Tám là nhiều chuyện, là nói nhiều. Chắc chắn đây là tiếng lóng miền Nam, còn ngoài Bắc nếu tui không lầm thì người ta nói là buôn dưa lê (dù nghĩa có hơi khác chút xíu).
Tại sao người ta nhiều chuyện lại là 8, mà hổng phải 6, 7, 9…? Có người giải thích là do hồi xưa trên ra-đi-ô có chương trình bà Tám kể chiện cho con nít nghe. Có người nói do hồi xưa có tổng đài 108 (và 1088) chuyên trả lời thắc mắc đủ thứ trên đời.
Tui hổng tin lắm, vì kể chiện đời xưa như bà Tám hay giải đáp thắc mắc qua 1088 đâu có đúng kiểu 888 như bi giờ!
Hay là tại mấy bà thứ Tám nói nhiều hơn mấy bà thứ Sáu, Bảy? Hổng chắc, vì đã gọi là 888 thì phụ nữ đâu có… bà nào thua bà nào!
Cái cảm giác cá nhân của tui là âm Tám nghe có vẻ… bép xép, lắm điều hơn mấy con số khác (thử đọc Chín coi, đọc một cái là nghe… nín liền! Hi hi hi!)
2. Bỏ đi Tám
Bỏ đi Tám cũng là tiếng lóng miền Nam, nhưng khác với tám với ý nghĩa nhiều chuyện là nó ra đời rất lâu trước 1975 (và bây giờ ít thông dụng).
Bỏ đi Tám có nghĩa là Thôi, bỏ đi; bỏ qua đi... với tư cách là một người ở bậc cao nói với người ở bậc thấp hơn (ở đây là Tám).
Bạn g8ubvn trên ttvnol.com giải thích khá chi tiết như thế này:
Cũng như trong gia đình, người Saigon đã thẳng thắn phân chia thứ bậc của các tầng lớp xã hội một cách rạch ròi cho dễ dàng ứng xử và giao thiệp hàng ngày ngay từ thời Saigon còn phôi thai mở mang dọc kinh Bến Nghé.
- Quyền lực cao nhất ở Saigon thời xưa là những quan Tây cầm đầu guồng máy nên không thứ hạng gì cả và không kể là anh em trong nhà.
- Đó là các thầy Thông, thầy Phán, thầy Ký với quyền cao chức trọng được gọi là thầy Hai.
- Vị trí thứ Ba thuộc về các chú người Trung Hoa, họ gần như nắm trọn guồng máy kinh tế của Saigon. Họ là chủ các vựa hoặc các chành dọc con kinh Bến Nghé. Các chú Ba Tàu là vậy.
- Thứ Tư thuộc về những tay anh chị hùng cứ mỗi người một khu vực và sẵn sàng dùng dao búa để bảo vệ lãnh thổ của mình hay chiếm đoạt lãnh thổ của các tay anh chị yếu hơn. Đó là chào các anh Tư Dao Búa.
- Phá rối bạn hàng, giựt dọc, chôm chỉa, mánh mung là những tài mọn của mấy em Năm Đá Cá Lăn Dưa (đi ngang đá cá văng khỏi sạp cho đứa khác chụp hay lăn cho dưa đổ để đứa khác ôm chạy).
- Thời xưa, Sài Gòn cũng có dân buôn bán vỉa hè và cũng bị đuổi bắt. Khi thấy mấy anh quần trắng áo trắng với cái dùi cui trắng ló đầu là bạn hàng rối rít: "anh Sáu tới tụi bây ơi" rồi mạnh ai nấy thu vén hàng gánh chạy thục mạng. Sáu Mã Tà hay Sáu Lèo chính là mấy anh Sáu bạn dân này.
- Anh Bảy Chà (và) là tên người Saigon đặt cho mấy người Ấn Độ vì họ tuy hiền hòa hơn nhưng cũng có quyền sinh sát trong tay. Những người Ấn giàu có thì mở tiệm cầm đồ hay cho vay nặng lãi.
- Bây giờ mới đến anh Tám là những tá điền vì ruộng vườn thất bát từ tứ xứ đổ xô về Saigon làm cu li khuân vác hay khá hơn chút thì thuê được một chiếc xe kéo để kéo đưa các thầy Hai, chú Ba đi mần đi ăn. Họ là những chị Tám đi ở đợ đêm đêm tụ họp ở những phông tên công cộng chờ chực gánh về từng đôi nuớc cho chủ. Họ chỉ mong đánh đổi sức lao động của mình kiếm được miếng cơm cho mình và cho gia đình mòn mỏi chờ trông.
- Tận cùng xã hội là những người chỉ có thể đánh đổi cái vốn sẵn có của mình để mong thoát khỏi cái số con rệp từ khi mới sinh ra. Họ là những chị Chín Bình Khang.
Nghe cũng hay và hơi có lý. Đúng hay sai, tin hay không là tùy các bạn. Riêng tui, tui nghĩ là trong cụm từ Bỏ đi X thì bởi vì X ở một cấp độ thấp hơn người nói, cho nên không thể là Hai, Ba, Tư mà chỉ có thể là Bảy, Tám, Chín (để chỉ rằng mầy chỉ là đàn em của tao), và trong đó chữ Tám phát âm nghe mùi hơn hết cho nên mới hình thành cụm từ Bỏ đi Tám!
Sao? Các bạn nói là tui nhìu chiện quá hả? Bỏ đi Tám, đứng có tám nữa hả? Xin lỗi à nghen, tui Hai chớ đâu phải Tám. Hai Ẩu à nha!
Hai Ẩu
thứ hai mà hay nói dối người ta gọi là "hai dối"
Trả lờiXóaBởi vậy nên tui chỉ ẩu thôi chớ quyết không dối! :-)
Xóa