16 thg 10, 2015

Hoàng hậu, người đi về đâu?

Người ta vẫn thường nhắc đến Huyền Trân công chúa, người đã đem thân làm hoàng hậu Chiêm Thành để đổi lấy hai châu Ô, Lý, giúp mở mang bờ cõi về phương Nam. Ghi ơn Người, đời sau có đền thờ Huyền Trân công chúa ở một số nơi.

Ở phương Nam, người ta vẫn nhắc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh như là người đặt nền móng cho vùng đất Nam bộ. Đền thờ Ông có ở khắp nơi.

Thế nhưng trước Nguyễn Hữu Cảnh 75 năm có một người khác có công đầu đưa lưu dân Việt vào khai phá vùng đất Chân Lạp, mà sau này là Nam bộ, tạo tiền đề cho gần 1 thế kỷ sau Lễ Thành hầu chính thức xác định chủ quyền nước Việt tại đây.



Núi Dinh ở Bà Rịa, tức núi Mô Xoài ngày xưa

Năm 1620, theo lời cầu hôn của vua Chân Lạp là Chey Chetta II, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái mình là công nữ Ngọc Vạn cho ông. Bà trở thành Hoàng hậu nước Chân Lạp với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac.

Mặc dù không có sính lễ cầu hôn là 2 châu Ô, Lý như công chúa Huyền Trân thuở nào, nhưng hoàng hậu Somdach làm được nhiều điều hơn cả người đi mở đất. Vừa đẹp người, lại đẹp nết, bà được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ đó bà đã thuyết phục được nhà vua làm những điều có lợi cho việc mở mang bờ cõi về phương Nam của nước Việt.



Ngay khi sang làm hoàng hậu, vua Chey Chetta II đã nghe theo lời Ngọc Vạn, cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.

Năm 1623, bà xin với vua Chey Chetta II cho người Việt di cư sang khai hoang sinh sống ở Mô Xoài (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai) để rồi từ đó dân Việt tỏa rộng ra trên khắp miền Thủy Chân Lạp.

Kế đến, bà xin phép cho di dân nước Việt được võ trang để tự vệ trên vùng đất Thủy Chân Lạp.

Rồi lại xin phép vua Chey Chetta II thành lập một sở thuế thương mại đầu tiên ở Prey Kor (Sài Gòn Chợ Lớn) làm đầu cầu chiến lược vững chắc cho chương trình di dân của người Việt vào đất Chân Lạp.

Tất cả những yêu cầu trên đều được vua Chey Chetta II đáp ứng. Như vậy, xem như công nữ Ngọc Vạn là người có công đầu trong việc đặt cơ sở của người Việt ở vùng đất Thủy Chân Lạp này, bao gồm: con người, lực lượng vũ trang, cơ sở kinh tế.


Suối Đá ở chân Núi Dinh

Cuộc tình duyên của hoàng hậu Somdach - Ngọc Vạn và vua Chey Chetta II chỉ kéo dài được 8 năm. Năm 1628 vua từ trần. Hoàng cung Chân Lạp trải qua những cuộc tranh chấp đẫm máu giữa anh - em, chú - cháu sau cái chết của vua. Hai người con của bà được lên làm vua rồi bị giết chết. Người phụ nữ Ngọc Vạn đơn độc giữa chốn triều đình.

Sau khi hai người con đã chết, mặc dù những người khác trong hoàng tộc thay nhau lên làm vua, bà Ngọc Vạn vẫn tiếp tục là thái hậu. Những tranh chấp giữa các phe phái trong triều đình lại có người đến cầu cứu bà, để bà "nhờ" chúa Nguyễn giúp đỡ. Dĩ nhiên là chúa sẵn lòng ban ơn. Rồi người mang ơn trả ơn, người ra ơn nhận sự đền đáp, đất đai vùng Thủy Chân Lạp cứ lần lượt về tay các chúa Nguyễn. Lưu dân Việt đã ở sẵn trên đất này, để non 1 thế kỷ sau Nguyễn Hữu Cảnh sẽ là người hợp thức hóa!

Sau hơn nửa thế kỷ sống giữa bão táp cung đình, với những công lao to lớn cho đất Việt như vậy, bà Ngọc Vạn lặng lẽ rời hoàng cung, đến Sài Côn (Sài Gòn), rồi nghe nói rằng bà lên núi Chứa Chan (Xuân Lộc, Đồng Nai bây giờ) dựng ngôi chùa ẩn tu nơi đó cho đến cuối đời.

Không như Huyền Trân công chúa hay Nguyễn Hữu Cảnh, sự nghiệp được sử sách chính thống ghi rất rõ, bà Ngọc Vạn chỉ được ghi trong chính sử triếu Nguyễn (Đại Nam thực lục tiền biên) như sau:

Chúa Sãi có bốn người con gái là: 1/ Công chúa Ngọc Liên, lấy Trấn biên doanh trấn thủ phó tướng Nguyễn Phúc Vĩnh. Phúc Vĩnh là con trưởng Mạc Cảnh Huống. 2/ Công chúa Ngọc Vạn, không có truyện. 3/ Công chúa Ngọc Khoa, không có truyện. 4/ Công chúa Ngọc Đĩnh lấy phó tướng Nguyễu Cửu Kiều. Năm Giáp Tỵ (1684, Lê Chính Hòa năm thứ 5), mùa đông, Ngọc Đĩnh Mất.

Vâng, chỉ có 7 chữ: Công chúa Ngọc Vạn, không có truyện.

Lăng mộ, đền đài tưởng niệm bà đều không có. Có còn chăng là ngôi chùa Gia Lào (chùa Bửu Quang) trên núi Chứa Chan mà tương truyền rằng là nơi bà ẩn tu những năm tháng cuối đời.


Núi Chứa Chan

Xưa, khi tôi còn là học sinh ở Long Khánh, suốt hơn mười năm trời cứ mỗi chiều đi học về thì xa xa phía trước mặt là ngọn núi Chứa Chan mờ mờ mây phủ. Công nữ Ngọc Vạn có đang mỉm cười trên những cụm mây trắng lững lờ kia không nhỉ? Hoàng hậu ơi, bây giờ bà đang ở nơi đâu?

Phạm Hoài Nhân

6 nhận xét:

  1. ui chao ơi, thông tin thiệt là quý giá lần đầu em mới biết đó a :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính sử Việt Nam gần như không ghi chép về điều này Bố Susu à. Các thông tin trên đều là tư liệu nước ngoài mà sau này sử gia của ta thu thập lại.

      Xóa
  2. Ghi ân cuộc đời và sự nghiệp của một công chúa. Cảm ơn Hòa Nhân.

    Trả lờiXóa
  3. Tài liệu về Công Chúa Ngọc Vạn, tôi đã đọc ở đâu đó rồi, khá dài. Dù sao, có người tưởng nhớ và viết về bà, cũng là một điều đáng quý.

    Trả lờiXóa
  4. Trong cuốn" Nam Bộ xưa và nay" 2 chương mở đầu nói về địa danh Bà Rịa và Đồng Nai có nhắc đến " Công chúa Ngọc Vạn" đọc rất hay.

    Trả lờiXóa
  5. Đài VOA có 2 bài viết về Công nương Ngọc Vạn, các bạn có thể tải về nghe tại drive này:
    https://drive.google.com/open?id=0B-BtJ_5-d7Moa3AxZnFXUWdOX28
    https://drive.google.com/open?id=0B-BtJ_5-d7MoT0tOWnBBSG5XZk0

    Trả lờiXóa