9 thg 1, 2015

Cái Mơn là... cái gì?

Nhắc đến Cái Mơn

Những người sành ăn sẽ nghĩ ngay tới sầu riêng Cái Mơn, loại sầu riêng ngon nổi tiếng.


Những người yêu ca hát sẽ nghĩ ngay tới điệu Lý Cái Mơn, điệu dân ca da diết thân quen.


Những người mộ đạo công giáo sẽ nghĩ ngay tới nhà thờ Cái Mơn, một trong những nhà thờ xưa nhất và lớn nhất ở Nam bộ.


Cái Mơn nổi tiếng như vậy đó, nhưng...

Cái Mơn ở đâu?

Tìm hết các đơn vị hành chính ở Việt Nam (huyện, xã, phường, khóm, ấp...) sẽ không thấy tên Cái Mơn đâu cả! Vậy Cái Mơn ở đâu?

Vùng đất Cái Mơn bây giờ tương ứng với xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Đơn vị hành chính nhà nước thì không có tên Cái Mơn, nhưng về công giáo thì lại có đó. Giáo hạt Cái Mơn, thuộc giáo phận Vĩnh Long là một vùng công giáo lớn mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long. (Lưu ý là về mặt nhà nước thì không có tên Cái Mơn, và xét về vị trí địa lý thì vùng đất này thuộc tỉnh Bến Tre, còn xét về công giáo thì Cái Mơn là một giáo hạt - cấp lớn hơn giáo xứ - và lại thuộc giáo phận Vĩnh Long).

Xét về địa danh thì có con rạch Cái Mơn. Huyện Chợ Lách nằm giữa 2 con sông Hàm Luông và Cổ Chiên, rạch Cái Mơn nối liền 2 con sông này. Có 2 cây cầu bắc qua rạch Cái Mơn, là cầu Cái Mơn nhỏ cầu Cái Mơn lớn.

Bên rạch Cái Mơn

Cái Mơn là cái gì?

Theo khảo cứu của nhà văn Sơn Nam, xưa kia hai bên bờ rạch Cái Mơn cây trái sum suê nên có rất nhiều ong mật. Tiếng Khmer ong mật là kh'mân, người Việt đọc trại thành Cái Mơn. Cũng có thể chữ Mơnkh'mân, còn Cái là chỉ con rạch lớn.

Một giả thuyết khác cho rằng: Cái Mơn do tiếng Pháp đọc trại ra. Caiman là con Sấu mõm dài. Điều này rất có lý vì xưa là nơi có nhiều cá, nhiều cá thì có nhiều cá sấu. Lập luận này cho rằng Cái Mơn xuất xứ từ tiếng Pháp, vì tên các nhà thờ, giáo xứ... do các cha xứ người Pháp đặt. Cá nhân tôi không tin lắm về điều này, và nghĩ rằng Cái Mơn có gốc từ tiếng Khmer như trên thì đúng hơn.

Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: