26 thg 9, 2016

Ngọn Chứa Chan mây phủ chiều tà

Hồi xưa á, tui ở Long Khánh, chả mấy khi được đi đâu. Đọc truyện, đọc thơ thấy người ta tả dòng sông thơ mộng, tả núi cao hùng vĩ mà... ấm ức. Vì ở Long Khánh hổng có sông để mình... làm thơ (có suối thôi, mà chỉ sau này mới biết nhớ biết thương con suối, chớ hồi đó... coi thường suối lắm, vì suối làm sao mà bằng sông!).

Núi thì chẳng có trùng trùng điệp điệp như dãy Trường Sơn, ngút ngàn cao như Hoàng Liên Sơn. May mà còn có núi Chứa Chan đứng trơ vơ, nhưng ở tuốt Xuân Lộc. Ở Long Khánh có thể nhìn thấy núi Chứa Chan, nhưng tui chưa tới được bao giờ. Dù sao thì có còn hơn không!


25 thg 9, 2016

Xa rồi Long Khánh

Hồi đó, năm 1977 vô đại học, lần đầu tiên xa nhà Long Khánh. Sài Gòn cách Long Khánh 80 cây số chớ có nhiêu đâu, mỗi tuần mỗi về được mà! Vậy đó mà nhớ da diết. Vì hồi đó mua vé xe đò khó khăn và... mắc tiền (đừng cười nha, thời đó hổng có đủ tiền mua vé xe là chuyện bình thường) là một lẽ, nhưng phần khác do bản tính tui nó ủy mị, yếu đuối - theo đúng kiểu mà hồi đó người ta kêu là tiểu tư sản!


21 thg 9, 2016

Bún mắm Bạc Liêu

Không biết vì cớ làm sao tui lại khoái ăn bún mắm, lẩu mắm miền Tây - nếu có chất Khmer thì càng khoái. Bởi vậy lê la các tỉnh miền Tây tui không thể bỏ qua bún mắm (hoặc lẩu mắm) Long An, Cần Thơ, Châu Đốc, hoặc một dạng khác của nó là bún nước lèo ở Sóc Trăng, Trà Vinh... Ấy, nhưng mà lại chưa ăn bún mắm Bạc Liêu.

Trưa nọ đang lang thang ở Sài Gòn thì mắc mưa, chợt thấy có quán Bún mắm Bạc Liêu trên đường Lạc Long Quân. Cơn ghiền nổi lên nên tui liền tấp vô ăn. 

19 thg 9, 2016

Mắt cá ngừ đại dương

Một con cá có 2 con mắt. Nhỏ như cá lòng tong có 2 con mắt, to như cá mập cũng chỉ có 2 con mắt. To vừa vừa như con cá ngừ đại dương cũng có 2 con mắt thôi. Mỗi con mắt cá ngừ đại dương to như cái chén, ăn ngon hết xẩy. Và như đã nói một con cá ngừ đại dương nặng bình quân 50 ký - tha hồ xẻ thịt - thì cũng chỉ có 2 con mắt. Do đó món này hiếm!

Phú Yên là thủ đô cá ngừ của Việt Nam nên cá ngừ ở đây nhiều nhất nước, nhưng mà con cá bắt lên họ xẻ thịt bán các nơi, còn mắt cá thì tại đây ăn gần hết, chia cho các nơi chẳng bao nhiêu!

Tui may mắn ăn mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc Bắc ở ngay tại Biên Hòa một lần. Ghiền luôn! Vậy nên có dịp ra Phú Yên phải ăn mắt cá ngừ đại dương ngay tại thủ đô cá ngừ cho thỏa mãn!



Lượm chữ gắn vô

Dáng vẻ của Ba Trợn đậm nét suy tư. Suy tư cái gì, cứ nghe nó tâm sự với Hai Ẩu thì biết.
  • Anh Hai nè, dạo này có nhiều người làm thơ đưa lên Phây làm em bứt rứt quá!
  • Ơ, sao bứt rứt? Người ta có cảm xúc thì người ta làm thơ, mắc gì bứt rứt?
Ba Trợn càm ràm: Thơ hay thì hổng nói gì, thơ khua lổn cổn lẻng kẻng mà cũng đưa lên và cả đám ùa vô khen là hay quá, tuyệt dzời... Em hổng làm thơ được như người ta cho nên em...
  • Hiểu! GATO chớ gì? Thơ hay thì phải có khiếu, còn làm thơ thả lên Phây thì anh chỉ cho chú mầy được. Chỉ cần lượm chữ gắn vô là ra thơ ngay ấy mà!
  • Là sao anh? Anh thí dụ cho em đi.
Hai Ẩu cười hì hì, nói: Nhưng mà lượm chữ gắn vô cũng thường, anh chỉ cho chú một chiêu cao siêu hơn, là lượm mẫu tự gắn vô. Thí dụ như 2 câu thơ này:

MKNHƯƠ
NKMHMRQN

16 thg 9, 2016

Hải đăng Đại Lãnh

Mũi Điện nằm trên miền núi hòn Bà thuộc dãy Đại Lãnh (dãy núi này kéo dài từ Khánh Hòa sang Phú Yên). Đây là điểm cực Đông của Việt Nam, có tọa độ 109o27'12" kinh đông và 12o53'40" vĩ bắc, cao 86 met so với mực nước biển. Một sĩ quan Pháp tên Varella có công phát hiện ra mũi này nên người Pháp đặt tên là mũi Varella (Cap Varella).

Với vị trí đặc biệt của Mũi Điện, năm 1890 người Pháp đã cho xây nơi đây ngọn hải đăng mang tên hải đăng Mũi Điện. Hải đăng này còn được gọi là hải đăng Varella (theo tên Pháp), hải đăng Đại Lãnh (theo tên dãy núi). Hải đăng này đã bị bỏ phế khi người Pháp rút đi rồi bị tàn phá trong chiến tranh. Hải đăng hiện nay được khôi phục lại năm 1997.



14 thg 9, 2016

Điệp Sơn du hí

Từ TP. Nha Trang đến xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh khoảng 60 km. Ở đó, xuất phát từ cảng cá Vạn Giã đi tàu mất khoảng 40 phút sẽ đến thôn đảo Điệp Sơn. Nói vậy để thấy rằng Điệp Sơn khá xa đất liền, xa nơi phồn hoa đô hội.

Thôn Điệp Sơn gồm 3 hòn đảo, một lớn, hai nhỏ. Điểm độc đáo là có con đường giữa biển và nằm dưới mặt nước biển khoảng nửa mét nối liền 3 đảo này. Con đường này chỉ mới được bạn Ngô Trần Hải An và các bạn phượt phát hiện cách đây hơn một năm, còn trước đây trừ dân bản xứ thì không ai biết nơi này cả. Nơi đây thưa thớt dân cư, không có điện lưới, mỗi buối tối chỉ phát điện 3 tiếng.

Như vậy, điểm hấp dẫn của Điệp Sơn chính là khám phá nét hoang sơ và con đường độc đáo dưới biển. Tuy nhiên, sau khi được phát hiện thì nơi này đã trở thành một điểm đến trong các tour du lịch và đã xuất hiện các dịch vụ tại đây. 


Đã có bảng giới thiệu dịch vụ ngay tại cảng cá Vạn Giã

9 thg 9, 2016

My First7Jobs

Cái trò #first7jobs kể cũng hay. Nó giúp mình ôn lại kỷ niệm xưa với những công việc đầu đời kiếm tiền. Vậy nên xin kể lại đây ạ.

1. Đấm bóp: Là đấm bóp cho ông ngoại ấy mà, hồi còn nhỏ xíu, lúc còn ở nhà ngoại, tức là khoảng 7-8 tuổi trở xuống. Ông ngoại kêu là đấm lưng. Mỗi lần ông cho 1 đồng, rồi sau đó là 2 đồng (không phải tui đấm bóp giỏi hơn, mà là tiền mất giá và ông ngoại thương).

2. Viết báo: Cỡ 10, 11 tuổi trở lên là bắt đầu viết báo, làm thơ đăng báo. Thơ đăng báo của con nít thì hổng có tiền nhuận bút đâu (được đăng là mừng thấy mồ tổ rồi), nhưng tham gia thêm các mục đố vui hay gì gì đó, có thưởng. Nói chung là... có thu nhập.

3. Làm báo: Làm báo khác viết báo à nghen. Hồi đó thành lập ra một bút nhóm kêu là Bút nhóm ABC. Cuối năm 1972 qua đầu năm 1973 (13 tuổi) đứng ra tổ chức làm một Đặc san Xuân của bút nhóm, có mời đăng quảng cáo và có tổ chức bán báo đàng hoàng - có thu nhập (hình như là tiền lời đủ... nấu một nồi chè bắp).


6 thg 9, 2016

Cao Biền ở đất Phú Yên

Cao Biền (821-887) là một danh tướng đời nhà Đường. Tên tuổi Cao Biền gắn với những truyền thuyết huyền hoặc của người Việt. Những truyền thuyết ấy kể rằng Cao Biền thấy ở đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thủy đẹp, và chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu.

Truyền thuyết núi Cánh Diều ở Ninh Bình kể rằng Cao Biền thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam, khi bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sĩ cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó hòn núi mang tên là núi Cánh Diều.

Ở Phú Yên có một gò cát và đất sỏi gọi là mả Cao Biền.

Mả Cao Biền ở Tuy An. Ảnh: Trần Quỳ trên Báo Phú Yên online