13 thg 2, 2017

Những nẻo đường Việt Nam - Suốt từ Cà Mau dài tới Nam Quan

1.
Hôm nọ, bạn Nam Ròm post lên Facebook đoạn video clip Khánh thành đường Đất Đỏ - Xuyên Mộc năm 1967. Xem lại những hình ảnh xưa rất xúc động, nhưng đặc biệt xúc động tới... muốn khóc là nghe nhạc nền trong phim: Bài Những nẻo đường Việt Nam với giọng ca Duy Khánh - Hương Lan.


Giai điệu ấy, giọng hát ấy đã từng vang lên trong những năm tháng trẻ nhỏ của tôi vào thập niên 1960, gợi lên bao luyến lưu da diết:

Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mau dài tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam

Điệp khúc của bài hát lại càng quen thuộc, thân thương

Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Yêu là yêu là yêu những nẻo đường ơi
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Ai đành tâm được sao chia đường cách đôi?

Bài hát này rất được yêu thích và thông dụng thuở ấy, đến nỗi đoạn điệp khúc cải biên này cũng rất quen thuộc:

Yêu là yêu là yêu chúng mình yêu nhiều
Yêu là yêu là yêu chúng mình quá yêu

Bạn Thận Nhiên khoét sâu nỗi buồn, nỗi nhớ bằng lời comment:

Ừ, phê quá, và đau. Đau từ ngay câu đầu: "Những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mau dài tới Nam Quan...". Ngày xưa bọn mình được dạy về ải Nam quan, chuyện Nguyễn Trãi theo Nguyễn Phi Khanh đến đây, nợ nước thù nhà. Những dấu tích, bài học như vậy đã bị hư vô hoá trong lịch sử lẫn ký ức của cộng đồng.

2.
Hồi nhỏ nghe nhiều, hát nhiều bài này nhưng không để ý đến tên tác giả. Nay nghe lại bài hát xưa, tôi tìm xem người nhạc sĩ sáng tác bài này là ai và biết được là Thanh Bình. Ô, cái tên này nghe quen quá. Phải chăng là nhạc sĩ Thanh Bình, tác giả bài hát tuyệt vời Tình lỡ

Thôi rồi còn chi đâu em ơi
Có còn lại chăng dư âm thôi

Đúng là như vậy thật! Thông tin trên mạng cho biết sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Thanh Bình chính là bài Những nẻo đường Việt Nam.

Tình lỡ là một tuyệt tác được nhiều người yêu thích, được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện thành công Khánh Ly, Lệ Thu, Ngọc Lan rồi sau này là Lệ Quyên. Người nhạc sĩ tài hoa ấy sáng tác không nhiều, ít được nhắc đến. Ông từ giã cõi đời ngày 23/5/2014 trong cảnh đói nghèo, cô quạnh.




3.
Tôi ngồi nghe lại hai nhạc phẩm để đời của người nhạc sĩ tài hoa mệnh bạc. Nghe đan xen với nhau và những cảm xúc bùi ngùi cũng đan xen với nhau.

Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mau dài tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam

Rồi thì cảm nhận rằng

Thôi rồi còn chi đâu em ơi
Có còn lại chăng dư âm thôi

Như lời bạn Thận Nhiên cảm thán:Những dấu tích, bài học như vậy đã bị hư vô hoá trong lịch sử lẫn ký ức của cộng đồng. Bỗng nghe vàng mùa thu...

Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi thu thiết tha

Bạn ơi, không còn gì thật rồi...

Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi

Phạm Hoài Nhân

Ghi chú thêm: Đây là bản nhạc Những nẻo đường Việt Nam, phần lời ghi trong bản nhạc có vẻ chưa đúng lắm. Tôi ghi lại phần lời theo lời ca nghe được từ giọng ca Duy Khánh - Hương Lan ở phía dưới.




Những nẻo đường Việt Nam 

Sáng tác: Thanh Bình

Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam.

Những nẻo đường về đâu?
Ánh chiều chìm sâu bờ lúa thương nhau
Ôi những nẻo đường về đâu?

Ơi, ta đắp đường làng ta
Nhắn ai đi chớ quên quê nhà
Con đường về thôn vui quá

Ơi, ta bước trên đồi cao
Xóm em ánh trăng soi lối vào
Những nẻo đường gặp gỡ duyên nhau.

ÐK:
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Yêu là yêu là yêu những nẻo đường ơi
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Ai đành tâm được sao chia đường cách đôi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét