Thức uống này làm từ cánh hoa của dây đậu biếc. Như tên của nó, đây là một loại đậu có hoa màu xanh biếc. Thức uống pha từ hoa này cũng có màu xanh biếc như vậy (ly bên phải trong hình). Điều thú vị là khi nặn chanh (tắc) vào ly nước thì nó sẽ từ từ chuyển sang màu tím, cũng đẹp lung linh không kém màu xanh biếc (ly bên trái trong hình).
Dây và hoa đậu biếc. Ảnh lấy từ trang ecolandscape.vn
Trà đậu biếc có thể uống nóng hoặc lạnh, có thể thêm chanh, đường.
Tách trà bên trái chưa có chanh, màu xanh. Tách trà bên phải vừa được nặn chanh, đang ngã sang màu tím.
Công dụng của trà đậu biếc thì nhiều lắm: tốt cho mắt, cho da, cho tóc. Nhiêu đó thôi là thấy uống trà này sẽ... trẻ mãi không già rồi ha!
Nước của hoa đậu biếc tươi và khô đều có thể nhuộm thực phẩm để cho ra màu xanh dương đẹp mắt. Như ở Thái Lan và Malaysia, người ta đun sôi những bông hoa đậu biếc để lấy dung dịch nước đậu biếc màu xanh để tô màu cho gạo nếp.
Bây giờ mới là chuyện lãng mạn hơn nè, đó là chuyện về hoa đậu biếc. Hình dáng hoa như vầy:
Mặt trước và mặt sau của hoa đậu biếc. Ảnh: Wikipedia
Tên khoa học của đậu biếc là Clitoria ternatea. Ai biết tiếng Anh khi đọc chữ clitoria đều liên tưởng ngay đến chữ clitoris, nghĩa là cái kia của người phụ nữ. Mà đúng như vậy thiệt, tên Latinh clitoria chính là diễn tả âm vật của phụ nữ. Sở dĩ có tên đó là vì... bạn nhìn hoa coi, có phải nó... y chang cái kia không?
Wikipedia nói rằng tên hoa như trên được đặt lần đầu tiên do một nhà thực vật học Đức tên Rumpf vào năm 1678. Hiện giờ ở nhiều ngôn ngữ khác nhau, tên hoa cũng đều có từ ám chỉ đến cơ quan sinh dục nữ. Ở Việt Nam thì không, chứ nếu có chắc nó sẽ mang tên hoa...
Đó, bây giờ mọi người đã hiểu vì sao ngay từ đầu tui đã nói đây là một thức uống đẹp và dễ thương rồi chớ gì?
Nâng ly trà đậu biếc lên uống, tui nhớ thơ Nguyễn Bính:
Ta uống cả em và uống cả
Một trời quan tái mấy cho say?
À không, phải như vầy mới đúng:
Ta uống cả em và uống cả
Một trời biêng biếc mấy cho say?
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét