1 thg 2, 2017

Thành thật khai báo làm đồ giả


Tờ "Giấy giới thiệu" này được "sản xuất" năm 1982, nghĩa là cách đây đã 35 năm. Nay xét thấy thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đã qua và việc này không hề gây ra hậu quả nghiêm trọng, tui xin thành thật khai báo: Nó do tui làm ra và là đồ giả 100%!

Mục đích của việc làm đồ giả

Không phải là gởi đến đồn công an hay để thẩm tra lý lịch gì ráo trọi (làm đồ giả mà đưa tới công an, bộ ngu sao?), mục đích là để: Mua vé xe đò!

Cần nhắc lại rằng thời điểm sau 1975 việc mua vé xe khách (hồi đó vẫn quen kêu là xe đò) vô cùng gian nan. Những năm đầu tiên muốn đi đâu đều phải xin giấy đi đường do công an cấp. Thí dụ như năm 1977, từ Long Khánh đi Sài Gòn để thi đại học cũng phải xin Giấy phép đi đường như vầy nè:



Đầu những năm 1980 không phải xin Giấy phép đi đường nữa, nhưng lúc bấy giờ chuyện xe cộ vẫn vô cùng khó khăn. Đi mua vé xe, ra bến xe xếp hàng chờ một hai tiếng là chuyện bình thường. Tới lượt mình hết vé cũng là chuyện bình thường luôn! Nếu lúc ấy là cán bộ đi công tác, có giấy giới thiệu của cơ quan thì sẽ được mua ở cửa ưu tiên, nhanh hơn nhiều!

Đó là lý do chính của việc tạo ra cái thứ Giấy giới thiệu dỏm này. Nhân viên bán vé xe làm sao có đủ thời giờ và trình độ để nhận ra đây là đồ dỏm. Vả lại, mặc dù làm đồ giả nhưng đâu có làm hại gì tới ai hay hại tới xã hội kia chứ!

Làm giả như thế nào?

Trước hết phải nói là trong Giấy giới thiệu trên có một chi tiết thiệt, đó là con người được nêu tên trong đó. Phải như vậy vì người bán vé xe còn đòi cho coi giấy tờ tùy thân có hình nữa. Còn lý do đi, nơi đến, chữ ký, con dấu, tất tần tật đều là dỏm!

Trong tất cả các chi tiết ấy cái khó làm nhất là con dấu (chữ ký thì dễ ợt, thằng cha bán vé xe làm sao biết chữ ký của bí thư đoàn trường ĐHBK để phân biệt thiệt giả?). Con dấu đó do tui vẽ đó, đẹp hông?

Giờ tui kể cách vẽ con dấu giả nha, bí mật 35 năm giờ mới kể đó! 

Trước hết ta phải có một con dấu thiệt để làm mẫu. Điều này dễ dàng, vì đã là sinh viên hay cán bộ trường đại học Bách khoa ắt hẳn sẽ có giấy tờ chi đó có đóng dấu của trường.

Kế đến, dùng giấy can trong (giấy calqué) can lại con dấu, can sơ sơ bằng bút chì thôi.

Và đây là công đoạn quan trọng nhất: Lật mặt sau tờ giấy can (mặt in ngược của con dấu), dùng mực đỏ đồ lại những nét của con dấu, vòng tròn của con dấu được tạo bằng compa mực. Loại compa này các bạn sinh viên xây dựng, kiến trúc đều có để vẽ bản vẽ kỹ thuật. Riêng tui thì có đồ nghề của ba tui ngày xưa làm họa viên. Chắc các bạn còn nhớ loại compa như hình này:



Vậy là ta có một hình ảnh con dấu vẽ bằng mực đỏ, in ngược với hình con dấu được đóng.

Trên tờ giấy giới thiệu dỏm, ta thoa một lớp nước mỏng, thật ít, đủ thấm thôi. Áp tờ giấy can có hình con dấu lên đó, miết nhè nhẹ. Thế là ta có con dấu tròn, đỏ trên Giấy giới thiệu!

Một lần vẽ như vậy có thể in ra 2 hoặc 3 con dấu!

Còn một chi tiết giả hơi thô, đó là Giấy giới thiệu mà sao không là mẫu in sẵn hay đánh máy, lại viết tay? Hì hì, may mà hồi đó chuyện này không phải là hiếm nên chả ai bắt bẻ làm gì. Nhưng cũng qua đây mới tự khen mình một chút: Hồi đó tui viết chữ cũng đẹp quá há?


Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét: