25 thg 2, 2017

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

1. 
Hàng năm, cứ đến dịp Tết Nguyên đán là hoa mai anh đào ở Đà Lạt lại nở rộ tạo thêm nét hấp dẫn cho thành phố hoa. UBND tỉnh Lâm Đồng thấy vậy khoái lắm, nên quyết định tổ chức Lễ hội mai anh đào để hút khách du lịch tới đây ngắm hoa. Lễ hội mai anh đào đầu tiên dự kiến tổ chức vào giữa tháng 1/2017 - tức là khoảng cận Tết âm lịch, sure là hoa sẽ nở, Tết mà!

Nhưng gần Tết, những cây mai anh đào ở Đà Lạt hổng thèm có hoa, lấy gì mà nở? Hơi quê, nhưng UBND tỉnh đâu chịu thua. Bàn tay ta làm nên tất cả mà, tỉnh Lâm Đồng quyết dời lễ hội mai anh đào chậm đi một tháng, tới ngày 11/2/2017, nghĩ thầm mấy cô nàng mai anh đào này có lì lắm thì thêm gần một tháng nữa cũng phải nể mặt quan trên mà nở chứ!

Nhưng gần tới ngày 11/2, vẫn chả có tín hiệu khả quan nào hết. Hổng lẽ dời ngày nữa? Tỉnh Lâm Đồng đành tuyên bố hủy bỏ Lễ hội mai anh đào. Quê độ lắm đó, nhưng biết làm sao hơn?

Về lý do mai anh đào nở muộn và thời điểm nào hoa nở, anh Khiếu văn Chí có bài viết thú vị trên Facebook, mà tui xin phép trích đăng lại ở cuối bài viết này.

2.
Tui hỏi bạn bè mình ở Đà Lạt là anh Chí, anh Tài rằng ước chừng ngày nào mai anh đào nở rộ để lên thăm các anh và ngắm hoa. Được biết rằng hoa sẽ nở khoảng đầu tuần 20/2/2017. Ngày thứ Ba, 21/2, các anh cho biết hoa nở rồi nhưng lưa thưa chớ không rộ như các năm trước. Đâu sao! Miễn có là được rồi. Tui lên đường đi Đà Lạt đêm 21/2.

Tui, Bùm và anh Hà Duy Đức đi dọc theo đường Trần Hưng Đạo - là con đường nội ô Đà Lạt có nhiều mai anh đào nhứt - để ngắm hoa và chụp hình. Đúng như các bạn đã nói, hoa nở rộ rồi nhưng không nhiều lắm. Tuy vậy, cũng làm thành phố bảng lảng sắc hồng và thêm lung linh. Vài tấm hình chụp được như vầy nè:






Nói chung là có hoa, nhưng rải rác, lưa thưa dọc hai bên đường chứ không nở rợp cả khung trời như ta tưởng tượng. Muốn nhìn cho có vẻ nhiều hoa thì... chụp hoa không thôi, đừng chụp con đường.



Hoặc là chen thêm mimosa vô, cho nó... phong phú! 



Tụi tui chạy hết đường Trần Hưng Đạo, chạy về hướng Trại Mát, rồi sau đó theo tỉnh lộ 723 lên Lạc Dương. Rải rác bên đường có những cây mai đào đang ra hoa, nhưng cũng chỉ rải rác mà thôi...

3.
Ngay lúc ở Đà Lạt, tui mở điện thoại ra và đọc tin trên mạng. Có một tin với tiêu đề như vầy: Nhuộm hồng phố núi với hoa mai anh đào nở rộ khắp Đà Lạt. Ái chà, thiệt hông ta? Ngày đăng tin là 22/2/2017 tức là đúng ngày tui đang ở Đà Lạt đây. Vậy chắc mình già rồi, mắt lòa nên không thấy mai anh đào nhuộm hồng Đà Lạt. Bài báo có hình nhiều, dĩ nhiên rồi, thấy mới tin chớ. Dưới đây là vài hình mà tui xin đăng lại:





Chú thích cho các hình nói trên là đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt.

Hic, con đường đúng là đường mình đi qua, ngày đúng là ngày mình có mặt nơi ấy, vậy mà sao cặp mắt phàm phu tục tử của mình không thấy được như người viết bài vậy ta? Tui bàng hoàng ngó xuống dưới bài coi tên tác giả là ai để tỏ lòng ngưỡng mộ thì thấy ghi như sau: Na tổng hợp từ Internet. Ôi, đúng là người cõi trên thiệt rồi!

Tui ngắm mấy tấm hình mai anh đào của ai kia đăng năm nay mà bỗng nhớ thơ Thôi Hộ: Đào hoa y cựu tiếu đông phong - đã được dịch sang tiếng Việt Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Ờ, đúng rồi, Hoa đào năm ngoái còn cười hi hi!


Hai Ẩu

Bài viết của anh Khiếu văn Chí trên Facebook 24/2/2017

Mai Anh Đào nở! Du khách lại nườm nượp lên Đà Lạt ngắm hoa. Ai cũng nói nào là năm nay hoa nở muộn, xuân đến muộn, thời tiết thất thường bla bla bla... Thưa quý vị hoa nở đúng tiết vũ thuỷ như mọi năm chớ chả muộn gì hết trơn, chỉ có tết Nguyên Đán năm nay sớm thôi. Xuân là xuân mà tết là tết. Tết Nguyên Đán của Tàu có thể đến trong khoảng từ 21/1 dến 19/2 dương lịch, còn xuân thì đến vào ngày 5 hoặc 5/2 dương lịch, gọi là ngày lập xuân. Mai Anh Đào luôn nở trong khoảng từ tiết lập xuân đến tiết vũ thuỷ, và năm nay cũng đúng như thế.




Tết Nguyên Đán của Tàu rơi vào tiết nào, ngày dương lịch nào là theo bảng này, cứ 19 năm lại lặp lại, xê xích chỉ 1 ngày thôi. Trong bảng này, cột bên trái là ngày dương lịch, ô màu vàng là ngày tết Nguyên Đán của Tàu, dòng dưới cùng là số dư của phép tính số hiệu của năm dương lịch chia cho 19, ví dụ 2017 chia cho 19 có số dư là 3. cột bên phải là tiết khí, những năm tô màu đỏ là năm nhuận âm lịch, những năm này tết Nguyên Đán của Tàu luôn đến sớm, rơi vào tiết đại hàn cho nên Mai Anh Đào không thể nở trước tết được. Những năm liền sau năm nhuận, tết Nguyên Đán của Tàu đến sau tiết lập xuân, gần tiết vũ thuỷ nên Mai Anh Đào nở đúng tết.

Chu kỳ 19 năm này Tàu gọi là "chương", phương Tây gọi là chu kỳ Metonic, là chu kỳ mà ngày dương lịch và ngày âm lịch trở lại như cũ, chỉ sau khoảng 4 lần 19 năm thì mới đổi một chút, Tàu gọi 4 lần 19 năm là một "bộ." Sở dĩ như vậy là vì năm dương lịch có 365,24 ngày, tháng âm lịch có 29,53 ngày, hai số này không có bội số chung nhưng 19 năm dương lịch gần xấp xỉ bằng 235 tháng âm lịch (365,24x19 ≈ 6939,56 ngày ≈ 235x29,53 ≈ 6939,55 ngày.) Nếu mỗi năm âm lịch chỉ có 12 tháng thì 19 năm là 228 tháng, thiếu 7 tháng so với 235 nên trong 19 năm phải có 7 năm nhuận.


Cái chính là thời tiết thì phụ thuộc lớn nhất vào mặt trời, do góc chiếu của nắng thay đổi trong năm mà nhiệt lượng thu được từ mặt trời biến đổi sinh ra các mùa, thời tiết phụ thuộc rất ít vào mặt trăng vì mặt trăng cung cấp rất ít năng lượng cho trái đất, hầu như không đáng kể. Vậy thì hoa nở hay mùa màng là theo dương lịch chứ không theo âm lịch, trái với nhiều người Việt vẫn cứ nghĩ thời tiết, mùa màng phụ thuộc âm lịch, quan niệm sai lầm này cứ tồn tại dai dẳng mãi chả biết đến khi nào mới dứt nữa.

Khiếu văn Chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét