18 thg 3, 2015

Long Ẩn cổ tự

Long Ẩn cổ tự là ngôi chùa cổ ở Biên Hòa.

Thông tin rất ngắn gọn, rõ ràng. Thế nhưng...
  • Đi tìm khắp núi Long Ẩn (Bửu Long), cả ở trên núi và dưới chân núi, có chùa rất nhiều nhưng không ngôi nào mang tên Long Ẩn cả. Chùa Long Ẩn không ở núi Long Ẩn, vậy ở đâu?
  • Long Ẩn cổ tự là ngôi chùa cổ. Sao các tài liệu nói về di tích cổ ở Biên Hòa hầu như không nhắc tới?
À, chùa đây rồi:


nhưng không phải ở trên núi hay chân núi Long Ẩn, mà ở cách đó không xa lắm. Long Ẩn cổ tự ở bên kia đường, cách núi Long Ẩn khoảng 1 km, day mặt nhìn ra sông Đồng Nai. Địa chỉ là tổ 18, khu phố 3, phường Bửu Long, nằm cạnh bên trụ sở (rất to) của Đoàn Cải lương Đồng Nai.

Thuở xưa, chùa Long Ẩn dựa lưng vào núi Long Ẩn, mặt quay về sông Đồng Nai ở hướng Nam. Quanh núi Long Ẩn ngày xưa là rừng rậm, có nhiều tre nứa và nhiều thú dữ, có cả cọp, beo, voi..., phía dưới sông Đồng Nai có nhiều rùa, rắn ...

Trước chùa Long Ẩn, phía chân núi ngày xưa là lối đi của voi, các đàn voi từ trong rừng sâu ra sông Đồng Nai uống nước và tắm, nên tục gọi là truông Voi. Vì vậy, xưa có bài thơ (hiện chưa biết tác giả là ai):

Trên chùa Long Ẩn dưới truông Voi,
Nước biếc xem coi rất mặn mòi.
Sóng bủa ghềnh nghê hình quái cổ,
Nước xao hàng rắn tiếng reo còi.


Tượng Phật Bà Quan Âm phía trước chùa, nhìn ra sông Đồng Nai

Sau này (không rõ thời điểm), hai dòng tộc Huỳnh và Phạm phát tâm cúng hỉ 5.000 m²
 đất tại ấp Tân Lại (phường Bửu Long bây giờ), chùa được dời về vị trí mới (địa điểm hiện tại). Đến 1952, trận lụt năm Thìn làm cảnh chùa tan hoang. Ngày 13/6/1960, giáo thọ trụ trì là Thích Thiện Hảo đứng ra kêu gọi bá tánh cùng bổn đạo Phật tử dựng lại ngôi chùa trên nền cũ. Như vậy, ngôi chùa như kết cấu hiện nay được xây từ 1960 chứ không phải kết cấu chùa cổ (đã bị phá hủy hoàn toàn). Có lẽ đây là lý do chính khiến cho chùa không được xếp vào di tích cổ.

Ở mặt tiền chùa, ta thấy có 3 niên đại: 1613 là năm khai sơn, 1960 là năm xây dựng lại và 2008 là năm trùng tu. Với năm khai sơn là 1613, ngôi chùa này ra đời đã trên 400 năm, nên gọi là cổ tự. Thế nhưng có đúng là chùa được khai sơn năm 1613 hay không?

Theo hòa thượng Thích Thanh Từ trong sách Thiền sư Việt Nam thì không phải! 

Vị thiền sư khai sơn chùa Long Ẩn là thiền sư Pháp Thông Thiện Hỉ, ông thuộc phái thiền Tào Động, thế hệ thứ 36. Khi ông viên tịch, đồ chúng lập bảo tháp ở trước sân chùa, hiện nay bảo tháp được di dời và xây dựng lại ở địa điểm mới. Ở bảo tháp này có ghi rằng thiền sư khai sơn chùa vào năm Quý Mùi. Năm 1960, sư trụ trì là Thích Thiện Hảo xác định rằng năm Quý Mùi là 1613 và khắc lên chùa niên đại khai sơn ấy.

Bảo tháp Thiền sư Pháp Thông, được xây dựng lại năm 2001

Điều vô lý là: thiền sư Pháp Thông thuộc phái Tào Động thế hệ 36 (không rõ năm sinh, năm mất), nhưng vị thiền sư Tào Động thế hệ 29 là hòa thượng Thạch Liêm là vị gần nhất được biết rõ năm sinh, năm mất thì sinh năm 1633, tịch năm 1704. Vậy thiền sư Pháp Thông sau ông tới 7 thế hệ không thể nào khai sơn chùa Long Ẩn năm 1613 được. Vì vậy, theo hòa thượng Thích Thanh Từ, sớm nhất là chùa Long Ẩn được khai sơn vào năm Quý Mùi kế đó, tức là 1673, hoặc thậm chí là năm 1733 (mỗi Quý Mùi cách nhau 60 năm).

Chúng ta là kẻ hậu sinh, không dám lạm bàn về việc này, chỉ ghi lại lời của các bậc tiền bối để tham khảo mà thôi. Ngày nay, đến viếng chùa, vẫn thấy nét cổ kính trang nghiêm của một ngôi cổ tự, và ngôi chùa nhìn ra dòng sông Đồng Nai yên ả khiến khách viếng thăm thấy thanh thản trong lòng.


Nhìn tòa nhà của Đoàn Cải lương Đồng Nai đồ sộ ở bên cạnh, ta thấy chùa hơi nhỏ bé!

Trước mặt chùa là dòng sông Đồng Nai

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét