18 thg 2, 2017

Hui nhị tì

Hồi nhỏ, thỉnh thoảng tui nghe ông ngoại (gốc Quảng Đông) nhắc mấy tiếng Hui nhị tì. Tui biết mấy tiếng đó có nghĩa là chết. Lúc đó tui cũng biết chữ nhị tì có nghĩa là nghĩa địa, bởi vì từng nghe người ta kêu như vậy. "Hui" tuy không biết là gì nhưng hễ mà có liên quan tới nghĩa địa thì là chết cũng không khó hiểu lắm. Rồi tui đọc truyện ngắn Hui nhị tì của Bình Nguyên Lộc, mới nghe ổng giải thích rằng "Hui nhị tì" là cách người Quảng Đông phát âm chữ "Khứ nghĩa địa", có nghĩa là "tới nghĩa địa" - vậy tức là chết. Coi như hiểu!


Chỉ có nói đến "chết" thôi mà tiếng Việt có lắm cách nói (Bằng Giang đã từng thống kê tiếng Việt có tới... hơn 1.000 cách để diễn tả cái chết). Từ trần, lìa đời, qui tiên. nhắm mắt xuôi tay, về chốn suối vàng... thì dễ hiểu rồi. Lắc léo một chút là đi bán muối, tức là chầu Diêm vương (vì Diêm muối mà!).

Rồi tui nghĩ tới những tiếng lóng bình dân Nam bộ. "Ngủm củ tỏi" cũng có nghĩa là chết. Ngủm, hay ngỏm là chết thì biết rồi, nhưng sao lại có "củ tỏi" vô đây? Có người lý giải như vầy: Đó chính là chữ "chết toi" mà ra. Toi cũng là chết. Từ "chết toi" chuyển thành "ngủm toi", rồi từ "ngủm toi" đọc thành "ngủm tỏi", sau đó thành "ngủm củ tỏi" cho nó... vui! Nghe cũng hơi có lý, nhưng chẳng biết đúng sai thế nào. Ai có cách giải thích khác xin nói dùm.

Rồi tui lại nghĩ tới chữ "ngủm cù đèo" cũng là chết. Hic, tới đây thì hẳn. "Cù đèo" là cái quái gì ta? Ai biết nói dùm đi.

Trong khi chờ ý kiến của các vị cao nhân giải thích, hoặc đưa ra những từ chỉ cái chết... hay hay, tui xin dẫn 2 câu thơ chỉ cái chết của Nguyễn Bảo Sinh mà tui rất khoái và cho rằng rất đậm tính nghệ thuật lẫn... triết học.

Cuối cùng tất cả chúng ta
đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân


Hai Ẩu

1 nhận xét:

  1. Người Quảng Nam xài chữ "ngoẻo" nghĩa là "chết". "Cù đum" chỉ dáng nằm co người lại (hổng biết có giống tư thế chết khi bị uốn ván không?). "Ngoẻo cù đum" nói lái thành "ngủm cù đeo" dzậy mà. Anh Hoài Nhân viết đọc thấy dzui quá. Thiệt á!

    Trả lờiXóa