Chuyện tui muốn kể là vầy: Cách đây ít lâu tui đăng một bài viết có nhắc tới Dinh Vạn Thủy Tú. Anh Mai Lĩnh thắc mắc rằng Vạn nghĩa là làng chài, đã là làng sao lại còn dinh nữa? Tui giựt mình, nghĩ rằng mình ghi lộn nên search Google coi sao. Té ra trên mạng ghi là Dinh Vạn Thủy Tú cũng có, mà Đình Vạn Thủy Tú cũng có. Vậy là dinh hay đình? Tui thắc mắc quá nên quyết tới tận nơi coi cho rõ.
Trong khuôn viên này có 3 phần chính. Nơi trưng bày bộ xương cá voi là một gian nhà mới xây, có phòng bán vé cho du khách tham quan. Đây không phải là di tích, bộ xương được trưng bày mới là di tích.
Một khoảng đất rộng gọi là Ngọc Lân Thánh địa dùng để mai táng cá Ông mỗi khi Ông lụy và dạt từ biển vào.
Và cái chính, kiến trúc cổ được xây dựng từ năm 1762 là đây:
Nó được xây dựng như một cái đình. Vừa từ ngoài bước vào là võ ca (nơi diễn tuồng hát bội của đình làng)
Và bên trong là những thiết kế, bài trí thờ phụng như các đình làng
Bàn thờ chính
Bàn thờ Tiền tạo - Hậu tạo
Bàn thờ Tiền hiền - Hậu hiền
Có khác chăng so với các đình làng khác là nơi đây có một tẩm, là nơi đặt các xương cốt của Ông, và có bàn thờ các vị thần liên quan đến nghề biển. Như vậy, đích thị đây là đình Vạn Thủy Tú chứ không phải dinh. Và bởi vì vạn nghĩa là làng chài, cho nên đình Vạn Thủy Tú chính là đình làng Thủy Tú, rất là hợp lý.
Ngoài ra nơi đây còn có một Bằng Công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia ghi rõ là Đình Vạn Thủy Tú.
Tưởng vậy là chắc ăn rồi, nhưng...
Hầu hết các bảng tên, bảng ghi ở đây đều ghi là Dinh Vạn Thủy Tú. Thí dụ:
Chưa hết, bia di tích ở nơi đây thì ghi như sau:
Vạn Thủy Tú thôi, không có đình hay dinh gì hết! Thế nhưng, như đã nói Vạn nghĩa là làng chài, như vậy dịch chữ Vạn Thủy Tú ra tiếng Anh là Thuy Tu Temple hình như là không ổn lắm.
Tóm lại, tui đến tận nơi xem cho hết thắc mắc, kết quả là bây giờ thắc mắc nhiều hơn. Thôi thì kể lể lại đây, mong được các bậc đàn anh giải đáp dùm.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét