29 thg 3, 2015

Dạ thưa bà con

Tui nghĩ bà con là tiếng miền Nam. Ngoài Bắc không có từ đó, từ tương đương là gì ta? Họ hàng phải không? Ừ, thì bà con tức là họ hàng. Nhưng mà người ta nói Dạ thưa bà con hoặc là Kính thưa bà con cô bác chớ đâu có ai nói Dạ thưa họ hàng

Hai người là bà con với nhau tất nhiên là hai người có quan hệ họ hàng với nhau, nhưng những người không có quan hệ họ hàng với nhau cũng có thể là bà con. Tỷ như ở giữa chợ, cần phân bua điều gì với người xung quanh, người ta nói: Bà con coi nè, bà con thấy hôn... Đó, ở xung quanh đâu có họ hàng gì với người nói, nhưng mấy bà con đó đều hiểu rằng người ấy đang nói với mình.


Mấy bà con nầy đang tới thăm ông già Nam bộ Sơn Nam

27 thg 3, 2015

Chiều chiều bắt nhái cắm câu...

Trời chiều nay mù mù rồi mưa. Không khí ẩm ẩm, lạnh lạnh... Trời gió gió... Bỗng nhớ... bà ngoại.

Bà ngoại là con gái miền Tây, quê quán ở Cái Bè, Tiền Giang. Lấy chồng từ thuở mười tám, đôi mươi, rồi gia cảnh khó khăn, bà theo ông ngoại lên Long Khánh lập nghiệp khi gần bốn mươi tuổi. (Ông nội thì từ Bình Định bỏ quê vô Long Khánh nhiều năm trước đó. Trời khiến xui cho một gia đình quê miền Trung ở sát nhà một gia đình quê miền Tây, khiến cho Ba thương Má rồi nên vợ chồng. Nhưng thôi, chuyện đó kể sau).

Má và bà ngoại ba mươi năm trước, em bé trong hình là ai thì tự người đó sẽ nhận ra

25 thg 3, 2015

Tự sướng

Selfie là chụp hình tự sướng, ai mà hông biết! Chụp hình tự sướng là sao, chắc ai cũng biết luôn. Nhưng thôi thì cứ giải thích một chút vậy. Là có mình ên, không ai chụp hình cho mình, cũng không có ai để chụp hình chung, vậy thì mình tự chụp cho mình, xong rồi tự mình ngắm mình, tự mình khen mình, tự mình… sướng.

23 thg 3, 2015

Vẩn vơ về bảo tàng Viễn Đông Bác cổ

Bảo tàng Louis Finot thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (École Française d’Extrème - Orient), do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế năm 1925. Công trình được khởi công năm 1926 và hoàn thành năm 1932. Ngày ấy, đây là nơi trưng bày những đồ cổ thu thập từ các nước ở Đông Nam Á. Nǎm 1958, người Pháp bàn giao lại ngôi nhà này cho chính quyền cách mạng mới.

Hiện giờ, nơi đây là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nằm ngay góc phố Tràng Tiền và phố Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tuy vậy, người dân Hà Nội vẫn gọi nơi này bằng 2 tiếng Bác Cổ, thậm chí điểm dừng xe bus ở gần đấy cũng gọi là Bác Cổ.


...

21 thg 3, 2015

Sài Gòn có cây sọ khỉ, Hà Nội có cây xà cừ

Cái cây to nhất Sài Gòn là một cây sọ khỉ có danh số 1552 trong Thảo cầm viên Sài Gòn.

Đây là cây sọ khỉ có danh số 1552.

Đường kính cây sọ khỉ này hơn 3 met, ở vi trí chiều cao 1,3 met.

20 thg 3, 2015

Có bao nhiêu ngôi chùa?

Có một dạo, tôi tỉ mỉ tẩn mẩn tìm xem ở Việt Nam có bao nhiêu ngôi chùa. Wikipedia cho con số khá chi tiết: có 14.775 ngôi chùa ở Việt Nam, tiếc là không thấy nói dẫn nguồn từ đâu.

Số thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được công bố trong Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự Trung ương các ngày 26 và 27-12-2003 được tổ chức tại Thiền viện Quảng Đức (TP. Hồ Chí Minh) là : 14.401 ngôi tự viện, bao gồm:
  • 12.036 chùa Bắc tông
  • 539 chùa Nam tông Việt và Nam tông Khmer
  • 361 tịnh xá Khất sĩ
  • 467 tịnh thất
  • 998 niệm Phật đường
Chùa Quán Sứ ở Hà Nội là trụ sớ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

19 thg 3, 2015

Quan Lớn lập trang Facebook

Lâu nay Quan Lớn vẫn coi thường Facebook. Coi thường và không ưa nữa. Coi thường là vì Quan thấy nó rất nhí nhố. Ấy, thỉnh thoảng Quan vẫn nghía vô trang Facebook của thằng con nên mới biết nó nhí nhố. Nào là chụp hình tự sướng, nào là rên rỉ buồn chán, rồi ăn uống cái giống gì cũng thả hình lên Phây. Còn khó ưa là bởi vì Quan nghe nói trên đó bọn nó chửi rủa vung mạng lắm. Chửi lung tung như vậy mà mình ló mặt lên không chừng bị văng miểng!

Thế rồi hôm trước Tết, Quan Lớn nghe Thủ tướng biểu rằng các quan không được né tránh Facebook, mà phải biết sống chung với Facebook. Ngay sau Tết, Ban bí thư Trung ương Đoàn ra chỉ thị khuyến khích mỗi cấp cơ sở Đoàn lập trang Facebook riêng cho mình. Rồi cùng lúc có bà bộ trưởng cũng công khai trang Facebook.


18 thg 3, 2015

Long Ẩn cổ tự

Long Ẩn cổ tự là ngôi chùa cổ ở Biên Hòa.

Thông tin rất ngắn gọn, rõ ràng. Thế nhưng...
  • Đi tìm khắp núi Long Ẩn (Bửu Long), cả ở trên núi và dưới chân núi, có chùa rất nhiều nhưng không ngôi nào mang tên Long Ẩn cả. Chùa Long Ẩn không ở núi Long Ẩn, vậy ở đâu?
  • Long Ẩn cổ tự là ngôi chùa cổ. Sao các tài liệu nói về di tích cổ ở Biên Hòa hầu như không nhắc tới?
À, chùa đây rồi:


nhưng không phải ở trên núi hay chân núi Long Ẩn, mà ở cách đó không xa lắm. Long Ẩn cổ tự ở bên kia đường, cách núi Long Ẩn khoảng 1 km, day mặt nhìn ra sông Đồng Nai. Địa chỉ là tổ 18, khu phố 3, phường Bửu Long, nằm cạnh bên trụ sở (rất to) của Đoàn Cải lương Đồng Nai.

17 thg 3, 2015

Chẳng khen mà cũng chẳng chê

Tui hỏi các bạn vậy chớ comment trên Facebook có dễ hông?



Đừng tưởng là viết status mới khó, còn comment trên cái người ta đã viết là dễ nghen. Trước hết là phải đọc thiệt kỹ cái mà người ta post lên - có thể là bài viết, hay hình ảnh, hoặc một đường link - rồi nghiền ngẫm để hiểu ý của người ta, sau đó phải suy nghĩ kỹ càng cho nó nhuyễn nhừ cái ý của mình rồi mới còm được. Gian nan lắm chớ! Thiếu cha gì trường hợp người đưa status lên viết một đàng, mà mình xớn xác hổng chịu coi kỹ (có khi hổng chịu coi gì hết luôn ấy chứ!), giáng hạ một câu còm lãng xẹt đi một nẻo, hổng ăn nhập gì hết. Người ta chửi mình dzô dziên sướng miệng luôn!

16 thg 3, 2015

Giá trị một con người

Hồi xưa tui có đọc một câu (hình như là của Lev Tolstoi) như thế này: 

Giá trị của mỗi con người là một phân số mà tử số là năng lực mà họ thực sự có được còn mẫu số là năng lực mà họ nghĩ rằng mình có. 

Tui tin câu này như một định đề toán học và hí hoáy dựa vào định đề này để tính toán giá trị của mỗi con người (kể cả của chính mình, than ôi, cứ theo định đề này thì giá trị của chính tui bao giờ cũng nhỏ hơn 1!).

13 thg 3, 2015

Thăm Long Tuyền cổ miếu - Cần Thơ


Long Tuyền cổ miếu tức Đình Bình Thủy ngày nay đã được vua Tự Đức năm thứ 5 phong sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng ngày 29 tháng 11 năm 1852.

Ngôi đình hiện tại được xây dựng từ 1909. Đây là một trong những ngôi đình lâu đời của Nam bộ còn giữ được khá nguyên vẹn ở Cần Thơ.

Đình Bình Thủy là một công trình kiến trúc - nghệ thuật có giá trị của dân tộc Việt Nam, nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân trong những ngày lễ hội truyền thống.

Ngày 5 tháng 8 năm 1989, bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định công nhận đình Bình Thủy là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật.

12 thg 3, 2015

Aladdin và ông thần đèn

Aladdin vừa đi du lịch đã đời về. Quá vui, ăn ngon, ở sướng, tha hồ ngắm cảnh đẹp. Nhưng bây giờ về lại lâu đài của mình rồi, Alddin bỗng phát hiện ra thiếu một thứ. Chàng vội lấy cây đèn thần ra cọ một phát, thần đèn hiện ra, cung kính:
  • Thưa chủ nhân, người cần gì?
  • Ta cần một máy chụp hình thật xịn, thật cao cấp để có thể chụp hình làm kỷ niệm.
  • Chuyện nhỏ như con thỏ, thưa chủ nhân!

Ghi chép lan man ở nhà cổ Bình Thủy - Cần Thơ

Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, đi theo đường Cách mạng Tháng Tám (tức quốc lộ 91) về hướng Long Xuyên, vừa qua cầu Bình Thủy thì rẽ trái theo đường Bùi Hữu Nghĩa khoảng 800 met là tới nhà cổ Bình Thủy. Xí lộn, chỗ đó cấm quẹo trái, lỡ quẹo công an phạt ráng chịu.  Có thể quẹo phải (vô đình Bình Thủy) rồi quay đầu, hoặc chạy tới một chút rồi quay đầu.

Tui cứ tưởng là trước cổng nhà phải có bảng biển gì đó trịnh trọng lắm, nhưng hông, hổng có gì hết, nó như vầy thôi nè:



Chỉ có bảng số nhà, hông có bảng hiệu, cũng hông có bảo vệ, hông có reception gì hết. Ờ, thì đây là nhà dân mà, đâu phải cơ quan. Cổng thì mở sẵn, vô thoải mái, khỏi phải báo bẩm gì với ai hết. Qua cái cổng thì tới... cái cổng. À, đây mới là cổng chính, nó nằm lưng lửng ở sau cổng vào.

11 thg 3, 2015

Nhà cổ Bình Thủy và Ngôi nhà Người Tình

Nói đến nhà cổ ở miền Tây Nam bộ, người ta thường nghĩ ngay đến ngôi nhà Người Tình (hay nhà cổ Huỳnh Thủy Lê) ở Sa Đéc. Thế nhưng theo nhiều người thì ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây (và theo tui cũng vậy) là nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ.

Ngồi rãnh việc tui thử so sánh những đặc điểm của 2 ngôi nhà này nha bà con.


Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

9 thg 3, 2015

Đến cõi Niết Bàn

Giỡn thôi, chớ làm sao tui tới cõi Niết Bàn được! Đây là nói đến viếng Niết Bàn Tịnh xá ở Vũng Tàu á.

Nơi đây được nhiều trang du lịch xếp vào danh sách 10 danh lam - thắng cảnh phải đến khi ghé Vũng Tàu. Mà thiệt, chuyện này được ký tên đóng dấu xác nhận đàng hoàng:



4 thg 3, 2015

Giấc mơ nhất thế giới

Tui là sinh viên mới ra trường, chưa có việc làm. Dù đang thất nghiệp, nhưng như bao đứa sinh viên khác, tui có ước mơ cháy bỏng là xây dựng được một sự nghiệp phi thường. Tui sẽ tạo ra những sản phẩm thật tuyệt vời, thật xuất sắc. Sản phẩm gì thì chưa biết, xuất sắc như thế nào thì lại càng chưa hình dung ra, nhưng đó sẽ là sản phẩm xuất sắc nhất nước, và hơn thế nữa: xuất sắc nhất thế giới!

Ngày qua ngày, tui ăn mì gói hoặc gặm bánh mì chờ thời, lướt web đọc thông tin, mong đến một ngày mình sẽ nhất thế giới.

Rồi một hôm tui đọc được thông tin một công ty Việt Nam tuyên bố: sắp cho ra mắt smartphone đẹp nhất thế giới. Tui tê tái cả người luôn, vừa mừng vừa tủi. Mừng vì Việt Nam mình hay quá, giỏi quá, làm được cả smartphone đẹp nhất thế giới, đi sau mà về trước những tên tuổi lẫy lừng trong lĩnh vực này như Apple, Samsung luôn. Tủi vì người khác làm được điều này chứ không phải là mình.

Rồi không chỉ trong lãnh vực kỹ thuật, tui thấy đâu đâu người ta cũng làm ra những thứ nhất thế giới. Tô hủ tiếu bự nhất thế giới, cái bánh chưng to đùng nhất thế giới... (họ thì nói là nhất Việt Nam thôi, nhưng đã nhất Việt Nam thì đương nhiên là nhất thế giới rồi, vì ngoài Việt Nam ra thì thế giới đâu có ai... làm chuyện khùng vậy!)

3 thg 3, 2015

Anh có biết cây bàng bên dòng sông Đồng Nai?

Anh có biết cây bàng bên dòng sông Đồng Nai
Đã viết bao nhiêu lá thư tình
Gửi xuống lòng sông
Chờ đợi?


Đó là đoạn đầu bài thơ rất được yêu thích của nhà thơ nữ Khương Hà: Cây bàng bên dòng sông Đồng Nai. Cô sáng tác bài thơ này khi tuổi mới mười tám đôi mươi, ngồi ở quán cà phê Cây Bàng bên dòng sông Đồng Nai, nhìn những chiếc lá bàng lả tả rơi, trôi theo dòng nước.

Bài thơ kết thúc bằng khổ thơ:

Anh có biết cây bàng yêu dòng sông Đồng Nai
mà dòng sông cứ xuôi về biển cả
Không hiểu nổi một điều nghiệt ngã
Phía xa khơi sẽ tan mất chính mình

Cây bàng bên dòng sông Đồng Nai. Ảnh chụp từ quán cà phê Cây Bàng, 2010 (PHN).

2 thg 3, 2015

Chùa Vĩnh Hưng - ngôi chùa đá ở Sóc Trăng

Nếu bạn đã từng đến Sóc Trăng và thăm những ngôi chùa nổi tiếng ở đây lâu nay, như chùa Dơi, chùa Khleang, chùa Đất Sét... thì bạn hãy thử thay đổi bằng cách viếng một ngôi chùa có phong cách khác hẳn nhé: đó là chùa Vĩnh Hưng.

Chùa Vĩnh Hưng - còn gọi là Tổ đình Vĩnh Hưng - tọa lạc tại số 110 Trần Hưng Đạo, khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng. Xưa kia chùa được gọi là chùa Cây Điệp (có lẽ vì ở chùa có cây điệp?), còn bây giờ chùa còn được gọi là chùa Đá bởi vì chùa được xây dựng bằng đá nguyên khối, mỗi khối có kích thước 30 x 20 x 20 cm.

1 thg 3, 2015

Chuyện về chùa Vĩnh Hưng ở Sóc Trăng

Lý do tôi đến viếng chùa Vĩnh Hưng ở Sóc Trăng là: nghe nói đây là ngôi chùa có kiến trúc theo kiểu Nhật Bản. Từng đến Sóc Trăng nhiều lần và thăm viếng nhiều ngôi chùa nổi tiếng nơi đây nhưng tôi chưa từng nghe ở Sóc Trăng có chùa Nhật Bản, mà chỉ có chùa Khmer (chùa Dơi, chùa Khleang...), chùa Việt - Hoa (chùa Đất Sét)...

Thế nhưng khi đến đây, ngoài việc ngôi chùa đúng là xây theo kiểu Nhật thì thu hút tôi còn là câu chuyện về lai lịch ngôi chùa...


Chùa Vĩnh Hưng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân