Thắc mắc ấy rồi cũng được giải đáp. Khu đất xây nhà lưu niệm là nơi sinh sống của vợ chồng người con gái nhà văn Sơn Nam. Hai người đã xây dựng khu lưu niệm này để tưởng nhớ thân sinh của mình.
Giải đáp thắc mắc này xong, một sự tò mò khác lại đến. Bên cạnh nhà lưu niệm là nhà ở của gia đình anh chị Nghị - Hằng (con rể và con gái nhà văn Sơn Nam), chính diện tầng trên của ngôi nhà này là một gian thờ tự có biển ghi Nhà thờ Cống quận công Trần Đức Hòa.
Nhà thờ Cống quận công Trần Đức Hòa
Cống quận công Trần Đức Hòa là ai?
Anh Trần Đức Nghị - chủ nhà, và là con rể nhà văn Sơn Nam - tự hào kể:
- Cống quận công là tổ 13 đời của tôi, là một danh nhân, một tiền hiền của đất Quy Nhơn.
Anh Trần Đức Nghị (trái) đang kể về ông tổ của mình
Tổ tiên của Cống quận công Trần Đức Hòa gốc Thanh Hóa, từng làm quan dưới triều Lê. Họ Trần là một trong những dòng họ đầu tiên vượt sông Gianh vào Nam lập nghiệp tại huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (thuộc tỉnh Bình Định ngày nay). Tại đây, ông Trần Đức Hòa được chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) trọng dụng, nhận làm con nuôi và làm quan đến chức Khám Lý phủ Quy Nhơn (tuần phủ các phủ khác) trong khoảng cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17. Trong thời gian này, Cống quận công có công rất lớn trong việc giúp nước và yên dân. Ông được nhiều sắc phong khen thưởng của Chúa (Hiện nay, tại nhà thờ Cống quận công còn lưu giữ 10 sắc phong của triều Lê và chúa Nguyễn cho họ Trần. Đây là những tư liệu cổ quý giá đã 400 năm).
Bàn thờ Cống quận công Trần Đức Hòa. Hai bên vách là bản sao những tư liệu cổ có liên quan đến ông.
Nội dung viết về Trần Đức Hòa trong Đại Nam Liệt truyện tiền biên
Trước hết, ta hãy nhắc qua về nhân vật lịch sử Đào Duy Từ.
Đào Duy Từ sinh năm 1572 tại Thanh Hóa, mồ côi cha lúc 5 tuổi, cha ông là một kép hát nổi tiếng. Với quan niệm xướng ca vô loại thuở ấy, ông không được đi thi dù học rất giỏi. Ông đổi họ để đi thi, đỗ thứ nhì kỳ thi Hương, nhưng đến kỳ thi Hội thì bị phát hiện nên bị đuổi và bị tống giam vì “khai man lý lịch”, còn ở quê nhà mẹ ông tự tử vì phẫn uất… Ôm hận nhưng Đào Duy Từ vẫn tự trau dồi kinh sử, mưu đồ đem chí lớn giúp đời… Đáng tiếc, vua Lê chúa Trịnh không sử dụng ông.
Năm 1625, Đào Duy Từ đã 53 tuổi, vượt sông Gianh vào Đàng Trong tìm minh chúa. Lưu lạc đến huyện Bồng Sơn (Bình Định), nghe tiếng quan Khám lý Quy Nhơn Trần Đức Hòa là người biết trọng nhân tài lại được chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) tin cậy nên Đào Duy Từ xin vào làm kẻ chăn trâu cho một phú ông họ Lê để chờ cơ hội ra mắt vị quan này. Phú ông thấy Duy Từ tỏ rõ là một người học rộng, tài cao nhưng không gặp thời bèn đến thưa với Trần Đức Hòa. Quan Khám lý cho vời Đào Duy Từ đến, hỏi một biết mười, ứng đối trôi chảy bèn lưu lại cho làm gia sư, sau lại gả cô con gái độc nhất cho…
Năm Đinh Mão (1627) Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ lên Sãi vương. Đào Duy Từ trình bày với chúa những kế sách chống giữ và mở mang bờ cõi mà ông đã dày công tâm huyết. Chúa Sãi mừng rỡ vô cùng, nắm tay ông, phán: “Ta chờ đợi thầy lâu lắm rồi. Sao thầy đến muộn quá vậy?”. Liền phong cho ông chức Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê hầu, cho dự bàn quốc sự.
Năm 1630, Đào Duy Từ đốc xuất đắp lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc (Quảng Bình). Đến năm 1631 lại đắp thêm một lũy nữa từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (Đồng Hới, Quảng Bình) cao 1 trượng, dài 300 trượng, tục gọi là Lũy Thầy (thời ấy cả triều đình Đàng Trong - từ chúa đến các quan đều gọi Đào Duy Từ bằng “thầy” mà không gọi tên, cho nên lũy do ông đắp cũng được gọi là Lũy Thầy). Hệ thống phòng thủ này tỏ ra rất hiệu quả: 3 lần quân Trịnh vào vây hãm nhưng không sao vượt qua phòng tuyến này, đến nỗi có câu ca dao:
“Khôn ngoan qua cửa sông La
Dù ai có cánh mới qua Lũy Thầy”.
Đào Duy Từ mất ngày 17 tháng 10 năm 1634, thọ 63 tuổi, được phong tặng Tán trị Dực vận công thần, Kim tử Vinh Lộc đại phu. Đến triều Minh Mạng truy phong Hoằng Quốc công. Đào Duy Từ còn để lại bộ binh thư Hổ trướng khu cơ và 2 khúc ngâm Ngọa Long Cương vãn và Tư Dung vãn cùng vở tuồng San Hậu thành.
Có thể nói Đào Duy Từ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong cục diện phân tranh Trịnh - Nguyễn, nhất là trong buổi bình minh của các chúa Nguyễn. Không có Lũy Trường Dực, Lũy Thầy cùng những chính sách trị quốc, an dân của ông không biết tình thế của chúa Nguyễn đã như thế nào trước thế mạnh của chúa Trịnh?
Thời ấy, Đào Duy Từ chịu đến 3 điểm bất lợi:
- Con của kẻ xướng ca vô loại
- Là dân miền ngoài lưu lạc vào, không phải người bản xứ nên bị khinh thường.
- Là kẻ tôi tớ, chăn trâu.
Tóm lại, Đào Duy Từ là kẻ ở dưới đáy xã hội. Vậy mà, Trần Đức Hòa với địa vị cao quý của mình đã không nề hà, rước họ Đào về nhà, gả con gái duy nhất của mình cho kẻ ấy, khuyến khích và tạo điều kiện cho con rể phát triển tài năng rồi cũng tự tin tiến cử lên chúa thượng. Tầm nhìn và sự đánh giá con người của Cống quận công Trần Đức Hòa đúng là kỳ vĩ. Đào Duy Từ sẽ ra sao nếu không gặp Trần Đức Hòa? Chúa Nguyễn sẽ ra sao nếu không gặp Đào Duy Từ?
Mộ Cống quận công Trần Đức Hòa tại huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Ảnh chụp lại từ ảnh của gia đình.
Chúng tôi mất gần trọn buổi sáng để nghe hậu duệ đời thứ 13 của Cống quận công Trần Đức Hòa kể về ông tổ của mình với niềm kính ngưỡng sâu sắc. Còn nhiều, rất nhiều công trạng của Cống quận công nữa mà tôi chưa tiện kể ra đây. Và như thế không chỉ về phương Nam lắng nghe cung đàn mà còn là về phương Nam lắng nghe câu chuyện về một bậc tiền hiền của Quy Nhơn ở tận miền Trung.
Cùng anh Trần Đức Nghị trước Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét