26 thg 9, 2019

Pleiku, thành phố sương mù

Hỏi nhạc phẩm nào nói về Pleiku gây nhiều cảm xúc nhất với những người sống ở miền Nam từ trước 1975 thì trong 10 người chắc tới 9 người rưỡi nhắc đến Còn chút gì để nhớ, thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc.

Từ ấy đến nay đã qua gần nửa thế kỷ (tác phẩm ra đời năm 1970), đã có những ca khúc nói về phố núi khác ra đời, trong đó có những ca khúc rất được ưa chuộng (là nói thế hệ sau này, còn thế hệ trước đã bị Còn chút gì để nhớ "bỏ bùa" rồi!). 




Cá nhân tui thích 3 bài: Thị trấn sương mù của Thanh Sơn, Phố núi của Trần Tiến và Đôi mắt Pleiku của Nguyễn Cường. Mỗi bài mang một vẻ, Thị trấn sương mù là lời kể chuyện, tự sự với hơi hướng Boléro thường thấy của Thanh Sơn; Đôi mắt Pleiku rạo rực nồng cháy với nét hoang dã Tây nguyên ở Nguyễn Cường; còn Phố núi thực chất không phải phố núi Pleiku mà là phố núi An Khê với đầy chất lãng tử Trần Tiến.


Bữa nay xin được nói chuyện chơi về bài hát Thị trấn sương mù này. Trên mạng, đa số đều ghi tựa là Thị trấn mù sương, mặc dù như ta thấy trên bìa album này ghi là sương mù. Thôi kệ, sương mù hay mù sương gì cũng được; còn thị trấn thì chính là thị xã Pleiku (trên thực tế Pleiku là thị xã từ rất lâu rồi, trước 1975, và lên thành phố từ năm 1999 - chắc là dùng chữ thị trấn nghe nó..có vẻ trữ tình hơn).

Bìa Album Thị trấn sương mù

Điều thú vị là bài hát này được nhạc sĩ Thanh Sơn viết tặng cho một ca sĩ nổi tiếng vốn sinh ra và lớn lên ở Pleiku, đó là ca sĩ Phi Nhung. 

Phi Nhung sinh ngày 10/4/1972 và lớn lên tại phường Diên Hồng, thị xã Pleiku. Mãi mãi cô không biết mặt cha mình, một quân nhân Mỹ đồn trú tại Pleiku ở thời điểm đó. Mẹ Phi Nhung qua đời năm 1982 khi cô 10 tuổi. Phi Nhung phải về ở với ông bà ngoại. Cô phải kiếm tiền và chăm sóc 5 đứa em cùng mẹ khác cha và mấy đứa cháu. Năm 1989, Phi Nhung được qua Mỹ theo dạng con lai. Nhiều năm vất vả sau đó, Phi Nhung dần trở nên một ca sĩ nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ.

Sự nghiệp ca hát của Phi Nhung gắn với khá nhiều ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn, như: Nỗi buồn hoa phượng, Ba tháng tạ từ, Hình bóng quê nhà, Gợi nhớ quê hương, Hành trình trên đất phù sa… do đó cô rất yêu quý ông. Theo lời kể của Phi Nhung: Khi nhạc sĩ Thanh Sơn qua Mỹ (năm 2006, để thực hiện cuộc phỏng vấn với Thúy Nga Paris By Night 83), vợ chồng ông đã cùng ăn tối với Phi Nhung, ba người đã có những cuộc trò chuyện thú vị về cuộc sống cũng như âm nhạc. Khi ấy, nhạc sĩ còn viết tặng riêng cho Phi Nhung ca khúc nói về cuộc đời người con gái Pleiku. Đó chính là bài Thị trấn sương mù.



Mở đầu bài hát là lời tự sự của chính Phi Nhung, người con gái Pleiku:

Em sinh ra trên vùng đất đỏ sương mù
tên gọi là Pleiku.

Kế đến là những lời ca gợi nhớ khung cảnh ban mai của thành phố trong sương mù

Bình minh lên như bức tranh tuyệt vời.
Rừng cao nguyên với rẫy nương sườn đồi.
Những buôn làng ấm no vui nụ cười trên môi.

Ca từ này quả thật khó mà so sánh được với những "Phố núi cao, phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn", nhưng cũng là một bức tranh đẹp, nên thơ của phố núi.


Thông cảm nhe, tui lấy hình tui ở Biển Hồ Trà để minh họa cho lời ca "Rừng cao nguyên với rẫy nương sườn đồi".

Đoạn kế tiếp mô tả nỗi nhớ quê của người đi xa:

Em không quên kỉ niệm nhớ mãi trong lòng, 

đêm hội làng Chư Prông
Dù xa quê nhưng em vẫn tìm về.
Người yêu ơi! Hãy giữ nguyên lời thề,
giấu bên lòng cánh hoa sim anh tặng cho em.

và rồi niềm vui khi về thăm quê hương

Chiêng, trống, cồng vang dội vui đêm nay.
Trai gái làng múa theo bước quay cuồng.
Trời sương lạnh, 
se lòng cô quạnh những người tha hương.

Cuối cùng là tâm trạng buồn nhớ khi lại phải chia xa

Em như chim xa đàn chớp bể non ngàn 
hơn một lần gian nan.
Trời cao nguyên sương giăng phủ mịt mùng.
Buồn chia tay nỗi xót xa lạnh lùng.
Nhớ núi rừng, nhớ Pleiku nghe lòng rưng rưng.

Bài hát này không phải quá xuất sắc, nhưng đủ để những người con xa quê của Pleiku cảm thấy "se lòng cô quạnh, những người tha hương". Và nhất là với những người yêu thích dòng nhạc quê hương của Thanh Sơn - hầu hết là những ca khúc về miền quê Nam bộ - sẽ cảm thấy có chút bất ngờ với bài hát mang âm hưởng Tây nguyên này của ông.



Trời cao nguyên sương giăng phủ mịt mùng.
Buồn chia tay nỗi xót xa lạnh lùng.

Còn một chuyện nữa. Mặc dù bài hát này được viết riêng cho Phi Nhung, nhưng dĩ nhiên không phải chỉ Phi Nhung mới được hát. Và dường như trong bản này, tui thấy Hương Thủy hát hay hơn Phi Nhung. Các bạn thấy sao?


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét