21 thg 1, 2015

Thành Long Hồ - Vĩnh Long

Bây giờ người ta gọi Cần Thơ là Tây đô, thủ phủ miền Tây Nam bộ, nhưng ngày xưa vai trò thủ phủ ấy không phải Cần Thơ, mà là Vĩnh Long.

Cứ theo tên gọi 3 tỉnh miền Tây từ thời Minh Mạng (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) là có thể thấy vai trò quan trọng của Vĩnh Long. Xa hơn nữa, thời chúa Nguyễn miền đất phương Nam có ba dinh và một trấn là: Trấn Biên dinh (vùng Biên Hòa), Phiên Trấn dinh (vùng Gia Định), Long Hồ dinh (vùng Vĩnh Long) và Hà Tiên trấn (vùng Hà Tiên).

Năm1757, chúa Nguyễn thuận cho dời trị sở dinh Long Hồ và châu Định Viễn về xứ Tầm Bào thuộc địa phận Long Hồ thôn (tức vùng chợ Vĩnh Long ngày nay). Đến lúc ấy, Long Hồ dinh là một dinh trấn quan trọng ở phía Nam xứ Đàng Trong, và trung tâm đầu não của nó có trách nhiệm cai quản cả một vùng đất rộng lớn. 

Thành Long Hồ ngày xưa

Nhà văn Sơn Nam viết:

Kiểm soát sông Tiền, sông Hậu là vấn đề mà các chúa Nguyễn luôn quan tâm, nhất về mặt quân sự và về canh tác. Muốn dùng binh lên Cao Miên, phải cho chiến thuyền đi ngược sông Tiền để đến Nam Vang. Và đây còn là cuộc đất lý tưởng "sông sâu nước chảy" với những bờ đất phù sa cao ráo, rất thuận lợi cho việc trồng trọt... Dinh Long Hồ kiểm soát được hai con sông lớn ấy. Đồng thời dinh này còn bao trùm luôn vùng biển vịnh Xiêm La với Long Xuyên đạo (Cà Mau), Kiên Giang đạo (Rạch Giá), chỉ trừ vùng Ba Thắc (Sóc Trăng) nơi người Miên sống quá tập trung thì việc cai trị vẫn thuộc về họ .

Thành Vĩnh Long hay thành Long Hồ ở Vĩnh Long, được xây dựng dưới triều Nguyễn, là thành trì và là trị sở chi phối về quân sự - kinh tế - văn hóa cả khu vực miền Tây Nam Kỳ thời bấy giờ.

Vị trí thành Vĩnh Long xưa được xác định ở tại giao lộ 19 tháng 8 và đường Hoàng Thái Hiếu, thuộc phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, thành Vĩnh Long thất thủ hai lần: năm 1862 và 1867. Lần thất thủ thứ hai, quân Pháp đã phá tan tất cả đồn lũy và san bằng tòa thành, chỉ duy nhất còn lại một cây đa và một ngôi miếu nhỏ ở cửa Hữu.

Năm 2000 di tích Cây Đa Cửa Hữu được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa. Năm 2008, tỉnh Vĩnh Long đã phục hồi ngôi cổ miếu và tôn tạo cửa Hữu, làm nhà bia tưởng niệm. Lễ khánh thành ngày 28 tháng 4 năm 2008.

Di tích Cửa Hữu thành Long Hồ. Chỗ đậu xe nhiều không phải khách tham quan di tích mà là khách uống cà phê ở quán Cây Đa!

Hỡi ơi, tòa thành uy nghi ngày xưa giờ chỉ còn một cửa, mà chỉ là vị trí chứ không phải cửa thành thật sự, cây đa di tích thật sự đã bị lụi tàn từ thập niên 1950, còn cây đa hiện tại chỉ là cây con của nó, mới phát triển sau này.

Cây đa di tích, cạnh bên đó là Cà phê Cây Đa

Cho nên đến thăm di tích Cửa Hữu thành Long Hồ thực chất chỉ là đến thăm một địa điểm lịch sử xưa. Tất cả đều làm mới, kể cả cây đa cũng chỉ là cây đa... đời con! Bên cạnh di tích, cũng là bên cạnh cây đa, giờ là... một quán cà phê mang tên Cà phê Cây Đa.


Nhà bia tưởng niệm và văn bia thành Long Hồ (mới làm năm 2008)

Biết rằng việc tôn vinh di tích của tỉnh Vĩnh Long là việc làm đáng trân trọng, nhưng đến đây không còn gì dấu xưa lòng cảm thấy ngậm ngùi.

Chợt nhớ đến thành cổ Biên Hòa, đây là ngôi thành cổ duy nhất của Nam kỳ còn sót lại cho đến ngày nay. Bây giờ đang có kế hoạch trùng tu lại rất là... hoành tráng. Không biết rồi có còn là ngôi thành cổ nữa chăng hay sẽ thành một dinh thự hiện đại??? Lại ngậm ngùi...


Phạm Hoài Nhân

3 nhận xét:

  1. đây là lần đầu em nghe đến thành Long Hồ luôn đó, thành cổ Biên Hòa thì đã nghe nhưng vẫn chưa đến để tận mắt chứng kiến xem nó ntn :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra thành Long Hồ chẳng còn lại gì Bố Susu à, kể cả cây đa được coi là di tích. Người ta chỉ phục dựng 1 chút để nhớ rằng nơi đây xưa kia từng là thành Long Hồ thôi. Còn thành cổ Biên Hòa thì giá trị di tích rất quý đó, tranh thủ đến thăm ngay đi, vì bây giờ người ta đang chuẩn bị trùng tu - có thể nó sẽ trở thành 1... building lộng lẫy đó! :-(

      Xóa
    2. hình như là họ đang tiến hành trùng tu thành cổ Biên Hòa phải ko anh?
      lâu nay anh có ghé lại xem nó ntn ko a?

      Xóa