27 thg 3, 2015

Chiều chiều bắt nhái cắm câu...

Trời chiều nay mù mù rồi mưa. Không khí ẩm ẩm, lạnh lạnh... Trời gió gió... Bỗng nhớ... bà ngoại.

Bà ngoại là con gái miền Tây, quê quán ở Cái Bè, Tiền Giang. Lấy chồng từ thuở mười tám, đôi mươi, rồi gia cảnh khó khăn, bà theo ông ngoại lên Long Khánh lập nghiệp khi gần bốn mươi tuổi. (Ông nội thì từ Bình Định bỏ quê vô Long Khánh nhiều năm trước đó. Trời khiến xui cho một gia đình quê miền Trung ở sát nhà một gia đình quê miền Tây, khiến cho Ba thương Má rồi nên vợ chồng. Nhưng thôi, chuyện đó kể sau).

Má và bà ngoại ba mươi năm trước, em bé trong hình là ai thì tự người đó sẽ nhận ra

Khi tui sinh ra và lớn lên thì hai gia đình nội ngoại đều ở Long Khánh. Không phải ở miền Tây, nên bà ngoại không làm ruộng, chỉ buôn bán nhỏ, làm bánh, mứt. Và tui chỉ biết cái chất miền Tây của bà qua những lời nói, từ ngữ rặt Nam bộ mà thôi.

Thế rồi ngày 30 tháng Tư ấy đến...

Nhà ông bà ngoại cháy rụi. Ông ngoại buồn, bịnh và mất không đầy một năm sau đó. Ba tui đi học tập cải tạo. Cả nhà ngoại tá túc nơi nhà tui. Không ai có nghề nghiệp gì trong cái chế độ mới ưu việt cả. Trăm thứ đổ lên đầu 2 người phụ nữ quê miền Tây: Má và Bà Ngoại. 

Năm đó bà ngoại đã gần sáu mươi rồi, bắt đầu quay lại với công việc ruộng nương ngày xưa (vì lao động là vinh quang mà). Hồi đó tui chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng giờ nhớ lại phục bà ngoại quá. Trong gian nan bà vẫn điềm nhiên chịu đựng, chẳng than van, bày vẽ chuyện này chuyện nọ cho con cháu làm...


Tụi tui là thư sinh trong một gia đình ba làm công chức - má nội trợ, làm gì biết thế nào là làm ruộng? Ngộ ghê, lúc bấy giờ những thứ đã ăn sâu trong máu thịt của bà ngoại suốt non 40 năm ở miền Tây, ngủ quên gần 20 năm ở miền Đông, bỗng sống lại. Bà ngoại và má dạy tụi tôi gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ lúa, gặt lúa... Rồi bắt cua, bắt ốc, hái rau... Rồi bắt nhái cắm câu... Ngộ nữa là có những thứ cây cỏ mà hồi nào giờ tôi chưa từng thấy mà bà ngoại gọi tên vanh vách (bà ngoại hổng có... tra Google!) vì đã biết từ đời nào, như cây điên điển, cây thù lù, cây chùm bao, cỏ mần trầu...

Dài dòng quá, bây giờ xin quay lại với chuyện trời mưa, sao lại nhớ bà ngoại.

Nhớ một chiều nào trên đồng mưa bay lất phất, bà ngoại và má đội nón lá dầm mưa nhổ cỏ lúa (không có ba, ba đi học tập cải tạo rồi). Tui bì bõm lội ruộng bắt nhái cắm câu.

Bà ngoại vừa làm, vừa ngó thằng cháu và ngâm nga câu ca dao:

Chiều chiều bắt nhái cắm câu
Nhái kêu ẽo ẹo, cái phận tui nghèo chọc ghẹo tui chi...

Câu ca tan theo những giọt mưa, được hòa nhịp cùng tiếng nhái ẽo ẹo đâu đó giữa bóng chiều buông. Cái phận tui nghèo, chọc ghẹo tui chi... Như tiếng lòng của người phụ nữ miền Tây khẽ trách những đắng cay của cuộc đời...


Bà ngoại, má, ba đã lần lượt về miền thiên cổ. Quê nhà cũng đã quá xa xôi.

Giờ mà mưa xuống, và có con nhái nào đó kêu ẽo ẹo thì thiệt là phê biết mấy!

Híc, đúng là già sinh dở hơi, người ta nhớ tiếng hát Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, còn mình lại nhớ tiếng hát của... con nhái!


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét