2 thg 3, 2015

Chùa Vĩnh Hưng - ngôi chùa đá ở Sóc Trăng

Nếu bạn đã từng đến Sóc Trăng và thăm những ngôi chùa nổi tiếng ở đây lâu nay, như chùa Dơi, chùa Khleang, chùa Đất Sét... thì bạn hãy thử thay đổi bằng cách viếng một ngôi chùa có phong cách khác hẳn nhé: đó là chùa Vĩnh Hưng.

Chùa Vĩnh Hưng - còn gọi là Tổ đình Vĩnh Hưng - tọa lạc tại số 110 Trần Hưng Đạo, khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng. Xưa kia chùa được gọi là chùa Cây Điệp (có lẽ vì ở chùa có cây điệp?), còn bây giờ chùa còn được gọi là chùa Đá bởi vì chùa được xây dựng bằng đá nguyên khối, mỗi khối có kích thước 30 x 20 x 20 cm.



Tam quan chùa

Chùa Vĩnh Hưng được thành lập năm 1912, do một Phật tử là bà Đinh thị Định hiến đất và cúng dường để xây dựng chùa. Chùa Vĩnh Hưng là ngôi chùa theo phái Bắc Tông, tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 6.800m2 . Chùa đã trải qua các đời trụ trì là Hòa Thượng Thích Huệ Minh, Hòa Thượng Thích Trí Bổn, Thượng tọa Thích Thanh Chương.... Hiện nay, chùa do Đại đứcThích Thanh Lập trụ trì. 

Ngôi chùa hiện nay là tâm huyết của Thượng tọa Thích Thanh Chương, thế danh Trần Đức Lành, 
sinh năm 1965, quê ở ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Long Phú (nay là huyện Trần Đề) tỉnh Sóc Trăng. Ông tốt nghiệp tiến sĩ Phật học ở Ấn Độ, là Phó trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni, đồng Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Sóc Trăng. Thượng tọa Thích Thanh Chương đã đứng ra vận động bà con Phật tử trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí và cung thỉnh chư tôn đức trong Thường trực Ban Trị sự tiến hành động thổ đại trùng tu ngôi Vĩnh Hưng Cổ Tự vào ngày 09/9/2009. Ông lâm trọng bịnh và qua đời tháng 3 năm 2013 (thọ 48 tuổi) khi công trình mới cơ bản hoàn thành.

Mặt tiền chùa

Mặc dù thượng tọa Thích Thanh Chương vốn gốc Hoa, nhưng khi thiết kế trùng tu ngôi chùa ông lại quyết tâm không theo kiểu thiết kế Trung quốc. Theo giải thích của một vị tăng trong chùa thì Thượng tọa không có thiện cảm và không muốn lệ thuộc văn hóa Trung Hoa.

Thế nhưng tại sao lại thiết kế theo kiểu Nhật? Tôi hỏi.

Vì sư phụ đi ra nước ngoài nhiều, tiếp cận nhiều kiểu chùa đẹp của nước ngoài, Ngài chọn kiểu chùa đá của Nhật này vì nó lạ, đẹp.

Chánh điện

Vách chùa.

Ở ngoài cửa chùa có 2 bức tượng nhân sư (sphinx), đó là tượng của thần thoại Ai Cập. Tôi thắc mắc.

À, bởi vì sư phụ muốn tạo sự khác lạ so với những ngôi chùa khác.

Bên cạnh 2 con nhân sư là 2 con sư tử đá thật to. Đó là văn hóa Tàu, và hiện giờ đang bị đề nghị dẹp bỏ mà.

Hai con sư tử đá đó không nằm trong thiết kế của sư phụ. Chúng do bá tánh cúng và chùa đặt vào đó để tỏ lòng trân trọng.

Sư tử Tàu và nhân sư Ai Cập nằm cạnh nhau trước cửa chùa

Lý giải về việc tại sao xây theo kiểu Nhật, tại sao có con nhân sư, tại sao có sư tử đá, và thêm nữa tại sao không muốn lệ thuộc Tàu mà trong chùa... toàn chữ Hán không thể làm thỏa mãn người hỏi. Nhưng người chủ trì thiết kế đã qua đời rồi, để lại công trình tâm huyết còn dang dở, thôi ta hãy gác những thắc mắc ấy qua một bên để chiêm ngưỡng công trình như một cách tưởng nhớ người đã khuất.

Bia tên chùa (Vĩnh Hưng tự) bằng chữ Hán

Tượng Phật nơi chính điện, bằng sa thạch, có tuổi đời bằng với tuổi của chùa, tức là hơn 100 năm

Ba mộ tháp của ba đời trụ trì chùa

Mộ tháp của Thượng tọa Thích Thanh Chương

Bên hông chùa

Chùa được xây bằng những khối đá như thế này. Vì công trình còn dang dở nên đống vật liệu vẫn còn nằm đây.

Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. Kiến trúc chùa Nhật là rập khuôn kiến trúc thời Đường Tống của Tàu.

    Trả lờiXóa