Bún mắm cua nổi tiếng là... thúi, ở xa đã nghe mùi chịu không nổi rồi, nhiều người không ngửi được, làm sao mà ăn?
Quả là danh bất hư truyền, chưa ăn mà mùi bún mắm đã làm xao xuyến lòng người rồi. Theo tui, mùi bún mắm cua không những thúi mà còn... khai nữa. Nhưng bình tĩnh đi nè, có người chê sầu riêng thúi hoắc, ăn không được nhưng mà nó ngon bá phát luôn mà. Bún mắm cua cũng vậy, sẽ có những người ăn không được, ta hãy tiếc dùm cho họ vì món này ăn thiệt là quá đã!
Tô bún mắm cua chỉ thế này thôi:
Bún mắm cua. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Bún, măng le, vài miếng da heo chiên giòn (hoặc bánh phồng tôm), rau sống và nước dùng. Nước dùng đen sánh làm từ cua đồng giã nhuyễn và ủ cho lên men chính là nhân tố chủ yếu của món ăn này, đó cũng chính là nhân tố tạo nên mùi... thơm và vị ngon đặc trưng của món ăn này.
Tui xin mượn bài của bạn Lê Vi Thủy trên trang Pleikucafe để tả chi tiết hơn về món bún mắm cua độc đáo này:
Bún mắm cua là một đặc sản của phố núi Pleiku, xuất hiện khoảng hơn mười năm trở lại đây. Món bún mắm cua rất đặc biệt, ai chưa biết ăn thì chỉ cần thoáng nghe mùi là không chịu nổi, cố chạy thật nhanh nhưng khi đã quen rồi thì nó trở thành món không thể thiếu, khi đi xa chỉ muốn trở về nhà và được thưởng thức hương vị của món bún mắm cua mà thôi.
Bún mắm cua được bán rải rác khắp thành phố Pleiku, nhưng đặc biệt ngon và xuất hiện lâu nhất của thành phố này là bún mắm cua chợ Nhỏ nằm trên đường Phùng Hưng. Ai đến Pleiku cũng muốn được thưởng thức một lần hương vị khó quên này.
Bún mắm cua. Ảnh: Lê Vi Thủy
Nguyên liệu để tạo ra món bún mắm cua rất đa dạng: cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, da heo chiên giòn (hoặc dùng bánh phồng tôm) ngoài những nguyên liệu trên còn có các gia vị như ớt, mắm nêm, chả hoặc nem và các loại rau ăn kèm như: giá, bắp chuối, xà lách, ngổ, kinh giới và các loại rau thơm… Cua đồng là một thành phần quan trọng, chủ đạo của món ăn này; thường thì vào mùa mưa cua đồng sẽ nhiều và thịt chắc hơn mùa khô.
Cua đồng mua về được rửa sạch để loại bỏ chất bẩn. Sau đó, cua đồng được nhúng sơ qua nước sôi (không để chín, chỉ để cho cua “ngất’ đi không kẹp vào người làm) và được bóc bỏ mai đi, chỉ lấy phần thịt còn lại đem giã nhuyễn (hoặc xay nhuyễn bằng máy) rồi lọc lấy nước, tùy theo lượng cua mà nước lấy được nhiều hay ít. Đem ủ nước cua vừa lọc khoảng 1 ngày cho lên men chua (đây chính là nước dùng). Khi nước cua đã đủ độ chua thì được đem chế biến thành món bún mắm cua.
Tiếp đến phi hành tỏi rồi cho thịt ba chỉ vào xào cho tới thịt săn lại, cho hạt nêm và các gia vị khác vào, sau đó đổ nước cua đã được làm chua vào khi nước bắt đầu sôi lên thì măng đã xắt mỏng được bỏ vào; thời gian đun càng lâu thì mắm càng thắm, sẽ càng ngon.
Sau khi đã hoàn tất các công đoạn chế biến, bún được xếp vào tô lượng vừa phải sau đó chan nước mắm cua vào kèm theo măng và ba chỉ bỏ một ít da heo chiên dòn lên trên (bánh phồng tôm), ớt và mắm nêm là gia vị không thể thiếu.
Khi đưa vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được ở đầu lưỡi vị mặn của mắm, vị thơm của các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da heo… tất cả hòa quyện với nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn. Ăn món này bạn phải ăn ít nhất hai tô mà miệng vẫn còn thòm thèm muốn ăn nữa!
Lê Vi Thủy
À quên, còn một điều cần nhắc nữa là món này phải ăn thật cay. Cay xé lưỡi, xé lòng. Ăn xong, vị nồng của nước cua, vị nồng của ớt sẽ làm bạn lưu luyến mãi. Xa Pleiku, bạn sẽ nhớ mãi món bún mắm cua "còn ta với nồng nàn"!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét