18 thg 9, 2015

Nhà chú Hỏa - Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM nằm tại 97 Phó Đức Chính, quận 1. Đây nguyên là một phần của công trình kiến trúc cổ kính và hoành tráng nằm ở khu tứ giác với bốn mặt đường Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình, một trong những “khu đất vàng” của quận 1 trung tâm, vẫn thường được người dân gọi là nhà chú Hỏa.

Chú Hỏa, hay Hui Bon Hoa, hay Hứa Bổn Hòa (1845 - 1901) là (một trong những) người giàu nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Ngôi nhà 97 Phó Đức Chính còn được gọi là Dinh thự 99 cửa, là nơi ở chính của gia đình ông.

Ngoài các dinh thự của gia đình, chú Hỏa còn xây nhiều công trình dân dụng như bệnh viện, chùa chiền... Trong số những công trình được chú Hỏa xây dựng đến nay vẫn đang được sử dụng có Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn (đường Lê Lợi), khu nhà khách Chính phủ (đường Lý Thái Tổ) và nhiều ngân hàng, trụ sở kinh doanh trên địa bàn quận 5, chùa Kỳ Viên...




Bảo táng Mỹ thuật TPHCM

Sau 1975, tòa nhà 97 Phó Đức Chính được trưng dụng cho nhiều mục đích khác nhau. 12 năm sau, năm 1987 UBND thành phố mới ra quyết định lấy một phần tòa nhà này làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Mặc dù vậy, cũng phải đến 4 năm sau (1991), bảo tàng mới mở cửa phục vụ. Hiện giờ đây là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm mỹ thuật và mỹ nghệ, cũng là nơi thường xuyên tổ chức trưng bày tác phẩm mỹ thuật của những tác giả trong và ngoài nước.

Hiện vật quý giá nhất trong bảo tàng có lẽ là bức tranh sơn mài Vườn Xuân Bắc Trung Nam của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Hồi năm 1991, khi UBND TPHCM quyết định mua bức trang với giá 100.000 USD thì đó là một sự kiện chấn động, khi một tác phẩm mỹ thuật trong nước được mua với giá cao như vậy và tạo nên một sự tranh luận gay gắt. Nhiều ý kiến phản đối. Hiện nay, tác phẩm này hiện được công nhận là bảo vật quốc gia, có nhà sưu tập tranh nước ngoài trả giá trên 1 triệu USD (dĩ nhiên đã là bảo vật quốc gia thì không được bán!).

Tranh sơn mài Vườn Xuân Bắc Trung Nam

Không chỉ những tác phẩm được lưu trữ và trưng bày ở đây là hiện vật bảo tàng, mà bản thân ngôi nhà cùng kiến trúc của nó cũng là tài sản bảo tàng vô giá.

Tượng đồng Người phụ nữ Nam bộ của điêu khắc gia Lê văn Mậu được trưng bày tại bảo tàng. Ông Lê văn Mậu nguyên là hiệu trưởng trường Mỹ thuật Biên Hòa trong thời gian dài.


Cầu thang và cửa kính rất đặc sắc

Nơi đây cũng trưng bày nhiều vật dụng của gia đình ông Hui Bon Hoa sử dụng từ xưa.


Không chỉ bên trong phòng bảo tàng, ngoài khuôn viên cũng là nơi trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.

Tượng Trương Vĩnh Ký

Tượng Quách Đàm

Tượng An Dương Vương

Bản sao tượng Đầu thủ lĩnh Olmec (Trung Mỹ)

Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. Nhiều tài liệu cho rằng tên của Chú Hỏa - Hui Bon Hoa là Hứa Bổn Hòa. Có tài liệu còn khẳng định rằng: “Hiện nay, tại tòa nhà tiêu biểu của “Chú Hỏa” - nơi đang là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (số 97 Phó Đức Chính), ở tấm biển inox ghi lược sử tòa nhà đặt trang trọng ngay lối đi bên trái cửa chính viết: “Hui Bon Hoa tên thật là Hứa Bổn Hòa”.
    Tháng 7-2006, những thành viên trong dòng họ Hui Bon Hoa từ Pháp về Việt Nam, ghé thăm nhà Chú Hỏa, ngôi nhà lừng lẫy của dòng họ này là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Một thành viên trong đoàn tên Eddie Hui-Bon-Hoa (đã theo gia đình sang Pháp khi còn trong bụng mẹ) đã hé lộ tên họ thật và phần nào cuộc đời Chú Hỏa.
    Gần đây hơn, năm 2014, trên trang blog “Tây Cống cố sự quán” (Căn nhà ghi chuyện cũ ở Sài Gòn), tác giả Chen Bickun công bố bài viết bằng tiếng Anh: “The True Story of Hui Bon Hoa and “Uncle Hoa’s Mansion” (Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa) dựa vào tư liệu do chính dòng họ Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cung cấp.
    Theo đó, Chú Hỏa (1845-1901) tên thật là Huỳnh Văn Hoa (Huáng Wéng Húa,黄文華), vốn người làng Văn Tang, thuộc Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phước Kiến, nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc.
    Ông sang VN khoảng năm 1863. Sở dĩ Chú Hỏa được gọi với tên là Hui Bon Hoa vì khi nhập quốc tịch Pháp, ông vốn là tín đồ đạo Công giáo nên đã lấy tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Trong đó, Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phước Kiến.
    (Về sau, các con cháu của ông đều mang họ Hui Bon Hoa nhưng chỉ khác tên Pháp đứng đầu).
    Năm 1901, Chú Hỏa về thăm Trung Quốc, nhưng ông đã đột ngột qua đời và được chôn cất ngay tại quê hương, hưởng dương 56 tuổi.
    Như vậy, Hui Bon Hoa là cách phiên âm từ tên gốc Hán theo âm Hạ Môn (Trung Quốc) có ảnh hưởng bởi cách phiên âm của người Anh vào cuối thế kỷ 19.
    Còn Hứa Bổn Hòa có lẽ là cách đoán... mò của một số người khi thấy chữ Hui Bon Hoa mà không thấy mặt chữ Hán.
    Dạ con trích dẫn từ vài nguồn tư liệu ạ , con thấy cũng khá hợp lý đó chú , họ Huỳnh (hay Hoàng) là họ phổ biến của người dân Phúc Kiến lưu cư tại Sài Gòn đầu thế kỉ XX.

    Trả lờiXóa