12 thg 2, 2017

Ngôi mộ cổ ở công viên Tao đàn

Tôi vẫn thường nghe nói về một ngôi mộ cổ ở công viên Tao đàn, nhưng nhiều lần vào đó mà không biết, không thấy mộ cổ nằm đâu. Lý do dễ hiểu, tôi chỉ vào công viên Tao đàn trong dịp Hội Hoa Xuân mà trong dịp đó thì ngôi mộ này nằm ngoài khuôn viên tổ chức Hội Hoa Xuân (dù vẫn thuộc công viên Tao đàn). Mãi cho đến Tết năm nay tôi mới có dịp được bạn dẫn đến nơi ngôi mộ cổ này.



Ngôi mộ này hiện giờ đã được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp thành phố (năm 2014). Trên bia công nhận di tích ghi là Mộ cổ họ Lâm.



Mộ được xây bằng hợp chất ô dước (vôi sống, cát mịn, bột vỏ sò trộn với mật mía...) có cấu trúc dạng lăng song táng (2 mộ kề nhau), quy mô khá lớn. Giới chuyên môn xác định đây là loại hình mộ phổ biến trong văn hóa Việt từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20. Căn cứ những dòng chữ Hán trên bia mộ, người ta xác định rằng đây là mộ ông Lâm Tam Lang và vợ.





Lâm Tam Lang là ai?

Tui lò dò tìm đọc gia phả họ Lâm ở Kiên Giang và đọc được những dòng sau đây về thủy tổ dòng họ này:

Đời Thứ 1: Ông Lâm Tam Lang (17?? - 1795)

Ông Lâm Tam Lang, tự là Nguyên Thất, không biết năm sinh. Ông mất vào mùa thu năm Ất Mão (1795). Ông là người gốc ở Quảng Đông, Trung Quốc, không biết di cư sang Việt Nam từ khi nào, cư ngụ tại Saigon, Gia định.

Ông có vợ là bà Mai Thị Xã. Không biết năm sinh, năm mất.

Song mộ nguyên táng của ông và bà tại Vườn Ông Thượng, Sàigòn (nay là Vườn Tao Đàn, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh). Vào vườn Tao Đàn phía cổng đường Nguyễn Thị Minh Khai – Trương Định thì mộ ông bà ở ngay phía bên trái. Mặt tiền vòng mộ xoay hướng ra cổng vườn Tao Đàn đường Nguyễn Du – Trương Định.

Vậy là lai lịch người nằm dưới mộ đã rõ ràng.Đọc tiếp gia phả họ Lâm này sẽ có thêm vài điều thú vị:

Ông Lâm Tam Lang và bà Mai Thị Xã có 4 người con:
1. Bà Lâm thị…?……
2. Bà Lâm Thị…?….
3. Ông Lâm Phong Quang
4. Ông Lâm Ngọc Tú


Giờ ta dò theo tên người con thứ 3 của ông Lâm Tam Lang là ông Lâm Phong Quang nhé.

   2.3 Lâm Phong Quang-VƯƠNG THỊ QUI-VƯƠNG THỊ PHỐI
        3.1 Lâm Kim Diêu-MAI THỊ NỮ-Bà chánh thất…?..-Nguyễn Thị Của
            4.1 Lâm Văn Chiêu-…?..
                5.1 Lâm Văn Hổ
                5.2 Lâm Thị Ân
            4.2 Lê Văn Quyến-Lâm Thị Thể
            4.3 Lâm Quang Ky -Nguyễn Thị Thạnh

Hãy để ý đến tên người con trai trường của ông Lâm Phong QuangLâm Kim Diêu rồi đến con trai trưởng của ông Diêu là Lâm Quang Ky. Lâm Quang Ky chính là phó tướng của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, ông là người đã đóng vai Lê Lai cứu chúa hy sinh thay cho Nguyễn Trung Trực năm 1868, thọ 29 tuổi. Hiện nay tại Rạch Giá tên Lâm Quang Ky được đặt cho một con đường lớn, song song với đường Nguyễn Trung Trực (xem chi tiết trong bài Lê Lai cứu chúa xứ Kiên Giang). Hai người nằm trong ngôi mộ cổ ở công viên Tao đàn là ông bà cố của anh hùng dân tộc Lâm Quang Ky.

Xa hơn chút nữa, con của anh hùng Lâm Quang Ky Lâm văn Báu, ông Báu sinh người con là Lâm Chí Thiệp, và con ông Thiệp là Lâm Quang Phòng. Đại tá Lâm Quang Phòng là một võ quan ưu tú của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nổi tiếng với nhiều chiến công đánh Tây và... diệt Cộng. Lâm Quang Ky là ông cố của đại tá Lâm Quang Phòng.

Cùng là họ Lâm ở đời thứ 7 như Lâm Quang Phòng có một nhân vật rất nổi tiếng là Lâm Đình Phùng. Gia phả họ Lâm ghi như sau: Lâm Kim Diêu (đời thứ 3) - Lâm văn Dược (4) - Lâm Thành Định (5) - Lâm Đình Chất (6) - Lâm Đình Phùng (7). Lâm Đình Phùng là cháu đời thứ 5 của Lâm Kim Diêu và là cháu đời thứ 7 của ông tổ họ Lâm Lâm Tam Lang. Nếu bạn chưa nhớ ra Lâm Đình Phùng là ai thì tôi xin nhắc: đó chính là tên thật của nhạc sĩ Lam Phương, người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta đấy ạ.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét