đầu rất tốt, thế nhưng rồi trăm thứ khó khăn ập đến. Giá giấy, chi phí in ấn ngày càng cao, tiền bản quyền tác giả, phí xuất bản cũng không phải là thấp. Thế mà sách in ra chẳng mấy ai mua, hàng tồn kho chất đống, chất đống. Tóm lại là chi ra thì có mà thu vô thì không. Công ty lỗ vốn trầm trọng.

17 thg 11, 2014

Hoa trinh nữ

Hoa trinh nữ là tên một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mà chắc nhiều người biết:

Hoa Trinh Nữ không mặn mà bằng nàng hồng kiêu sa 
Hoa đâu dám khoe màu cùng một nàng cúc vàng tươi 
Hoa không bán hương thơm như nàng dạ lý trong vườn
Nhưng hoa Trinh Nữ đẹp tựa chuyện tình hai chúng ta



Loài hoa không hương không sắc màu
nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ 


Dưới cặp mắt nghệ thuật của các tay săn ảnh thì hoa trinh nữ đẹp lung linh như vầy:


16 thg 11, 2014

Tôi hát bài ca ngợi ca cây... cà phê!

Ở Việt Nam, cây được người ta ăn nhiều nhất là cây lúa. Dĩ nhiên không phải nhai sống cây lúa, mà là ăn những thành phẩm của nó: cơm, cháo, cốm...

Còn cái cây được người ta uống nhiều nhất có lẽ là cây cà phê. Cà phê đen, cà phê đá, cà phê sữa... Có thể nếu tính theo dung tích thì người ta uống bia nhiều hơn, nhưng tính theo số lần uống thí ắt là cà phê nhiều hơn. Vả lại, không nên kể bia vô đây vì nó không phải cây Việt Nam.

Cây cà phê

13 thg 11, 2014

Bún mắm cua Gia Lai

Gia Lai có 2 món ăn nổi tiếng là phở khô và bún mắm cua. Phở khô Gia Lai đã được vinh danh là món ăn đặc sắc của châu Á, và hiện nay ở Sài Gòn bạn cũng có thể thưởng thức món ăn này. Thế nhưng món bún mắm cua thì bạn phải ra tận Pleiku mới được ăn, không thể kiếm ở đâu khác được.

Bún mắm cua nổi tiếng là... thúi, ở xa đã nghe mùi chịu không nổi rồi, nhiều người không ngửi được, làm sao mà ăn?

Quả là danh bất hư truyền, chưa ăn mà mùi bún mắm đã làm xao xuyến lòng người rồi. Theo tui, mùi bún mắm cua không những thúi mà còn... khai nữa. Nhưng bình tĩnh đi nè, có người chê sầu riêng thúi hoắc, ăn không được nhưng mà nó ngon bá phát luôn mà. Bún mắm cua cũng vậy, sẽ có những người ăn không được, ta hãy tiếc dùm cho họ vì món này ăn thiệt là quá đã!

Tô bún mắm cua chỉ thế này thôi:


Bún mắm cua. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

7 thg 11, 2014

Tản mạn cà phê Hà Nội

Tui nhớ năm 1986 lần đầu tiên ra Hà Nội, thèm cà phê đi tìm hoài mà không thấy. Đến khi tìm được quán rồi thì lại ngơ ngẩn khi chủ quán hỏi: Đen hay nâu?, bởi từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ ở trong Nam chỉ biết tới cà phê đen chớ làm gì có cà phê nâu? Còn đến khi uống cà phê thì hỡi ơi, nó nhạt thếch chán phèo. Chưa hết, khi uống ly cà phê đen xong thì không có nước trà uống. Muốn uống trà thì phải kêu thêm và phải trả thêm tiền (và nhớ phải gọi là chè chứ không phải là trà nghen!). Về Nam, tui khẳng định với mọi người: Hà Nội không biết uống cà phê, chỉ biết uống chè thôi!

Khoảng năm 1999, tui nhớ rằng khi ra Hà Nội uống cà phê xong muốn uống trà vẫn phải gọi thêm một ly trà và tính thêm tiền.

Không biết thói quen ấy thay đổi từ bao giờ, nhưng từ năm 2000 trở về sau uống cà phê ở Hà Nội cũng giống như ở Sài Gòn. Chất lượng cà phê, phong cách phục vụ, không gian quán, mặt bằng giá đều tương tự. Tương tự thôi, chứ Hà Nội vẫn là... Hà Nội, không phải Sài Gòn. Thí dụ, có lần uống cà phê Wifi ở Hà Nội, tui hỏi người phục vụ hotspot nào và password. Hắn chỉ một hotspot và bảo: Cái này khỏe hơn ạ! Ơ, tui mất mấy giây để hiểu rằng câu này tương tự như câu: Cái này mạnh hơn! ở Sài Gòn.

Quán cà phê ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Lê Hồng Phong, Hà Nội

5 thg 11, 2014

Đi Hà Nội cũng không tốn nhiều tiền lắm đâu bạn!

Trong vòng một tháng tôi có 2 chuyến ra Hà Nội. Một lần là đi công tác, lần còn lại là... đi chơi.

Chuyến đi công tác cùng các bạn doanh nhân đồng nghiệp được thực hiện như bao nhiêu lần đi công tác khác. Mua vé máy bay từ Vietnam Airlines trước 2 ngày, giá vé là 2.250.000 đ/người/lượt, cộng thêm tiền thuế và phí là 2.580.000 đ. Từ sân bay Nội Bài đi taxi vào Hà Nội 380.000 đ. Ở khách sạn 3 sao, 1.000.000 đ/đêm. Đến đâu cũng đều lên taxi, giá bình quân 100.000 đ một cuốc. Ăn uống ở những nhà hàng sang trọng, như nhà hàng du thuyền Potomac trên Hồ Tây, Hot Rock ở Giảng Võ... Chuyến về cũng thế, taxi từ Hà Nội ra Nội Bài và vé máy bay tương tự.

Lần sau dắt cậu con trai đi cho biết Hà Nội, chi phí khác hẳn. Vé máy bay mua trước 10 ngày từ hãng máy bay giá rẻ VietJet Air là 699.000 đ/người/lượt, công thêm phí linh tinh khoảng 850.000 đ (đấy là mua vé bình thường chứ không phải săn giá rẻ nhé, nếu chịu khó săn giá rẻ thì còn rẻ hơn nhiều). Giá của VietJet Air thay đổi theo mùa trong năm, và vào mùa thu là mùa ra Hà Nội rất thú vị, trời mát mẻ, cảnh nên thơ thì... giá là rẻ nhất, nếu bây giờ bạn mua thì giá cũng rẻ nhưng là 900.000 đ/người/lượt. Chưa đến 1/3 so với giá nêu ở trên đó bạn!

3 thg 11, 2014

Con phố ngắn nhất Hà Nội

À, xin nói thêm một chút: ở Hà Nội thì phố tức là đường ở miền Nam, nhỏ hơn phố là ngõ (trong Nam gọi là hẽm), nhỏ hơn ngõ là ngách (trong Nam hình như không có danh từ tương đương!). Như vậy được mang tên phố ắt phải là con đường khá rộng lớn.

Người ta nói rằng con phố ngắn nhất Hà Nội chỉ dài 45 met, thế nhưng khi đến đấy tôi có cảm giác nó chỉ dài 30 met là cùng, nếu tính từ vạch qua đường đầu này đến vạch qua đường đầu kia.

Con phố ngắn nhất ấy mang cái tên không hề khiêm tốn như độ dài của nó: phố Hồ Hoàn Kiếm!

Phố Hồ Hoàn Kiếm bắt đầu từ phố Cầu Gỗ và đâm thẳng ra Bờ Hồ (phố Đinh Tiên Hoàng) như trên bản đồ Google này:(chú ý rằng vì con phố quá ngắn nên khi xem phải phóng to bản đồ ra mới thấy)

2 thg 11, 2014

Nhà thờ lớn Hà Nội

Nhà thờ Lớn Hà Nội là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của Tổng Giám mục, tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse

Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng năm 1884 - 1888 trên nền cũ của một ngôi chùa lớn có tên là chùa Báo Thiên. Ngôi nhà thờ tọa lạc tại 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Gần kề nhà thờ Lớn là tòa Tổng Giám mục, Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Dòng Mến Thánh giá Hà Nội. Khu vực này có nhiều cơ sở công giáo như vậy nên chẳng lạ khi có một con đường mang tên Nhà Chung và một con đường mang tên Nhà Thờ.

Nhà thờ chính tòa Hà Nội xây dựng sau Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn 8 năm, nhưng trông cũ kỹ hơn nhiều. Dường như phần bên ngoài của nhà thờ không được tu bổ.