19 thg 9, 2016

Lượm chữ gắn vô

Dáng vẻ của Ba Trợn đậm nét suy tư. Suy tư cái gì, cứ nghe nó tâm sự với Hai Ẩu thì biết.
  • Anh Hai nè, dạo này có nhiều người làm thơ đưa lên Phây làm em bứt rứt quá!
  • Ơ, sao bứt rứt? Người ta có cảm xúc thì người ta làm thơ, mắc gì bứt rứt?
Ba Trợn càm ràm: Thơ hay thì hổng nói gì, thơ khua lổn cổn lẻng kẻng mà cũng đưa lên và cả đám ùa vô khen là hay quá, tuyệt dzời... Em hổng làm thơ được như người ta cho nên em...
  • Hiểu! GATO chớ gì? Thơ hay thì phải có khiếu, còn làm thơ thả lên Phây thì anh chỉ cho chú mầy được. Chỉ cần lượm chữ gắn vô là ra thơ ngay ấy mà!
  • Là sao anh? Anh thí dụ cho em đi.
Hai Ẩu cười hì hì, nói: Nhưng mà lượm chữ gắn vô cũng thường, anh chỉ cho chú một chiêu cao siêu hơn, là lượm mẫu tự gắn vô. Thí dụ như 2 câu thơ này:

MKNHƯƠ
NKMHMRQN

Ba Trợn cũng cười hí hí, nói: Ý, 2 câu này em biết, nó đọc lên thành:

Em ca anh hát u ơ
Anh ca em hát, em rờ...

Hai Ẩu ngăn lại: Tốp! Đọc tới đó đủ rồi. Giờ coi anh Hai mầy triển khai kỹ thuật làm thơ nghen.


Nói xong, Hai Ẩu viết ra giấy mấy chữ cho nó như vầy:

DDMDD
MUBIG

Ba Trợn tròn mắt, hỏi: Ủa, đọc lên có ra cái giống gì đâu anh Hai? Mà sao có Manchester United to lớn (MUBIG) ở đây nữa?

Hai Ẩu gằn giọng: Ai biểu đọc theo mẫu tự tiếng Việt? Đọc theo mẫu tự tiếng Anh á, nó sẽ thành 2 câu thơ ngũ ngôn:

Đi đi, em đi đi
Em yêu, bi ai gì?

Trong lúc Ba Trợn đang há hốc miệng thán phục thì Hai Ẩu nói tiếp: Hai câu này nếu "chuyển thể" sang lục bát thì nó sẽ thành:

Đi đi, em cứ đi đi
Em yêu ta hỡi, có gì bi ai?

Rồi Hai Ẩu viết tiếp:

UMI2T
AVI2D

Hai Ẩu biểu Ba Trợn đọc thử coi 2 câu này nghe ra sao. Sau một chút ngẫm nghĩ, Ba Trợn đọc:

Yêu em, ai thủ thỉ
Ơ, vì ai thu đi?

Hai Ẩu vỗ vai Ba Trợn, khen: Giỏi, chú em giỏi! Vậy là ta có bài ngũ ngôn tứ tuyệt:

Đi đi, em đi đi
Em yêu, bi ai gì?
Yêu em, ai thủ thỉ
Ơ, vì ai thu đi?

Nếu chuyển sang lục bát thì nó sẽ thành:

Đi đi, em cứ đi đi
Em yêu ta hỡi, có gì bi ai?
Yêu em, thủ thỉ bên tai
Rằng: Ôi, thu đã vì ai đi rồi?

Khà khà, lượm chữ gắn vô là thành thơ! Dễ ẹc hà, phải hông?

Hai Ẩu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét