Còn cái cây được người ta uống nhiều nhất có lẽ là cây cà phê. Cà phê đen, cà phê đá, cà phê sữa... Có thể nếu tính theo dung tích thì người ta uống bia nhiều hơn, nhưng tính theo số lần uống thí ắt là cà phê nhiều hơn. Vả lại, không nên kể bia vô đây vì nó không phải cây Việt Nam.
Cây cà phê
Từ cây lúa đến chén cơm trải qua nhiều công đoạn: gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, phơi lúa, gánh lúa, giã gạo,... Tất cả các công đoạn này ít nhiều đều được đưa vào thơ ca, âm nhạc, hội họa... Như trong âm nhạc, ta có bài Gạo trắng trăng thanh của Hoàng Thi Thơ, Tiếng chày trên sóc Bom Bo của Xuân Hồng (giã gạo), Khúc ca ngày mùa của Lam Phương (gặt lúa), Gánh lúa của Phạm Duy (gánh lúa), Lúa về đêm trăng của Phạm Thế Mỹ (lúa mùa đơm bông, giã gạo...)... Các thành phần của cây lúa như mạ, bông lúa, rơm, rạ... cũng đều được vô bài hát, như: Hương tóc mạ non (mạ), Hát về cây lúa hôm nay (cây lúa),...
Cà phê cũng phải qua rất nhiều công đoạn để trở thành ly cà phê cho người ta nhâm nhi. Trồng cà phê, tưới cà phê, hái cà phê, phơi cà phê, rang cà phê, xay cà phê, và... pha cà phê. Cây cà phê cũng có nhiều thành phần: hoa cà phê, trái cà phê, hột cà phê, cả... củi cà phê nữa.
Trái cà phê
Vườn cà phê
Hoa cà phê
Là người ghiền cà phê, lại là dân xứ cà phê Long Khánh nên tui thấy bất công cho cây cà phê quá. Tui tự nhủ, nếu mình là nhạc sĩ sẽ sáng tác ra một seri ca khúc về cà phê như: Anh lên rẫy cà phê, Đi trong hương hoa cà phê, Ngọt ngào trái cà phê, Tình người rang cà phê... (nhưng mọi người yên tâm đi nhé, tui không phải là nhạc sĩ đâu!)
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét